Giáp Tết: Cảnh giác với thực phẩm bẩn!

Thứ Bảy, 19/01/2019, 20:20
Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm giáp Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao dẫn tới giá cả cũng tăng lên. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã đưa từ nước ngoài về thực phẩm bẩn để tiêu thụ. Trong nước, có cơ sở  sử dụng thực phẩm bẩn, "phù phép" thành thức ăn chín đánh lừa người tiêu dùng. 

Đi bộ trên phố Xã Đàn, quận Đống Đa, TP Hà Nội vào buổi tối những ngày này, có khá nhiều quán nướng trên vỉa hè. Thực khách đa số là các bạn trẻ tụ tập ăn uống "tất niên" cuối năm, hàng nào hàng ấy đều đông nghịt khách, khói bốc lên nghi ngút... Đây là những quán nướng giá rẻ, phù hợp với số đông các bạn trẻ là công nhân viên, sinh viên, người lao động. 

Quan sát thì thấy, các nhóm bạn trẻ khi vào các quán vỉa hè này đều gọi đồ nướng là nầm lợn, nầm bò, dải bò, tôm, sò... Dĩ nhiên, họ không thể biết nguồn gốc số thực phẩm này từ đâu và chất lượng như thế nào. Song, nếu họ được chứng kiến hàng tấn nầm và nội tạng động vật ôi thiu, bị cơ quan chức năng thu giữ, thì có lẽ, họ sẽ cân nhắc hơn khi ăn uống tại các quán ăn đường phố.

Đơn cử như, rạng sáng 18-1, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng quản lý thị trường huyện Lạng Giang đã kiểm tra một xe tải biển số 12C-041..., trong xe đang chở 1 tấn nầm lợn đựng trong các bao, thùng xốp; nhiều miếng thịt đã chảy nước và bốc mùi hôi thối. Theo khai nhận của lái xe, số nầm lợn này được vận chuyển từ Lạng Sơn mang về các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội để tiêu thụ. 

Trước đó, đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội đã mật phục, bắt quả tang một chiếc xe ô tô mang BKS: 89C-17... cũng chở thực phẩm bẩn  từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ. Trên xe có 50 thùng xốp, bao gói ghi chữ Trung Quốc, chứa 2,5 tấn nầm động vật. Số nầm động vật này đã bốc mùi hôi thối; một số tảng nầm đã xuất hiện đốm mốc màu xanh.

Thực phẩm bẩn bị lực lượng chức năng thu giữ (ảnh CTV)

Ngày tết, nhiều người tìm mua một số thực phẩm ăn liền để cùng khách tới chơi nhà nhâm nhi bên chén rượu, đó là các sản phẩm vùng cao như "Thịt trâu gác bếp", "Thịt khô sấy", những tưởng đây sẽ là sản phẩm thủ công, nguyên liệu sạch từ trâu nuôi nhà, được chế biến từ bàn tay của đồng bào các dân tộc chất phác làm ra; nhưng nhiều người đã mua phải hàng giả. 

Mới đây, đồng nghiệp của chúng tôi tại VTV đã có phóng sự điều tra về sản phẩm "Thịt trâu gác bếp", "Thịt khô sấy" được làm tại một cơ sở tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nhưng gắn mác "Đặc sản Sơn La". Điều tệ hại là những sản phẩm này được làm từ thịt lợn chết, được tẩm ướp, làm giả thành thịt trâu, sau đó được đem về tiêu thụ tại một cơ sở trên phố Đê La Thành (Hà Nội).

Thực phẩm bẩn chứa các chất độc hại không làm chết người ngay, nhưng nó ngấm ngầm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, là tác nhân gây nên những căn bệnh nan y như ung thư, hoặc để lại di truyền cho các thế hệ sau.

Được biết, để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn, nhất là trong dịp tết nguyên đán,  đã có 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm được thành lập, sẽ tăng cường kiểm tra trong dịp tết nguyên đán. 

Riêng Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các điểm dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể,cơ sở chế biến suất ăn sẵn... Qua kiểm tra 135 cơ sở, đã xử phạt số tiền hơn 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù Nghị định số 115/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm đã có hiệu lực thi hành với mức phạt tăng gấp 5 đến 7 lần, nhưng  sau hơn 2 tháng kiểm tra, việc xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là với các quán bán rong, kinh doanh trên vỉa hè; việc phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín có vẻ  khó thực hiện, bằng chứng là tình trạng không sử dụng gang tay, hoặc chỉ sử dụng một bên, một bên tay trần vẫn phổ biến.

Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nêu mức phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 20 năm tù giam với tội vi phạm qui định về an toàn thực phẩm. Song, việc áp dụng mức phạt tù có thời hạn đối với tội phạm này, theo một số luật sư là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội danh này gây ra. Vì vậy, có ý kiến  nên  tăng hình phạt lên chung thân hoặc tử hình mới đảm bảo sức răn đe và phòng ngừa.

Còn theo chúng tôi, để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình mình, người tiêu dùng cần tìm mua thực phẩm có bao bì, nhãn hiệu rõ ràng; hoặc mua sản phẩm tại các cơ sở kinh doanh có cửa hàng, cửa hiệu; không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; nhất là những thực phẩm "khoái khẩu" là nội tạng động vật, được bảo quản đông lạnh.

Đào Minh Khoa
.
.
.