Cần kiểm soát chặt thịt lợn nhập khẩu tại các tuyến biên giới

Thứ Tư, 12/09/2018, 08:59
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc. Vì vậy, cần kiểm soát chặt nhập khẩu thịt lợn tại các tuyến biên giới.


Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc. Trong khi đó, Lào vừa cấm nhập khẩu thịt lợn từ Trung Quốc do lo ngại lây nhiễm loại dịch bệnh nguy hiểm, không có thuốc chữa trị này. 

Tại Việt Nam, dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đã có Công điện khẩn, triển khai các biện pháp ngăn chặn nhưng với đường biên dài, nguy cơ lây nhiễm được Bộ này nhận định là rất cao. 

Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho biết,  dịch tả lợn châu Phi (ASF) chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm sang nước ta là rất cao vì dịch bệnh này đã lan sang Trung Quốc. Vì vậy, cần kiểm soát chặt nhập khẩu thịt lợn tại các tuyến biên giới. 

Nên hạn chế người ra vào tham quan trang trại để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ông Đàm Xuân Thành, Bộ NN&PTNT đã có công văn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và trong tuần này, bộ sẽ có cuộc họp để nghe báo cáo về vấn đề này. 

Cũng theo Cục Thú y, ASF gây chết ở lợn với tỉ lệ rất cao nhưng hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị. Tuy nhiên, dịch này không gây bệnh trên người. Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. 

“Khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết, người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Nếu giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch. Người dân khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín”, đại diện Cục Thú y khuyến cáo.

Còn ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng cho hay, các đơn vị phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh vì ngành chăn nuôi lợn đang phát triển tốt, chiếm tỉ trọng cao, nếu có biến cố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. 

“Các doanh nghiệp, HTX, người chăn nuôi không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh. Cần chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng, hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Dương cho biết.

Trong 2 ngày 11 và 12-9, Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) và Cục Thú y cũng sẽ tổ chức hội nghị về vấn đề này để thông tin về bệnh ASF và triển khai các biện pháp ứng phó để tránh bị động. Tổ chức FAO thông tin, dịch tả lợn châu Phi khởi phát ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8, sau đó lan ra 18 trang trại và lò mổ thuộc 6 tỉnh nước này.  

FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi gần như chắc chắn sẽ tấn công các nước khác, chủ yếu qua các sản phẩm thịt lợn đã qua hoặc chưa qua chế biến. Nguy hiểm hơn, việc đối phó, kiểm soát dịch được đánh giá là cực kỳ vất vả bởi virus tả lợn có thể tồn tại hàng tháng trời trong các sản phẩm thịt cũng như thức ăn chăn nuôi. Trước tình hình dịch bệnh, Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 38.000 con lợn, đồng thời cấm vận chuyển lợn tại các ổ dịch.

Tại Quảng Ninh, ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là địa phương có đường biên giới dài và các cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành phố của Trung Quốc sang Quảng Ninh rất lớn, nên không loại trừ du khách mang theo những sản phẩm chế biến từ thịt lợn. 

Ngoài ra, chưa kể nhiều người dân hai bên biên giới tận dụng các đường mòn, lối mở để xuất nhập khẩu hàng hóa tiểu ngạch, trong đó có thịt lợn, rất khó kiểm soát. Từ đó cho thấy Quảng Ninh có nguy cơ cao bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ông Trần Xuân Đông cho biết, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo các đơn vị, địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, đặc biệt người dân nơi biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển, nhập lậu lợn và sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn.

Các lực lượng chức năng như kiểm dịch, biên phòng, hải quan và UBND các địa phương giáp biên giới tăng cường chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ Trung Quốc vào nội địa, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới. Kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tiêu hủy lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới không có nguồn gốc theo đúng quy trình, quy định hiện hành. 

Các địa phương tổ chức phun tiêu độc định kỳ tại các đường mòn, lối mở, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các cơ sở chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn quản lý; thực hiện hiệu quả việc tiêm phòng 4 bệnh nguy hiểm trên đàn lợn, trong đó đặc biệt là bệnh dịch tả, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn lợn. 

Tỉnh Quảng Ninh cũng lưu ý người dân và chính quyền địa phương tăng cường theo dõi đàn lợn, nếu phát hiện lợn có các triệu chứng, biểu hiện nghi của bệnh dịch tả lợn châu Phi cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất. Các đơn vị, địa phương cần chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất để sẵn sàng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. 

Theo đó từ ngày 10 – 9, Sở NN&PTNT Quảng Ninh đã thành lập các đoàn kiểm tra, phối hợp với 5 địa phương là Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái kiểm tra tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chợ đường biên, chợ bán gia súc, gia cầm... để đánh giá nguy cơ cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn Quảng Ninh.

Diệp Linh - V.Huy
.
.
.