Việt Nam đang tiến bộ về năng lực cạnh tranh toàn cầu
Đây là nhận định của Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2017 – 2018. Đồng thời, WEF cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại đối với Việt Nam để đảm bảo sự phát triển là liên tục và bền vững.
- Phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh
- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
- Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 150 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh
- Nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết trong hội nhập
Báo cáo Chỉ số Năng lực Cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hàng năm nhằm mục đích đo lường sự lên xuống về năng suất của các nền kinh tế. Đây là nhân tố quyết định thu nhập bình quân đầu người ở từng quốc gia. Các chỉ số này dựa trên việc tính toán, phân tích 106 yếu tố khác nhau của nền kinh tế để xem liệu nền kinh tế đó là mạnh hay yếu. Với trường hợp của Việt Nam, bức tranh tổng thể đang có những sự cải thiện.
Trong Báo cáo thường niên năm 2017-2018 mà WEF công bố, Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, với xếp hạng 55 trên 137 quốc gia. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ khi WEF đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu tổng hợp vào năm 2006. Với thứ hạng này, Việt Nam xếp trên một số nước ASEAN như Philippines, Campuchia, Lào.
Phân tích về những điểm mạnh của Việt Nam, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood đánh giá, Việt Nam đã có những thành tựu rất đáng kể trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ bình quân cao, nguy cơ bùng nổ các đợt dịch bệnh thấp, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh thấp, các loại chỉ số này cho thấy mức độ phát triển của Việt Nam.
"Điểm đáng chú ý nữa là sự ổn định về kinh tế. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ lạm phát ít biến động và tương đối thấp, và tỷ lệ tiết kiệm cao đi kèm tỷ lệ đầu tư mạnh mẽ. Nền tảng của nền kinh tế Việt Nam là tương đối tốt", ông Justin Wood cho hay.
Chỉ số đổi mới sáng tạo bao gồm các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) như thế nào, số lượng các bằng sáng chế được cấp là bao nhiêu. Điều này cản trở Việt Nam tiến sâu hơn trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc.
Điểm yếu nữa là về chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động tại Việt Nam. WEF cho rằng chỉ số này phản ảnh những khó khăn của doanh nghiệp khi muốn tìm được lao động phù hợp và khả năng người lao động dịch chuyển công việc.
Ông Justin Wood cũng nói thêm rằng, trước nay, lợi thế của Việt Nam là lao động giá rẻ nhưng giờ Việt Nam đang bị nhiều quốc gia khác vượt trước. Vì vậy, Việt Nam phải xây dựng chiến lược mà ở đó con người là trung tâm để tăng khả năng về lợi thế cạnh tranh năng lực và trình độ làm việc. Theo ông Justin Wood, trong thời đại 4.0, lao động giá rẻ không còn là điều kiện tốt cho một nền kinh tế phát triển.