Chưa có thuốc đặc trị nạn hàng giả, hàng lậu
- Ngăn chặn nhiều vụ hàng giả, hàng lậu
- Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu
- Lãnh đạo địa phương sẽ bị xử lý nếu để hàng giả, hàng lậu tràn lan
- Hàng giả, hàng lậu từ Trung Quốc tăng mạnh
Cuối tháng 3- 2018, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố Võ Thị Hồng Diệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Diệp Diệp và Lê Minh Thắng (chồng Diệp) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra chi nhánh công ty Diệp Diệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, phát hiện các công nhân của công ty đang sản xuất bò viên với nguyên liệu là thịt heo. Tổ công tác lập biên bản và tạm giữ 1 tấn bò viên thành phẩm. Trên bao bì các gói thành phẩm ghi nguyên liệu là thịt bò trên 70%, nhưng kết luận của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì trong lô hàng này chỉ có ADN của heo chứ không có ADN của bò.
Theo khai nhận của Thắng, do trực tiếp điều hành quá trình sản xuất bò viên nên Thắng biết thịt heo có độ kết dính cao hơn thịt bò. Thắng đã bàn bạc với vợ sử dụng thịt heo pha trộn với thịt trâu thay thế cho thịt bò để sản xuất bò viên và Diệp đồng ý. Diệp mua thịt heo trôi nổi ngoài thị trường với giá chỉ 40.000 đồng/kg. Sau đó, Thắng trộn thêm bột năng, chất làm dai, chất bảo quản, phụ gia và các phụ phẩm khác vào nguyên liệu để sản xuất thành bò viên, tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh một số tỉnh miền Tây.
Nguyễn Minh Tâm trực tiếp sản xuất bột ngọt giả. |
Ngoài ra, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cũng đang trong giai đoạn điều tra một số vụ về thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu. Khi phát hiện đối tượng Nguyễn Hoàng Tuấn Anh (SN 1999, ngụ phường 11, quận Tân Bình) cùng tài xế Phan Đức Trọng (SN 1993) đang vận chuyển bia Tiger giả các loại trên xe ba gác từ nhà không số ở Ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, đi giao cho khách hàng.
Tổ công tác của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng - Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ 960 chai bia Tiger Lager và Tiger Crystal giả. Khám xét khẩn cấp tại 2 địa điểm, tổ công tác tiếp tục thu giữ 648 chai bia Tiger Lager giả thành phẩm; 505 chai bia các hiệu Tiger Lager, Saigon Lager, Tiger Crystal; 2.292 vỏ chai bia Saigon Lager và các dụng cụ dùng để sản xuất bia giả...
Cơ quan CSĐT đã khởi tố 2 bị can Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và Lại Văn Út Rồi về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm. Với mặt hàng bột ngọt giả, cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố 3 bị can Nguyễn Minh Tâm (34 tuổi, ngụ phường 7, quận 6), Trần Thanh Thảo và Nguyễn Thị Trúc Linh về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.
Trong đường dây này, Tâm trực tiếp sản xuất tại nhà trọ ở hẻm 257 đường An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân. Nguyễn Thị Trúc Linh chuyên cung cấp nguyên liệu là bột ngọt không có nhãn mác (25kg/bao). Khám xét tại 2 địa điểm là nơi ở trọ của Tâm (quận Bình Tân) và nơi ở của Linh (quận 8), cơ quan chức năng thu được khoảng 250kg bột ngọt thành phẩm giả và nguyên liệu sản xuất bột ngọt có giá trị trên 100 triệu đồng.
Riêng mặt hàng rượu ngoại, Công an TP Hồ Chí Minh cũng phát hiện số lượng lớn rượu nhập lậu có kiểu dáng vỏ chai hình con chó, không có hóa đơn chứng từ, tại cửa hàng kinh doanh ở khu vực chợ Nga (phường Cô Giang, quận 1) và kho chứa hàng tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Hàng hóa thu giữ tổng cộng gồm 247 chai rượu hình con chó và 1.206 vỏ chai rượu có kiểu dáng hình con chó các loại, trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc Truyền thông & đối ngoại Công ty TNHH LOreal Việt Nam cho rằng, tình trạng hàng giả, hàng lậu, phổ biến trên thị trường nhưng chưa được ngăn chặn triệt để. Như mặt hàng mỹ phẩm của Công ty TNHH LOreal Việt Nam, hàng giả, hàng lậu, chiếm khoảng 75% thị phần, nhiều nhất là ở các chợ, giá chỉ vài chục ngàn/sản phẩm. Trong khi đó, mỹ phẩm chính hãng thì chỉ có bán ở các trung tâm thương mại lớn. Chính vì việc hàng giả xuất hiện công khai trên thị trường như vậy, gây mất niềm tin của NTD cũng như các DN nước ngoài muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Đánh giá về tình hình chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam, ông Kiều Nghiệp - Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả (Cục QLTT) nhìn nhận, tình trạng hàng giả, kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng phức tạp, trong đó nổi cộm là các mặt hàng thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Năm 2017, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ vi phạm. Trong đó, 278 vụ giả về chất lượng, công dụng; 3.518 vụ giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì; 395 vụ giả về tem, nhãn, bao bì hàng hóa; 608 vụ xâm phạm quyền SHTT; 15.067 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Kiều Nghiệp, kết quả trên vẫn chưa phản ánh hết được thực tế tình hình vi phạm trên thị trường.