Nhiều biện pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:04
Cuối năm, nhu cầu thị trường tăng cao nên các nhà sản xuất, thương lái tìm đủ mọi cách để tuồn những loại rau, củ quả tồn dư lượng hóa chất, thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vào các khu chợ.


Trước thực trạng này, lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế và cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp, tích cực kiểm tra, xử lý nhằm nỗ lực ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng.

Chợ Bãi Dâu đóng ở phường Phú Hậu, TP Huế là khu chợ đầu mối lớn nhất Huế khi nơi đây tập trung những mặt hàng từ nông sản, trái cây, hải sản, thực phẩm tươi sống đến vô số các loại hàng hóa khác. Vào những ngày cuối năm, khu chợ này hoạt động sầm uất từ khoảng 2 giờ sáng khi thương lái, tiểu thương ở các chợ nhỏ lẻ đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế tập trung về đây mua hàng, sau đó vận chuyển về bán cho người tiêu dùng.

Cách đây không lâu, lực lượng Công an TP Huế từng phát hiện một số cơ sở ngâm ủ giá đỗ bằng hóa chất có nhãn mác chữ Trung Quốc, sau đó xuất ra chợ đầu mối Bãi Dâu để tiêu thụ với số lượng hàng trăm kilogam mỗi ngày.

Vì thế, trước dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Công an TP Huế đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập nhiều đoàn công tác kiểm tra các mặt hàng được bày bán tại chợ Bãi Dâu và các khu chợ lớn ở TP Huế như Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu… Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa tiêu thụ mạnh dịp Tết như mứt, bánh kẹo, nem chả, thịt, cá và các loại nước uống giải khát.

Bên cạnh đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh nên lực lượng Công an các đơn vị, địa phương, các phòng nghiệp vụ đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm ATVSTP. Điển hình như mới đây, sáng 16-1, Công an thị xã Hương Thủy đã bắt giữ ôtô tải BKS 89C-02915 do Lê Hữu Hà (26 tuổi, trú tại TP Đà Nẵng) điều khiển chở 9 thùng xốp chứa 709kg thịt động vật chưa qua kiểm dịch ra Huế tiêu thụ nên lập biên bản xử lý và tịch thu số hàng hóa vi phạm nhằm ngăn chặn số thực phẩm bẩn này tuồn ra thị trường.

Trước đó, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế Công an TP Huế bắt giữ xe khách BKS 92B-010.86 chạy hướng Nam-Bắc do Ngô Đình Trung (34 tuổi, trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) điều khiển chở theo 3 bao tải chứa 200kg mỡ và da heo bốc mùi hôi thối.

Đặc biệt mới đây, vào ngày 16-1, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện 232 con lợn nuôi tại trang trại của Công ty CP Thái Việt Swine Line (đóng ở xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) mắc bệnh lở mồm long móng sau khi có nhiều con lợn được vận chuyển ra khỏi trang trại này.

Sau khi phát hiện vụ việc, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu tiêu hủy số lợn bệnh đúng quy định, và đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, ATVSTP, nhất là vào thời điểm cận Tết hoạt động vận chuyển, giết mổ động vật phục vụ tiêu dùng gia tăng.

Tìm hiểu được biết, trong năm 2018, ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức 457 đoàn thanh tra, kiểm tra 5.809 cơ sở về ATVSTP, trong đó có hơn 5.400 cơ sở đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện quy chế phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác đấu tranh với hành vi vi phạm về ATVSTP, qua đó phát hiện 70 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt 67 cá nhân, 3 tổ chức với tổng tiền phạt 208 triệu đồng.

“Vào dịp giáp Tết như hiện nay, ngoài công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của các loại nguyên liệu, hàng hóa thực phẩm tại các cơ sở sản xuất thì đoàn kiểm tra còn lấy mẫu để xác định các thông số liên quan đến các chất hóa học, vi sinh theo quy định…

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường tuyên truyền các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đến các chủ cơ sở, xưởng sản xuất nhằm ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi đối với người tiêu dùng”, lãnh đạo Chi cục ATVSTP tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm.

Anh Khoa
.
.
.