Tìm đường cho phim tài liệu ra rạp

Thứ Sáu, 24/03/2017, 09:23
Hầu hết người trong cuộc cũng đều cho rằng phim tài liệu có nhiều tiềm năng trong thu hút khán giả đến rạp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả phát hành phim tài liệu ngoài rạp chưa hẳn như mong muốn. Vì sao?



Những tín hiệu vui

Sau “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, bộ phim đánh dấu sự bứt phá ngoạn mục và hiếm hoi để đưa phim tài liệu ra rạp, thêm một số bộ phim khác được các nhà sản xuất phát hành ngoài rạp chiếu: “Lửa Thiện Nhân”, “Đáng sống”, “Chuyện ngày hôm qua”. Hầu hết người trong cuộc cũng đều cho rằng phim tài liệu có nhiều tiềm năng trong thu hút khán giả đến rạp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả phát hành phim tài liệu ngoài rạp chưa hẳn như mong muốn. Vì sao?

Những ngày giữa tháng 3-2017, bộ phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” do hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất được phát hành ra rạp trong sự đợi chờ của người hâm mộ ban nhạc Bức Tường. Với đơn vị sản xuất, đây cũng là tác phẩm được gửi gắm nhiều kỳ vọng.

Ông Trịnh Quang Tùng, Phó Giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương cho biết, trong hơn chục năm gần đây, “Chuyện ngày hôm qua” là tác phẩm đầu tiên hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương chọn sản xuất về cuộc đời của nghệ sĩ, ban nhạc. Ngoài lý do về ý tưởng kịch bản tốt, “Chuyện ngày hôm qua” được nhà nước chọn đầu tư sản xuất còn là vì sự đặc biệt của ban nhạc Bức Tường.

Cùng với sự thành công về mặt khán giả, ban nhạc đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng bởi rất nhiều ca khúc nổi tiếng với những ca từ rất đẹp. Thủ lĩnh của ban nhạc – ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực sống, truyền tải mạnh mẽ tinh thần sống đẹp, gieo ước mơ sống đẹp vào lòng khán giả, nhất là khán giả trẻ. Những ca khúc như thế, tinh thần sống đẹp như thế, hiện nay, xã hội đang rất cần.

Việc phát hành “Chuyện ngày hôm qua” ngoài rạp là bước đi đầu tiên của hãng trong việc thử nghiệm, thăm dò thị trường và mở đường đưa phim tài liệu của hãng ra rạp. Nếu hiệu ứng tốt, hãng sẽ đầu tư cho nhiều dự án phim tài liệu khác phục vụ chiếu rạp. Trong đó, dự án gần nhất là phim tài liệu “Thời bao cấp” chuẩn bị ra rạp vào tháng 9-2017. Đây là một câu chuyện thú vị, đề cập tới rất nhiều khía cạnh chưa từng được nói tới về thời bao cấp. 2 dự án phim khác của Đỗ Linh – đạo diễn phim “Chuyện ngày hôm qua”, hãng cũng đang  xem xét để đầu tư sản xuất…

Ban nhạc Bức Tường trong phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua”.

Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng, nhưng thời điểm hiện tại, số lượng phim tài liệu phát hành qua hệ thống rạp chiếu vẫn “đếm trên đầu ngón tay”. Các phim từng thành công như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân” đều từ nguồn xã hội hóa. Với hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, “cánh chim đầu đàn” về sản xuất phim tài liệu, 40 năm trước đã từng ghi dấu ấn với một số phim chiếu rạp: “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”…

Chỉ có điều, dù sở hữu đến trên 2.000 phim tài liệu, sau một khoảng thời gian dài bao cấp sản xuất và phát hành, hầu hết phim chỉ đến với khán giả qua hình thức chiếu bóng lưu động và các kênh truyền hình. Phải đến 40 năm sau, hãng mới lại có “Chuyện ngày hôm qua” được ra rạp. Lý do thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là câu chuyện kinh phí và doanh thu.

Hành trình còn nhiều gian nan

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, người từng góp phần khai phá trở lại con đường phát hành ra rạp cho phim tài liệu thông qua “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” từng chia sẻ rằng chị đã rất chật vật mới có kinh phí để hoàn thiện, đưa phim ra rạp. Tác phẩm được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng, thu hút được khán giả mua vé vào rạp.

Đạo diễn và ê kip còn được ghi nhận bởi tinh thần “lăn xả” với nghệ thuật. Tuy nhiên, doanh thu từ phim thì khó có thể so với nhiều sản phẩm giải trí khác. Bài toán khó về mặt kinh tế khiến nhà đầu tư sản xuất lẫn đơn vị phát hành phim không mấy mặn mà với dòng phim này.

Với “Chuyện ngày hôm qua”, dù đã được Nhà nước đầu tư về mặt kinh phí nhưng tiết lộ từ ê kip thực hiện thì số tiền 360 triệu đồng mới đáp ứng 1/3 tổng chi phí làm phim và chỉ một số ít “theo chân” các thành viên trong đoàn đi phục vụ trực tiếp sản xuất. Sau hơn một năm ròng rã theo đuổi dự án, sản phẩm mang về cũng mới dừng ở mức đủ đáp ứng phát sóng truyền hình.

Với quyết tâm đưa phim ra rạp, ê kip phải tiếp tục vận động thêm tài trợ để đầu tư thêm về công nghệ, làm lại âm thanh, bản chiếu cho phù hợp với công nghệ của rạp chiếu. 2 ngày phát hành đầu tiên, vé phát ra hết sạch song các thành viên vẫn ngậm ngùi bằng lòng với việc “chưa có đồng nào thu về”.

Chưa dám trông mong có thu nhập riêng từ dự án, tuy nhiên, mọi người vẫn tiếp tục hy vọng, phim tạo tiếng vang, có thêm nhiều nhà tài trợ, có thêm tiền chi phí cho việc nâng cấp phim và các suất chiếu tiếp theo, “đứa con tinh thần” này sẽ hoàn thiện hơn.

Phó giám đốc hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương Trịnh Quang Tùng cho biết, các phim tài liệu chiếu rạp hiện nay phần lớn là nhờ tâm sức của những người làm nghề, tiền đầu tư rất ít so với yêu cầu. Người làm phim đều là những người trẻ, dốc sức làm chỉ vì đam mê.

Đạo diễn Đỗ Linh cũng chia sẻ, cuộc sống, xã hội còn rất nhiều vấn đề, nhiều số phận mà người làm phim có thể khai thác. Ngoài vấn đề là người làm phim có chọn được trúng đề tài xã hội quan tâm và phim có hấp dẫn được khán giả hay không thì kinh phí luôn là bài toán nan giải. Làm phim tài liệu chiếu rạp chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng nếu ngại khó, không đi tiếp, chắc chắn, người đam mê thể loại này sẽ khó đến đích mong muốn. Thế nên, khó thì vẫn phải động viên nhau cố gắng…

Ngọc Nguyễn
.
.
.