NSƯT Quốc Hưng: Chương trình "Âm vang chiến công" sẽ đầy ắp chất thơ

Thứ Bảy, 12/08/2017, 20:51
Theo kế hoạch dự kiến, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Âm vang những chiến công” do Báo Công an nhân dân chủ trì tổ chức sẽ diễn ra vào diễn ra vào 20h ngày 18-8 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên kênh ANTV.

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng làm tổng đạo diễn của chương trình.  Anh cho biết: Đây là đêm nghệ thuật tôn vinh người Công an nhân dân nhưng sẽ có những phần rất lãng mạn và ăm ắp chất thơ.

Phóng viên: Chỉ còn ít ngày nữa chương trình “Âm vang chiến công” sẽ chính thức ra mắt khán giả. Xin anh chia sẻ với bạn đọc Báo CAND, đến nay, chương trình đã được chuẩn bị như thế nào?

NSƯT Quốc Hưng: Chúng tôi không tập trung tập luyện ở một chỗ mà chia nhóm ra tập. Ấn định tiết mục cho ca sĩ nào thì ca sĩ ấy tự tập, tự thực hiện hòa âm phối khí. Các tiết mục múa, về cơ bản cũng đã thông qua. Chúng tôi chỉ đợi ngày chạy chương trình là tập hợp về Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ. Tôi sẽ bao quát lại toàn bộ chương trình, sẽ yêu cầu chỉnh sửa nếu thấy cần thiết.

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng, tổng đạo diễn chương trình "Âm vang chiến công"

 Phóng viên: Ngoài các giọng ca chính, chúng tôi nghe nói anh có mời một số lượng khá lớn các nghệ sĩ khác biểu diễn phụ họa cho các tiết mục? 

NSƯT Quốc Hưng: Ca sĩ biểu diễn trong đêm nhạc có rất nhiều giọng ca nổi tiếng như Đăng Dương, Trọng Tấn, Thu Hằng, Trần Hồng Nhung, Tân Nhàn... Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của 12 đến 15 diễn viên múa, dàn hợp xướng 12 nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tốp thiếu nhi khoảng 30 cháu. Tốp múa thiếu nhi này tôi đã từng mời tham gia rất nhiều chương trình. Các cháu rất giỏi. Có cháu mới 6 tuổi, lên sân khấu biểu diễn nhìn rất đáng yêu. Trong chương trình lần này, các cháu sẽ là những người mở màn chương trình, biểu diễn một số liên khúc thiếu nhi như “Em là mầm non của Đảng” của nhạc sĩ Mộng Lân, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của nhạc sĩ Phong Nhã...

Thiết kế sân khấu chương trình "Âm vang chiến công"

Phóng viên: Anh đang làm Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lại là nghệ sĩ có bề dày về kinh nghiệm và thành tích biểu diễn nhạc truyền thống cách mạng nên có nhiều điều kiện thuận lợi khi nhận lời thực hiện chương trình như “Âm vang chiến công”?  

NSƯT Quốc Hưng: Trước khi làm giảng viên trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi từng là nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân. Quốc Hưng  về Đoàn từ năm 1994, khi vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp. Năm 1996, tôi được vào biên chế chính thức, vừa tham gia công tác, vừa đi học nâng cao. Mãi đến năm 2002 tôi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, được nhà trường giữ lại làm giảng viên nên mới xin đơn vị chuyển ngành. 6 năm gắn bó với các nghệ sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, theo đoàn đi diễn phục vụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, được tiếp cận nhiều với lực lượng này nên Quốc Hưng cũng có khá nhiều kinh nghiệm. 

Phóng viên: Gắn bó một khoảng thời gian khá dài như thế, chắc là anh có nhiều kỷ niệm về lực lượng Công an nhân dân? Anh có cảm nhận nào đặc biệt về lực lượng này và định chuyển tải chúng như thế nào trong chương trình sắp tới? 

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Hưng trao đổi về chương trình ngày 18-8

NSƯT Quốc Hưng: Thời gian Quốc Hưng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân rất vui. Cuộc sống tuy còn khó khăn vất vả nhưng mọi người sống tình cảm lắm. Đoàn không có tổ đài nên các chuyến đi lưu diễn, ca sĩ, diễn viên phải tự bốc xếp tất cả các nhạc cụ, đạo cụ biểu diễn. Nhiều khi còn phải vác cả dàn loa to đùng cho đến đèn, âm li lên nhà cao tầng. Có những ca sĩ nữ nhìn rất mảnh mai cũng phải tham gia bốc xếp. Có những chuyến đi kéo dài 3,4 tháng, đi đến đâu cũng được công an địa phương ưu tiên tạo điều kiện giúp đỡ. 

Sau này, Quốc Hưng cũng tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn của lực lượng Công an nhân dân nên có thể diễn rất nhiều ca khúc về lực lượng này. Tính sơ sơ, Hưng cũng có thể hát được 16, 17 bài. Đây đều là những ca khúc rất nổi tiếng về Công an nhân dân. Khi nhận lời làm chương trình này, tôi cũng định dựng toàn bộ chương trình là các ca khúc về Công an nhưng ban tổ chức muốn chủ đề rộng hơn nên phần thứ nhất của chương trình sẽ là các ca khúc ca ngợi quê hương đất nước.

 Phần 1 có chủ đề “Đất nước tình yêu”. Tôi để cho ca sĩ trẻ Thu Hằng mở đầu với ca khúc “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Đình Bảng. Làm nền cho tiết mục này là rất nhiều hình ảnh lãng mạn về tuổi trẻ, tình yêu vô cùng lãng mạn, trong sáng với tà áo dài trắng của nữ sinh, những chiếc xe đạp đỏ rực màu hoa phượng. Sau đó là ca sĩ Tân Nhàn với một màu sắc khác, lãng mạn và nên thơ với “Đừng ví em là biển”... Phần thứ hai với chủ đề “Thành đồng Tổ quốc” mới tập trung các ca khúc ca ngợi người Công an nhân dân. 

Phóng viên: Phần thứ 2 của chương trình có những gì đặc biệt, thưa Tổng đạo diễn? 

NSƯT Quốc Hưng: Về tổng thể, chương trình được đơn vị tổ chức đầu tư khá nhiều. Ít nhất có 7,8 tiết mục được sử dụng khói lạnh để tạo sự huyền ảo cho sân khấu. Một màn hình led rất rộng sẽ chuyển tải rất nhiều hình ảnh, thước phim tư liệu về lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ. Mỗi bài hát sẽ có những thước phim tư liệu tương ứng. Ví dụ, khi ca sĩ hát  bài “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” thì trên màn hình sẽ là những thước phim rất xúc động về hoạt động của những người làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng Bác, hình ảnh của Bác đang yên giấc ngàn thu giữa thủ đô... 

Poster chương trình

 Phóng viên: Anh đã chọn lựa ca khúc như thế nào cho phần thứ 2 này?

NSƯT Quốc Hưng: Khi chọn ca khúc, tôi suy nghĩ thế này: lâu nay người dân thường chỉ biết nhiều về người Công an nhân dân qua các chiến công còn người Công an trong cuộc sống gia đình đời thường thì rất ít người biết đến. Vì vậy, tôi cố gắng chọn các ca khúc gần gũi, dễ hiểu nhất nhưng “nói được” nhiều nhất về người Công an. Trong đó, ca khúc “Người chiến sĩ ấy” của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ do giọng ca trẻ rất xuất sắc là Trần Hồng Nhung biểu diễn cùng với dàn hợp xướng, có múa phụ họa. 

Ca khúc thứ hai cũng đã từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công là “Chúng con canh giấc ngủ cho Người”. Ca khúc này sẽ do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện. Mức độ thành công của Trọng Tấn như thế nào thì số đông công chúng đã biết cả rồi. Top nam thì có một bài rất nổi tiếng “Giữ trọn lời thề” do nhạc sĩ Trương Hùng phổ nhạc từ thơ của Phan Gia Liên. Cả nhạc sĩ Trương Hùng và cô Phan Gia Liên đều rất gắn bó và có nhiều sáng tác về lực lượng Công an nhân dân.

Gần cuối chương trình tôi chọn ca khúc “Khát vọng” của Phạm Minh Tuấn. Ca khúc này có khá nhiều triết lý hay, sống đẹp như “Hãy sống như đời sống, để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển trào,  để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và khát vọng như ước vọng, để thấy đời mênh mông...”. Qua phần biểu diễn của nghệ sĩ Lan Anh, một giảng viên có uy tín trong Khoa Thanh nhạc của Nhạc viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng tôi mong muốn, không chỉ nghệ sĩ, các cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân mà là mọi tầng lớp khán giả đều có thể cảm nhận được khát vọng sống đẹp, sống có ích của tuổi trẻ, trong đó có tuổi trẻ Công an nhân dân.

 Phần kết của chương trình sẽ là ca khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” của nhạc sĩ  Chu Minh. Đây là một sáng tác rất nổi tiếng và là một trong những ca khúc “kinh điển” của nhạc truyền thống cách mạng, đòi hỏi tính học thuật cao hơn một số ca khúc khác, cả lời, nhạc đều rất hay, rất đẹp, mang đến cảm giác tươi sáng, rộn ràng. Đây cũng là cảm xúc mà ê kip thực hiện chuyển tải đến khán giả cuối chương trình thay cho mong ước về một cuộc sống tươi đẹp luôn hiện hữu trong hôm nay và mai sau.

Phóng viên: Xin cảm ơn NSƯT Quốc Hưng.
Ngọc Nguyễn
.
.
.