Phim tài liệu vẫn đang đi tìm khán giả

Thứ Sáu, 09/06/2017, 07:51
Không thể mong chờ phim tài liệu mang doanh thu về hàng trăm triệu USD như các siêu phẩm điện ảnh giàu tính giải trí, dù rằng, làm nhiều phim tài liệu khó khăn, vất vả gấp nhiều lần và kinh phí đầu tư rất cao. Đó là khẳng định của đại diện 11 quốc gia tham gia Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam trong ngày công bố tổ chức Liên hoan phim tại Hà Nội ngày 7-6.


Theo kế hoạch, Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 8 năm 2017 có sự tham gia của 11 quốc gia: Áo, Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bỉ và Việt Nam. Với sự chung tay góp sức của Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam, Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, trường Đại học Hoa Sen, liên hoan phim giới thiệu với khán giả Hà Nội, TP Hồ Chí Minh 31 phim tài liệu đặc sắc nhất của các nước. Đây là các tác phẩm đã từng được ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín nhất trong nước và quốc tế, kể cả giải Oscar. 

Được coi là điểm hẹn khám phá cuộc sống, văn hóa Việt Nam cũng như thế giới qua những góc nhìn độc đáo của những người làm điện ảnh giàu tài năng và tâm huyết, nhưng sau 7 lần, với rất nhiều nỗ lực của ban tổ chức, các  buổi chiếu phim của liên hoan vẫn chỉ gói gọn trong 2  địa chỉ: Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương (Hà Nội) và Đại học Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh).

Trao đổi quanh câu chuyện khán giả với phim tài liệu, ông Nguyễn Như Vũ, Quyền giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương cho biết, so với những lần tổ chức đầu tiên, khán giả đến với Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam đã đông hơn nhiều. Năm nay, để giới thiệu rộng rãi liên hoan phim với công chúng, ban tổ chức đã và sẽ liên tục cập nhật thông tin trên các trang  web chính của hãng phim, fanpage của ban tổ chức và website của các đơn vị liên quan.

Tuy nhiên, ông Vũ cũng khẳng định, phim tài liệu chưa bao giờ hấp dẫn số đông, đặc biệt là số đông khán giả chấp nhận bỏ tiền để xem phim.

Đại diện 11 quốc gia tham dự Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam năm 2017 trao đổi với báo chí ngày 7-6.

Tại Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương hiện nay đang có kho lưu trữ đồ sộ với hơn 3 triệu mét phim nhựa. Đây là những tư liệu quý giá về quá trình hình thành, bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhiều thước phim độc bản về hoạt động của các bộ, ngành và địa phương chỉ duy nhất có tại hãng phim. Hãng có một hội trường 200 chỗ ngồi với hệ thống ánh sáng, âm thanh tiêu chuẩn, rạp chiếu chất lượng cao với máy chiếu kỹ thuật số hiện đại, chất lượng hình ảnh trung thực và sắc nét, âm thanh vòm sống động. Nhưng, đến xem phim thường xuyên, hầu như vẫn chỉ có những khán giả đã trung thành với hãng nhiều năm trở về trước. Kênh phát hành rộng rãi nhất vẫn là các đài truyền hình.

Trao đổi về thực trạng sản xuất và phát hành phim tài liệu, đại diện các đại sứ quán có phim tham dự liên hoan phim tài liệu châu Âu và Việt Nam lần thứ 8 đều khẳng định: phim tài liệu rất kén khán giả. Đây là mảng phim rất thú vị, phản ánh sinh động và cũng đầy mê hoặc về đất nước, cuộc sống, bức tranh văn hóa đa chiều của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Thế nhưng, để có vốn đầu tư sản xuất phim, các cá nhân, tổ chức thường dựa vào các nguồn vốn hỗ trợ. Để có vốn sản xuất, họ phải có ý tưởng độc đáo, xây dựng kịch bản, dự án phim đủ sức thuyết phục và phù hợp với tiêu chí mà các tổ chức hỗ trợ vốn yêu cầu. Đài truyền hình luôn là một trong số các địa chỉ đắc dụng nhất. Nhiều quốc gia còn có cả các tổ chức chuyên đứng ra vận động, tìm kiếm tài trợ sản xuất các dự án phim độc lập, trong đó có phim tài liệu.

Ngay tại Đức, nơi được coi là “thiên đường của phim tài liệu” với những liên hoan phim diễn ra liên tục trong nhiều ngày, phim tài liệu được chiếu ở khắp mọi nơi, việc tìm kiếm vốn sản xuất và phát hành cũng không đơn giản. Với châu Âu nói chung, một phim có thể được sản xuất ở nhiều nước khác nhau nên tác giả, nhóm tác giả có thể đề nghị hỗ trợ kinh phí sản xuất từ các tổ chức chung của châu Âu nhưng việc đầu tư kinh phí như thế không phổ biến.

Tại các nước châu Âu, kênh phát hành chính và truyền thống của phim tài liệu vẫn qua sóng truyền hình. Vài năm trở lại đây, phim tài liệu có kênh phát hành mới rất hiệu quả là internet. Lượng khán giả đến với phim tài liệu đông hơn, phát hành phim có doanh thu nhưng để có doanh thu như các phim điện ảnh giàu tính giải trí thì vẫn còn là giấc mơ rất xa.

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, phim tài liệu được nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân rất tích cực đổi mới sản xuất lẫn tìm kiếm thêm kênh phát hành mới. Một số bộ phim bắt đầu được chiếu rạp. Riêng với Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, ông Nguyễn Như Vũ cho biết, hãng đã có rất nhiều cải thiện về cơ sở vật chất. Nhiều máy quay hiện đại nhất, đáp ứng nhu cầu từ quay phim nhựa đến phim kỹ thuật số với độ phân giải cao, kèm nhiều thiết bị phụ trợ tiên tiến, đủ đáp ứng các nhu cầu về âm thanh, ánh sáng hiện đại và hệ thống ray, cẩu chuyên dụng đã được trang bị cùng một trong những trường quay lớn nhất Hà Nội, diện tích hơn 400m2…

Cách chọn đề tài, chọn dự án sản xuất hướng đến nhu cầu của khán giả hơn. Ngay dung lượng phim cũng có sự thay đổi. Nếu trước đây, phim chỉ có thời lượng dưới 30 phút, phù hợp với phát sóng truyền hình thì nay, thời lượng phim dài gấp đôi, đủ điều kiện để chiếu rạp. Nhưng, sản xuất phim tài liệu để mang doanh thu về vẫn là giấc mơ chưa thành hiện thực.

Mới đây nhất, hãng đã sản xuất, phát hành ngoài hệ thống chiếu rạp phim “Chuyện ngày hôm qua” - phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường. Lượng khán giả đến rất đông trong những suất chiếu thử nghiệm đầu tiên. Đây là tín hiệu vui với người làm phim tài liệu song sản xuất, phát hành phim tài liệu ngoài rạp để lấy lãi thì rất khó…

Ngọc Nguyễn
.
.
.