Ngày sách Việt Nam 2018: Văn hóa đọc khởi sắc

Thứ Tư, 18/04/2018, 21:22
Với sự thành công của Ngày sách Việt Nam, chúng ta có thể kì vọng vào một tương lai sáng của văn hóa đọc sách nói riêng và nền sách Việt Nam nói chung.


Ngày 18-4, lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 đã được tổ chức tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ngày hội thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ.

Trải qua 4 năm thực hiện, Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 lần này đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Hội sách năm nay có sự tham gia của gần 80 đơn vị thuộc các nhà xuất bản, công ty phát hành trên cả nước. Khoảng 50.000 tên sách các loại, hàng vạn bản sách gồm nhiều chủ đề đa dạng, phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như: chính trị - pháp luật, kinh tế, khoa học công nghệ - kỹ thuật, tham khảo, giáo dục, văn hoá - xã hội, tôn giáo… đã được giới thiệu, trưng bày và bán tại trên 100 gian hàng ở hội sách.

Bên cạnh đó, 17 sự kiện đặc sắc sẽ được tổ chức liên tục trong các ngày diễn ra hội sách từ 18-4 đến 22-4. Những buổi tọa đàm hấp dẫn như “Sách - nhịp cầu hội nhập và phát triển” và ra mắt “Tủ sách hội nhập kinh tế quốc tế”; tọa đàm giới thiệu bộ sách “Kỹ năng sống cho trẻ”; talkshow “U23 – Lửa vẫn cháy trong tim”,… cùng hàng loạt những sự kiện thú vị khác chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả.

Ngay trong ngày đầu tiên, hội sách đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sách. Mặc dù là ngày thường nhưng hầu như mọi gian hàng đều rất đông người xem sách. Những đơn vị lớn như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ hay Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam luôn là địa điểm thu hút lượng độc giả đông đảo nhất.

Hội sách đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sách.

Những năm trở về trước, độc giả trong nước có phần ưa chuộng các tác phẩm văn học nước ngoài hơn văn học Việt Nam. Nhưng hiện nay, văn học trong nước đã có những bước chuyển mình đáng kể. Bằng chứng là rất nhiều tác giả trẻ Việt Nam nhận được sự mến mộ và chào đón của độc giả lứa tuổi thanh, thiếu niên. Những buổi giới thiệu sách, ký tặng sách của các tác giả tại hội sách luôn là phần được các bạn trẻ háo hức chờ đợi.

Bên cạnh đó, hàng loạt những tác phẩm văn học kinh điển của các tác giả nổi tiếng như Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng,... đã được các đơn vị xuất bản sách tái bản lại trong những diện mạo hoàn toàn mới. Việc thiết kế bìa các cuốn sách bằng những hình vẽ chân thực, giản dị nhưng vẫn đầy ý nghĩa khiến cho độc giả cảm thấy hứng thú hơn với các tác phẩm.

Anh Ngọc Hải (Hà Nội) cho biết: “Năm nào tôi cũng đưa cả gia đình đến tham quan hội sách. Bố mẹ tôi, vợ tôi và các cháu nhỏ đều rất thích thú với không gian sách khổng lồ này bởi ở đây có mọi loại sách phù hợp với mọi lứa tuổi”.

Chị Thủy, giáo viên trường THCS Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về quy mô và sự chuyên nghiệp của hội sách năm nay: “Dạo qua các gian hàng, tôi thấy có rất nhiều đầu sách mới và thú vị được giới thiệu so với hội chợ năm ngoái. Các đơn vị làm sách cũng rất cố gắng trong việc làm mới hình ảnh của mình để tiếp cận được với nhiều nhóm độc giả hơn.”

Hội sách thu hút độc giả từ mọi lứa tuổi, từ các cụ già... đến các bạn trẻ và các em thiếu nhi.

Ngoài việc tổ chức các hoạt động, sự kiện giao lưu giữa tác giả với độc giả, ra mắt giới thiệu sách hay hội thảo về những vấn đề liên quan đến in ấn, xuất bản sách v.v, các đơn vị tham gia còn có nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho độc giả.

Việt Hà, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Tại hội sách có rất nhiều sách được bán đồng giá hoặc giảm chiết khấu đến 30% hoặc 50%. Đối với sinh viên như chúng mình thì đây là một cơ hội hiếm có để tìm mua được những cuốn sách hay mà không phải quá lo nghĩ về giá cả”.

Những năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của Internet và các trang mạng xã hội đã thay đổi thói quen sống của một bộ phận lớn người dân Việt Nam, trong đó có cả văn hóa đọc sách. Việc tổ chức Ngày sách Việt Nam hàng năm là một trong những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao ý thức đọc sách của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ hiện nay.

Trong bài phát biểu khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ 5, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã khẳng định chặng đường 4 năm qua với những kết quả đạt được trong thực tiễn đã đưa Ngày Sách Việt Nam trở thành ngày hội của những người yêu sách, một nét đẹp văn hóa được cộng đồng đón nhận và tôn vinh. 

Rất đông người đến hội sách trong ngày đầu khai mạc.

Theo từng năm, việc triển khai thực hiện Ngày Sách Việt Nam ngày càng được hoàn thiện với sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có những kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động của Ngày sách Việt Nam.

Vì vậy, nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam được tổ chức đồng bộ, có quy mô, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt là có sự lồng ghép giữa các hoạt động này với sinh hoạt văn hóa, chính trị, tư tưởng phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của từng vùng miền, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân.

Với sự quan tâm của độc giả tăng dần sau mỗi năm, có thể dễ dàng nhận thấy những phương pháp này đang phát huy hiệu quả rất tốt, đem lại những tác động tích cực đến cho cộng động. Sau những dấu hiệu khởi sắc đầy triển vọng này, chúng ta có thể kì vọng vào một tương lai sáng của văn hóa đọc sách nói riêng và nền sách Việt Nam nói chung.

Theo quyết định số 284/QĐ-TTg ban hành ngày 24-2-2014, Ngày sách Việt Nam được ấn định vào ngày 21 tháng 4 hàng năm. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. đồng thời tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.


Phương Nhi
.
.
.