Điện ảnh phát triển vượt kế hoạch dự kiến: Vừa mừng đã lo

Thứ Năm, 22/08/2019, 07:53
Số lượng phim sản xuất hàng năm liên tục vượt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh. Sau 10 năm, số lượng rạp chiếu phim tăng gấp hơn 10 lần. Nhiều phim “bom tấn” của nước ngoài được phát hành ở trong nước song song với nước ngoài. 


Số lượng doanh nghiệp sản xuất phim Việt Nam tăng đột biến. Doanh thu phim đạt hàng trăm tỷ đồng đã không còn là hiện tượng lạ mà đã khá phổ biến… Đó là hàng loạt tín hiệu vui cho điện ảnh Việt. Tuy nhiên, người trong cuộc lại không hẳn quá lạc quan.

Hiện tại có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất phim nhưng thực tế chỉ có một vài doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Đa số còn lại, thành lập doanh nghiệp, sản xuất 1,2 phim rồi ngưng hoạt động. Thị trường điện ảnh tăng trưởng mạnh, tốc độ trung bình từ 20% đến 25%. Mỗi năm, có hơn 40 phim Việt Nam chiếu rạp được sản xuất.

Về hệ thống chiếu rạp, chỉ trong 10 năm đây, số lượng rạp chiếu hiện đại tăng đột biến. Ngay người làm quản lý cũng không lường trước được. Những năm 2.000, hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam hầu như hoang phế, vừa xuống cấp, vừa vắng khách. Năm 2009, Việt Nam có khoảng 87 phòng chiếu phim. Năm 2018, số lượng phòng chiếu đã tăng gấp hơn 10 lần, với 922 phòng chiếu. 

Phim Việt được các doanh nghiệp tư nhân đầu tư sản xuất quy mô lớn ngày càng nhiều hơn.

Nếu so với chỉ tiêu 550 phòng chiếu phim vào năm 2020 của “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” đã tăng gấp 1,7 lần. Tuy nhiên phần lớn rạp chiếu phim thuộc về các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành điện ảnh.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, xã hội hóa điện ảnh mạnh mẽ những năm qua góp phần đặt nền móng vững chắc hơn cho việc xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh. Nhưng, xã hội hóa cũng đang cho thấy nhiều vấn đề. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp được cấp phép  hoạt động nhiều nhưng thực tế chỉ có một vài doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Đa số còn lại, thành lập doanh nghiệp, sản xuất 1, 2 phim rồi ngưng hoạt động.

Thực tế, phim Việt chiếu rạp chưa bằng 1/5 phim ngoại nhập. Số lượng phim sản xuất nhiều nhưng chất lượng không tương xứng. Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội năm 2013, Ban tổ chức vô cùng vất vả vì loay xoay mãi vẫn không chọn được phim Việt có chất lượng tốt để dự thi. Phim do Nhà nước đặt hàng không có vì bất cập về cơ chế. 

Theo quy định đấu thầu, hội đồng thẩm định sẽ thẩm định kịch bản văn học, nếu đạt yêu cầu mới đưa ra cho nhiều đơn vị cùng đấu thầu. Nhưng thực tế, đơn vị sản xuất chọn kịch bản, có dự án sản xuất mới trình hội đồng thẩm định. Nếu kịch bản được duyệt, đưa ra đấu thầu, đơn vị có kịch bản không trúng thầu sẽ không chấp nhận chuyển giao kịch bản cho đơn vị khác. 

Sau nhiều năm, hiện nay, phim do Nhà nước đặt hàng bắt đầu được đưa vào sản xuất trở lại nhưng là theo cơ chế cũ, tức là chọn thầu. Ngay cả khi phim được đầu tư sản xuất cũng còn nhiều vấn đề. Ví dụ, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nhà nước đầu tư 8 tỷ đồng. Theo quy định, số tiền này chiếm tới 70% tổng vốn đầu tư. Hợp tác với tư nhân sản xuất, tổng vốn đầu tư phim lên đến 20 tỷ đồng. May mắn là sau đó phim phát hành tốt, doanh thu rất cao.

TS Ngô Phương Lan cũng chia sẻ, tình trạng các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu phần lớn lượng rạp chiếu phim tại Việt Nam dẫn đến bất bình đẳng trong phát hành. Nếu là phim do các đơn vị sở hữu hệ thống rạp chiếu đầu tư sản xuất, tỷ lệ doanh thu dành cho sản xuất ban đầu lên đến 60%. Nhưng nếu là phim của nhà sản xuất trong nước, tỷ lệ này chỉ có 40% đến 50%…

 Nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, điện ảnh Việt đang rất thiệt thòi. Ví dụ ở nhiều quốc gia, điện ảnh không chỉ được hỗ trợ phát triển nhiều mặt mà còn được bảo trợ, hỗ trợ về nhiều chính sách như: Hạn chế tỷ lệ phim ngoại nhập, các đơn vị trong nước nắm từ 70% đến 90% số lượng rạp chiếu…

Chưa kể, cơ chế, chính sách quản lý hiện nay mới dừng ở các hình thức truyền thống như chiếu rạp, phát sóng… Thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang tác động đến điện ảnh rất nhiều. Thay vì chỉ phát hành phim ngoài rạp, trên sóng truyền hình thì hiện nay, rất nhiều phim sản xuất, phát sóng trên các trang Web Drama, có khi lên đến vài chục triệu lượt xem. Nhưng, kênh phát hành này chưa được kiểm duyệt đúng như cần thiết.

Để khắc phục những vấn đề bất cập của điện ảnh Việt, hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang triển khai lấy ý kiến sửa đổi Luật Điện ảnh với kỳ vọng sẽ thể chế hóa đầy đủ, triệt để chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, quy định pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phù hợp tính đặc thù của ngành điện ảnh, đảm bảo minh bạch, có tính khả thi cao.

Về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan cho rằng, cùng với sửa đổi Luật Điện ảnh thì trong thời gian tới, phải phát triển nội lực điện ảnh Việt, từ khâu sản xuất phim, tăng số lượng và chất lượng phim Việt đến xây dựng các tác phẩm mang bản sắc dân tộc, có giá trị tư tưởng, giáo dục thẩm mỹ, giải trí, đạt hiệu quả xã hội. Cần phát triển hài hòa các dòng phim chính thống, phim nghệ thuật, phim giải trí và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên nghiệp.

Thị trường điện ảnh Việt cần được củng cố, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, bền vững, tăng thị phần phim Việt,  mở rộng thị trường ra nước ngoài với việc xuất khẩu phim Việt. Ngoài ra, cần xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt qua các sự kiện điện ảnh, Liên hoan phim quốc tế; cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa ngành điện ảnh với các ngành liên quan như du lịch, truyền hình. 

Ngành điện ảnh cần tận dụng vai trò tích cực của truyền thông để quảng bá tác phẩm, bảo vệ chuẩn giá trị của tác phẩm điện ảnh đồng thời tích cực phát huy thế mạnh của điện ảnh trong kỷ nguyên số hiện nay.

N.Nguyễn
.
.
.