Xuất khẩu lao động nhiều hứa hẹn

Thứ Sáu, 15/02/2019, 08:42
Năm 2019, xuất khẩu lao động Việt Nam đặt mục tiêu đưa 120 nghìn người ra nước ngoài làm việc. Đây là con số khiêm tốn khi năm 2018, cả nước đã đưa được hơn 142 nghìn người đi.


Các thị trường lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc nhu cầu ngày càng lớn, trong khi đó những thị trường mới như châu Âu cũng đang cần một lượng lớn nguồn nhân lực đã tạo ra động lực cho xuất khẩu lao động Việt Nam ngay khi vừa bước vào năm 2019.

Sôi động ngay sau Tết

Thị trường xuất khẩu lao động châu Âu đang được kỳ vọng rất nhiều trong thời gian tới.

Được coi là thị trường “một vốn bốn lời”, chính vì thế sang Nhật Bản làm việc luôn có sức hút rất lớn với lao động Việt Nam. Trong khi đó, phía Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, đơn đặt hàng lao động từ phía Nhật Bản tăng cao nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngay trong và sau Tết đã phải tăng hết công suất để đáp ứng nhu cầu của phía đối tác. 

Chia sẻ về khó khăn trong việc tìm ứng viên, ông Nguyễn Thế Đại, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động Biển Đông cho hay, ngay từ trước Tết, đơn vị đã phải cho nhân viên chạy đôn đáo về trung tâm việc làm ở các tỉnh để tìm ứng viên. Lý do là các đơn hàng từ phía Nhật Bản tăng so với cùng kỳ, trong khi đó mùa tuyển dụng ở phía Nhật Bản lại đúng vào dịp Tết. 

“Chúng tôi đang có một loạt đơn hàng về điện tử, sản xuất máy lạnh, cơ khí, bán hàng ở siêu thị… Tuy nhiên, yêu cầu từ phía Nhật Bản cũng rất cao, chính vì thế không phải ứng viên nào cũng có thể đi được. Có những khi phỏng vấn vài người mới có một người đủ điều kiện để đưa đi đào tạo. Tìm nhân lực đi Nhật Bản không dễ, vì thế công ty phải cho người chạy đôn đáo từ trước Tết, ra Tết vẫn tiếp tục cho người chạy khắp các tỉnh để đảm bảo được yêu cầu từ đối tác”, ông Đại cho biết.

Năm 2018, Nhật Bản tiếp nhận gần 69 nghìn lao động Việt Nam sang làm việc. Con số này được cho là sẽ tăng khi năm nay Nhật Bản vừa điều chỉnh chính sách nhập khẩu lao động, khi thay đổi quy định nâng tỷ lệ lao động Việt Nam trong một nhà máy lên cao hơn so với trước. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tuyển thêm nhiều ngành nghề khác như: bán hàng, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn…, thay vì tập trung vào một nghề như trước đây. 

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TBXH) cho biết, với số lượng lao động là 126.000 người, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước có số lượng thực tập sinh tại Nhật lớn nhất trong 15 nước phái cử. Đây là một tín hiệu mừng đối với lao động Việt khi tham gia thị trường Nhật Bản.

Thị trường mới tiềm năng

Những thị trường mới đang được kỳ vọng là Bulgaria và Rumani đã được Bộ LĐ- TBXH ký biên bản ghi nhớ hợp tác lao động và an sinh xã hội vào tháng 11- 2018. Đây cũng là cơ hội cho hàng trăm nghìn lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước châu Âu này. Dự kiến chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50 nghìn lao động ở lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. 

Không chỉ Bulgaria, Rumania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Đây là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. 

Lao động Việt Nam sang Rumani có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động chỉ vào khoảng 40 triệu đồng/người. 

“Nhu cầu tiếp nhận lao động của 2 nước Đông Âu là rất lớn vì kinh tế ở các nước này đang tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, do già hóa dân số và phần lớn lao động Rumani, Bulgaria di cư sang các nước Tây Âu làm việc, nên lao động trong một số ngành nghề ở các nước này đang thiếu hụt trầm trọng. Với sự nỗ lực của các bên, trong tương lai sẽ có nhiều lao động Việt Nam có cơ hội sang làm việc hợp pháp tại hai quốc gia Đông Âu này”, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.

Nếu so sánh với các thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thì sang làm việc tại các nước châu Âu, lao động Việt Nam có thu nhập không hề thua kém. Điều kiện sinh hoạt, con người và khí hậu cũng thuận lợi cho lao động Việt Nam. Các thị trường này cũng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu lao động Việt Nam. 

Tuy nhiên theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam thì tại các thị trường châu Âu cần phải có sự quản lý chặt chẽ, bởi thực tế Việt Nam đang vướng phải một số khúc mắc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. 

“Chúng ta đã ký kết hợp tác lao động với một số nước; việc đi lại giữa các nước ở châu Âu khá thuận lợi; chưa xảy ra các sự cố lao động bỏ trốn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các thị trường khác, không nên chủ quan; cần thận trọng, không nên đưa đi ồ ạt mà phải thí điểm trước”, ông Tân cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.