Lao động Việt Nam chưa “vàng” về chất lượng

Thứ Năm, 01/11/2018, 10:20
Đó là thực tế được các chuyên gia đưa ra dựa trên những nghiên cứu, phân tích khoa học, cụ thể tại diễn đàn khoa học “Việc làm, tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức ngày 31- 10.


Theo TS Nguyễn Văn Thuật, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thì lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Lao động giản đơn sẽ bị cắt giảm mạnh

Đánh giá về lao động Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuật chia sẻ: “Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hằng năm của Việt Nam gần như không giảm hoặc giảm rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn từ năm 2012 - 2017. Với khoảng 43 triệu lao động giản đơn hiện nay thì phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là lao động nông nghiệp, lao động tự do và lao động trong khu vực phi chính thức, có công việc không ổn định và thu nhập thấp”.

TS Nguyễn Văn Thuật phân tích thêm, loại hình lao động này đã khá ít trong khu vực chính thức, tương lai sẽ càng ít hơn, bởi giới chủ doanh nghiệp đều phải tính đến bài toán áp dụng tự động hóa nói riêng, công nghệ hiện đại đa tiện ích nói chung, để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh. Xu hướng này cũng đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân lực không phù hợp trong tương lai, chuyển dịch ngày càng nhanh chóng từ tận dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại.
Lao động Việt Nam sẽ phải đương đầu với thách thức rất lớn về việc làm trong thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo nghiên cứu của nhóm TS Nguyễn Văn Thuật thì trong thời cách mạng 4.0, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định, nhưng điều này sẽ không thể diễn ra theo hướng một chiều. 

Trên thực tế, việc làm truyền thống trong một số ngành nghề giảm đi, thậm chí sẽ mất đi, nhưng bên cạnh đó, xu hướng việc làm mới cũng sẽ được tạo ra cho người lao động nói chung và lao động giản đơn, đặc biệt là việc làm trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ, phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng. 

Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực đáp ứng cách mang công nghiệp 4.0 vẫn là cần giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn để gia tăng lực lượng lao động có trình độ tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.

Thách thức việc làm đang rất lớn

Theo TS Trần Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, trong xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công việc nặng nhọc đang được chuyển giao cho máy móc, công việc đòi hỏi kỹ năng tinh tế và chính xác, hay công việc được thực hiện theo quy trình lập sẵn cũng đang được robot đảm nhận ngày càng nhiều dưới sự giám sát và điều khiển của con người. 

Vì thế, dự báo trong tương lai chủ yếu sẽ chỉ còn những lao động có tiềm năng về tư duy trí tuệ, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với nhu cầu phát triển. Còn lao động giản đơn sẽ chỉ có thể đảm nhận những công việc mang tính chất dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu đòi hỏi kỹ năng mềm ngày càng cao.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ con người, giảm sức lao động, tạo ra hàng loạt chuyển biến tích cực về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, nó cũng tác động không nhỏ đến thị trường lao động Việt Nam, nếu người lao động không thích ứng kịp với những yêu cầu từ cuộc cách mạng đó, sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất việc làm và nhiều hệ quả xã hội khác. Cuộc cách mạng này cũng có thể tạo ra sự bất công lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ tiến trình bình thường của thị trường lao động.

Trước thực tế đặt ra hiện nay, PGS.TS Bùi Văn Huyền (Viện Kinh tế - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất một số hàm ý chính sách để hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, chính sách giáo dục của Việt Nam cần được thay đổi để đáp ứng nhu cầu kỹ năng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần áp dụng kết hợp công nghệ dữ liệu cỡ lớn và công nghệ học tập của máy móc để có được một chính sách đảm bảo an sinh xã hội trong vòng đời của người dân.

Phan Hoạt
.
.
.