Vì sao du lịch làng nghề chưa khởi sắc?

Thứ Năm, 03/05/2018, 08:08
Trao đổi về du lịch làng nghề, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng nhưng hiện nay còn thiếu kế hoạch đồng bộ. Các tour du lịch làng nghề mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan và tới xem làng. Lý do là những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng.


Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay, trên cả nước có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, các làng thủ công truyền thống. Với xu hướng yêu thích  khám phá truyền thống văn minh, văn hiến Việt Nam của khách du lịch trong nước, quốc tế, làng nghề là tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt hấp dẫn và sẽ là cơ sở để tạo nên các loại hình du lịch văn hóa phong phú. Nhưng, tài nguyên này chưa hẳn được khai thác xứng tầm.

Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc trang trại đồng quê  Ba Vì – một trong số các mô hình du lịch hấp dẫn du khách tại Hà Nội cho biết, thực ra, ý tưởng làm du lịch của chị bắt nguồn từ nỗi lo về an toàn thực phẩm, mà cụ thể là... rau bẩn. Vốn là một cán bộ làm nghiên cứu khoa học, chị lên Ba Vì tìm đất trồng rau nhưng trồng rồi lại thấy đầu ra rất khó khăn.

Trong khi “lang thang” tìm lối thoát, chị gặp tư liệu về du lịch nông nghiệp trên một trang web chuyên biệt của thế giới. Rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm, mô hình hoạt động thành công của các nước trên thế giới được chuyển tải trên website này. Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam cũng cho thấy, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các gia trại, các trang trại có các sản phẩm ẩm thực đồng quê.

Du khách thích thú sở hữu sản phẩm sau khi trải nghiệm gói bánh chưng trong ngôi nhà cổ trăm tuổi tại làng cổ Hùng Lô, Phú Thọ.

Một không gian sống rất thực và thoáng đạt mang tính đồng quê với các cộng đồng nông nghiệp làng xã tối lửa tắt đèn ấm cúng có nhau luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau. Khu vực chân núi Ba Vì đã hình thành các làng nghề truyền thống rất lâu đời như làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao Ba Vì, các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau lấy giống từ rau rừng, trồng hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu,  trâu bò…

Sau một thời gian khá dài tiến hành khảo sát, trang trại du lịch đồng quê Ba Vì ra đời với khá nhiều tour du lịch trải nghiệm dành cho du khách được triển khai và được đón nhận: tham gia các hoạt động như nông nghiệp cổ xưa như xay lúa, giã gạo, úp nơm bắt cá, học cách trồng rau hữu cơ, nấu ăn, làm pho mát từ sữa tươi Ba Vì, tìm hiểu thảo dược và văn hóa chữa bệnh của người Dao…

Tại Phú Thọ, trong mùa lễ hội Giỗ Tổ 2018, hàng loạt làng nghề truyền thống đã được đưa vào khai thác, trở thành những điểm đến hấp dẫn trong nhiều tour du lịch. Hình ảnh những em bé mới hơn 7 tuổi cho đến cụ già đã qua tuổi thất thập của làng nón lá Sai Nga, Gia Thanh cần mẫn khâu từng chiếc lá vốn là búp non của cây cọ, được phơi khô, ép phẳng phiu cho đến những bàn tay thoăn thoắt xếp lá thành vòng, những chồng nón lá xếp đều tăm tắp đã để lại hình ảnh khó quên trong lòng du khách.

Ấn tượng với làng nghề chế biến nông sản Hùng Lô là hình ảnh những giá phơi bún, mì, miến, bánh đa trắng lóa hay bàn tay thoăn thoắt bên hững chiếc bánh chưng xanh vuông vức giữa ngôi nhà cổ trăm tuổi… Tuy nhiên, cũng không khó để nhận thấy, nhiều hộ gia đình được chọn làm điểm đến chưa hẳn thuần thục các kỹ năng cơ bản trong làm dịch vụ du lịch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông  Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho hay, tỉnh có rất nhiều làng nghề có thể khai thác phục vụ du lịch. Tuy nhiên, đến mùa lễ hội năm 2018 thì mới chỉ có một số làng được đưa vào khai thác. Một trong các lý do cơ bản là người dân chưa sẵn sàng và chưa đủ kỹ năng để hoạt động dịch vụ…

Trao đổi về du lịch làng nghề, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, du lịch làng nghề là hướng đi đầy triển vọng nhưng hiện nay còn thiếu kế hoạch đồng bộ. Các tour du lịch làng nghề mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan và tới xem làng. Lý do là những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng.

Thực tế đã cho thấy, chỉ có một số làng nghề truyền thống bước đầu khai thác hiệu quả như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc (Hà Nội), mộc Kim Bồng, tơ lụa Mã Châu (Hội An)… Còn lại, hoạt động du lịch làng nghề vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các cửa hàng trong làng nghề không có sự phân biệt rạch ròi giữa hàng bán cho du khách và hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống, chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua các doanh nghiệp. Các làng nghề không có điều kiện làm thiết kế. Các nghệ nhân lành nghề chưa phát huy hết tay nghề và kỹ năng chuyên môn bởi họ chỉ truyền nghề theo cách thức truyền thống, chưa mở rộng quy mô, bài bản…

 “Trong tương lai, để du lịch làng nghề phát triển hơn nữa, cần tìm và ứng dụng các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề. Đây là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành du lịch mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành.… Nếu làm không khéo sẽ để lại hậu quả không nhỏ.

Vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề” – ông Dần khẳng định.

N.H
.
.
.