Luật Điện ảnh sửa đổi cần thêm nhiều quy định cụ thể, khả thi

Thứ Sáu, 23/08/2019, 17:44

Ngày 23-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi khu vực phía Bắc. Thu hút sự tham gia thảo của đông đảo đại diện các đơn vị, nhà quản lý, người hoạt động trong lĩnh vực, tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong phát triển điện ảnh hiện nay.



Theo Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, sau 12 năm triển khai và thi hành Luật Điện ảnh, đã bôc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tế, khó thực thi. Các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh. 

Một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa có tính khả thi cao, chưa được thực thi nghiêm túc. Việc soạn thảo đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6 Luật Điện ảnh) để hỗ trợ phát triển điện ảnh dân tộc đã được tiến hành từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thành lập vì chưa xác định nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ.

 Ban soạn thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã công bố bản Đề cương dự thảo, điều chỉnh nhiều nội dung, quy định của Luật Điện ảnh hiện hành: Sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ; Bổ sung quy định về nguồn và cơ quan quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách thu hút đầu tư và phát triển điện ảnh.

Phát triển điện ảnh Việt đang bị cho là gặp nhiều rào cản từ quy định pháp luật hiện hành

 Ban soạn thảo cũng đề nghị sửa đổi, loại bỏ một số quy định về điều kiện sản xuất phim, sản xuất phim đặt hàng, quản lý phát hành, phổ biến phim,  quảng bá điện ảnh, tổ chức liên hoan phim, lưu chiểu, lưu trữ, phổ biến phim bằng công nghệ kỹ thuật số, những quy định chồng chéo hoặc không tương thích với các Luật khác.

 Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với chủ trương sửa đổi Luật Điện ảnh hiện hành. Tuy nhiên, các đại biểu cũng tiếp tục chỉ ra nhiều vấn đề mà Luật Điện ảnh sửa đổi cần điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng  thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết nhưng vấn đề không chỉ là nguồn thu cho Quỹ như Ban soạn thảo lo lắng mà yếu tố quyết định phải là cơ chế vận hành Quỹ làm sao cho minh bạch, hiệu quả. 

Làm gì để phim ngoại nhập bớt lấn lướt phim Việt là bài toán khó cho Ban soạn thảo

Các hạn chế trong quy định về đấu thầu sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng, tình trạng các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu phần lớn rạp chiếu phim, dễ thao túng thị trường dẫn đến khiếu nại kéo dài của các doanh nghiệp làm phim trong nước và thiếu những rào cản cần thiết để bảo hộ điện ảnh nước nhà… đang là những bài toán khó cho Ban soạn thảo.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc công ty Bình Hạnh Đan (BHD) chỉ ra rằng, Luật Điện ảnh hiện hành có quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh nhưng thiếu  văn bản hướng dẫn hay chính sách cụ thể nên không phát huy được trong thực tế. Doanh nghiệp điện ảnh không có lợi thế về kinh doanh như các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng khác nên áp mức thuế chung là thiếu công bằng đối với doanh nghiệp điện ảnh. Luật Điện ảnh sửa đổi cần có sự điều chỉnh cho phù hợp và phải điều chỉnh bằng những quy định cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi.

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông cũng cho rằng, Ban soạn thảo nên quan tâm xây dựng các quy định về quản lý phát hành, phổ biến phim đối với các hình thức phát hành phi truyền thống: Phát hành trên mạng internet, các hình thức phát hành “xuyên biên giới”…

Ban soạn thảo cũng đã tiếp thu toàn bộ ý kiến để tiếp tục bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tới


Hoa Nguyễn
.
.
.