Thịt lợn nhập khẩu giảm, thịt lợn trong nước tăng giá

Thứ Năm, 30/04/2009, 10:10
Trong khi hàng loạt các biện pháp thắt chặt việc nhập khẩu thịt, tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán, vận chuyển và tiêu thụ thịt lợn được Bộ NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đồng loạt triển khai, việc mua bán thịt lợn tại các chợ trên các tỉnh, thành vẫn tấp nập. Thậm chí, giá thịt lợn tại một số tỉnh, thành còn tăng khá cao.

Hầu hết người bán thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đều khẳng định với chúng tôi, lượng khách mua thịt không hề giảm trước những thông tin về cúm lợn.

Giá tăng do đâu?

Theo chị Nguyễn Thị Tâm, chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), mỗi ngày, quầy hàng của chị vẫn bán ra 4 - 5 con lợn mổ sẵn. Tại chợ Hàng Bè, cảnh mua bán thịt lợn vẫn tấp nập. Còn các chủ trang trại chăn nuôi, công ty chế biến, giết mổ đã cảnh giác hơn trước nguy cơ từ dịch cúm lợn.

Theo ông Hứa Xuân Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Đức Việt, ngay khi biết thông tin về tình hình cúm lợn A (H1N1), Công ty này đã xin ý kiến của Bộ Y tế, họp bàn với Cục Thú y và yêu cầu giám sát chặt chẽ toàn bộ đầu vào.

Ông Sinh cũng cho biết, nếu tốc độ lây lan của bệnh cúm lợn A nhanh như hiện nay, trong vài ngày tới, có thể, công ty sẽ tạm thời ngừng cung cấp thịt lợn tươi sống ra thị trường, chỉ cung cấp các sản phẩm đã qua chế biến.

Còn theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn cũng như các loại thực phẩm ở thị trường TP HCM đang có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng là do lượng thịt đổ về các chợ đầu mối đang giảm khoảng 7 tấn/ngày do lượng heo trong các trang trại không cung ứng đủ. Được biết, sau khi thực hiện chính sách tăng thuế đối với thịt ngoại vào tháng 12/2008, hiện nay lượng thịt ngoại nhập vào Việt Nam đang giảm rõ rệt. 

Lo ngại thịt lợn không kiểm dịch

Trước mối lo ngại của người dân về chất lượng thịt lợn, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra ngay thịt lợn nhập khẩu tại siêu thị. Qua kiểm tra tại siêu thị Metro, có tới hơn 13 tấn thịt lợn nhập khẩu từ hai nước có dịch là Mỹ và Canada, trong đó chủ yếu là thịt vai, sườn, đùi của Mỹ và ba rọi của Canada. Hiện lượng thịt này đều có đủ giấy chứng nhận kiểm dịch thú y và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Tại TP HCM, Chi cục Thú y thành phố cũng đã triển khai công tác kiểm dịch trên các đàn lợn, đồng thời giám sát chặt hơn lượng lợn đưa vào TP HCM từ các tỉnh lân cận, đặc biệt đối với lợn nhập khẩu từ nước ngoài. Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, nếu ăn thịt lợn nấu chín trên 70 độ C sẽ an toàn vì virus H1N1 chỉ sống trong môi trường dưới nhiệt độ đó

Triệu chứng và cách phòng lây nhiễm cúm lợn

Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), triệu chứng cúm lợn A H1N1 giống với cúm mùa với các biểu hiện ho, sốt, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, mệt mỏi. Một số trường hợp có biểu hiện đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn. Bệnh có thể nhẹ hoặc rất nặng, trường hợp viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Do hiện chưa có vaccin phòng cúm lợn mới này nên tiêm phòng sẽ không hiệu quả. Người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhất là khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng; người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính nên tránh nơi đông người, đeo khẩu trang; người vừa đến vùng có dịch nếu có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và cách ly nếu cần; bất kỳ ai có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính hoặc các chùm ca bệnh bất thường cần thông báo ngay cho y tế địa phương.

Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các đơn vị chức năng: Cử cán bộ trực 24/24h, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, chuẩn bị sẵn đội cơ động chống dịch để khống chế ngay từ trường hợp mắc đầu tiên; tăng cường kiểm dịch; tăng cường kiểm dịch y tế biên giới; chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, hóa chất, vật tư để thu dụng, điều trị và cách ly người bệnh.

T.L.

TP HCM: Khẩn cấp phòng chống dịch cúm H1N1

Chiều 29/4, Sở Y tế TP HCM đã có Công văn 2157/SYT-NVY gửi tới tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn chỉ đạo triển khai khẩn cấp công tác đối phó đúng theo quy trình với một đại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Biện pháp trong giai đoạn này các cơ sở y tế TP cần làm tốt nhiệm vụ kiểm dịch y tế ở các cửa khẩu quốc tế và kiểm dịch y tế nơi cư trú đối với người nước ngoài và người Việt Nam đến hoặc về từ vùng dịch. Mỗi quận, huyện tái thành lập một điểm cách ly kiểm dịch tại cộng đồng thực hiện cách ly với người trong diện "có nguy cơ cao" nhưng không có điều kiện hoặc không chấp hành tốt việc thực hiện quy định kiểm dịch tại nơi cư trú...

Và việc tổ chức cách ly, thu dung, điều trị cho các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm phải được triển khai khẩn cấp ở tất cả các cơ sở y tế không phân biệt công hay tư. Nhất là tại BV Pháp Việt và BV Nhân dân Gia Định Columbia - nơi dự đoán sẽ có nhiều bệnh nhân người nước ngoài tới khám khi có triệu chứng bệnh.

H.Nga

Ngọc Yến
.
.
.