Giải Ngoại hạng trên đường trở thành “sân sau” của Trung Quốc

Thứ Ba, 23/08/2016, 18:40
Thành công của Tập đoàn King Power (Thái Lan) trong thương vụ đầu tư vào Leicester City khiến giới chủ Á Đông mới nổi không thể khoanh tay đứng nhìn. Khi mùa bóng mới chỉ vừa khởi tranh được hai tuần, 4 CLB lớn của Anh đã bị các doanh nhân Trung Quốc thâu tóm.


Tây Midlands và câu chuyện bản sắc

Người Anh tự hào có Manchester, có London là những kinh đô của bóng đá thế giới. Song, một phần quan trọng trong lịch sử bóng đá nơi đây không thể bỏ qua Tây Midlands, điểm trung chuyển giữa mai miền Nam – Bắc ở xứ sương mù.

Giải đấu đầu tiên quy tụ được nhiều hơn 10 CLB, chơi theo thể thức vòng tròn được khai sinh tại dải đất này. Leicester, nhà ĐKVĐ Premier League cũng tới từ khu vực này.

Điều quan trọng, là trong bối cảnh các đội bóng rải tiền mua sắm, dẫn tới tình trạng “tài khoản âm” trong báo cáo tài chính triền miên thì ngược lại, Tây Midlands là khối kinh tế làm bóng đá chuẩn chỉ, bền vững nhất nhì quốc gia.

West Brom, Wolverhampton đã làm ăn có lãi trong 11 năm liên tiếp, bất kể trong ngần ấy năm, số lần xuống hạng cộng gộp của hai đội là 5. Vì thế, khi thông tin hai CLB này lượt rơi vào tay chủ Trung Quốc, NHM không khỏi “bàng hoàng”.

Trong nhiều năm liền, đơn vị chủ quan đặt dưới sự kiểm soát của ông chủ người bản địa. Họ đâu cần liều doping mang tên nhân dân tệ vốn chưa bao giờ là sự đảm bảo cho phát triển dài lâu.

Cụ thể, West Brom rơi vào tay Guochuan Lai, chủ công ty TNHH một thành viên Yunyi Guokai, trụ sở tại Thượng Hải. Trong khi đó, Wolverhampton thuộc về Guo Guangchang, người đứng đầu quỹ đầu tư xuyên quốc gia Fosun, và là đại biểu của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 12.

Ngay cả Aston Villa – đội bóng vừa rớt hạng cũng được Tony Xia - chủ tịch tập đoàn đa ngành nghề Recon, từng nhận 3 bằng đại học tại Mỹ - bảo trợ.

Đầu tư bóng đá Anh – xu hướng mới của giới chủ Trung Quốc (Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Guochuan Lai - West Brom, Guo Guangchang – Wolvesvà Tony Xia - Aston Villa.

Russ Evers, chủ tịch hội CĐV Wolverhampton không phủ nhận những lợi ích CLB thu về sau cuộc chuyển giao quyền lực. Bây giờ, Wolverhampton đường hoàng hỏi mua Luisao – trung vệ đội trưởng Benfica thay vì “vơ bèo gạt tép” tại các đội bóng hạng dưới.

Tiền quan trọng, nhưng không phải tất cả. Bởi sau đấy sẽ là gì, ý nói kế hoạch đầu tư dài hạn của ông chủ mới. Hay động thái này chỉ là bước đệm cho một mục đích khác? Đó chính là nỗi lo thường trực của giới cổ động trung thành.

Premier League – đòn bảy cho tham vọng “xưng bá”?

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn đau đáu với giấc mộng World Cup. Hay nói cách khác, công xưởng lớn nhất thế giới muốn trở thành “cái rôn” của làng cầu thế giới.

Tân Hoa xã đưa tin, vào năm ngoái, trong buổi họp với Tổng cục TDTT, chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình bấm nút kích hoạt chiến dịch “Phục hưng bóng đá Trung Quốc”, gọi tắt là FRDP.

Cơ quan đầu nào quốc gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm thiết lập “hệ sinh thái bóng đá” mới, thông qua nỗ lực bành trướng sang thị trường Anh Quốc màu mỡ với giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cấp CLB. Tại đây, nhiệm vụ được giao các doanh nghiệp, những người mang trên mình cái mác “tư nhân hóa, cổ phần hóa” – tiêu chí quan trọng nhất nếu muốn mở rộng làm ăn tại Anh.

Thông qua bóng đá – con đường truyền bá nhanh nhất, ít mạo hiểm nhất, các doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng sinh lời, đẩy mạnh các mặt hàng giá trị gia tăng cho thị trường nội địa như cách Leicester đã làm: Bán văn hóa phẩm, phụ kiện ăn theo.

Mặt khác, quan trọng hơn, việc nắm toàn quyền sở hữu một CLB ở Anh – điển hình cho khuôn mẫu phát triển bóng đá là lợi thế cực lớn giúp Trung Quốc đưa tài năng trẻ sang Anh học việc.

CĐV Liverpool phản đối ý tưởng “Trung Quốc hóa” trên khán đài

Thông thường, do chế tài giấy phép lao động nghiêm ngặt nên phần lớn cầu thủ châu Á sang Anh chủ yếu dừng lại ở cấp “thử việc”. Tuy nhiên, theo cam kết đầu tư mà chính phủ Anh hỗ trợ các ông chủ rót tiền vào bóng đá, những người này được ưu tiên đưa “cầu thủ cùng quê hương” sang Anh chơi bóng, định mức tối đa 3 người/2 năm.

Nỗi lo “ăn cắp chất xám”, vì thế, luôn thường trực trong đầu người hâm mộ bóng đá Anh. Từ đây, Trung Quốc có thể dễ dàng xây dựng đế chế bóng đá trên chính mồ hôi, máu và nước mắt bóng đá Anh dày công gây dựng bao năm qua.

Liverpool – nạn nhân thứ 4

CLB giàu truyền thống nhất nhì cõi sương mù, Liverpool, đang đứng trước nguy cơ rơi vào tay giới chủ Trung Quốc. Telegraph cho hay, ba tập đoàn lớn trong lĩnh vực đầu tư – tài chính là Everbright, PCP Capital Partners, China Investment Corporation đang bắt tay, hợp lực mua lại Liverpool với mức giá 700 triệu bảng.

Nếu bán, nhà Fenway, chủ sở hữu hiện nay của Liverpool sẽ đút túi 400 triệu bảng tiền lãi. Cách đây 6 năm, họ từng mua Liverpool với giá 300 triệu bảng. Khả năng “bán đứt” không còn, nhưng viễn cảnh “cổ phần hóa” như đã đề cập rất dễ xảy ra.

Theo giới thạo tin, ba tập đoàn trên sẽ chia nhau miếng bánh 43% cổ phiếu tại Anfield, đồng nghĩa với việc trở thành những cổ đông quyền lực nhất, chỉ sau Fenway.

Với việc nắm trong tay xấp xỉ 50% cổ phần, những tập đoàn này được phép tiến cử 2 chuyên gia vào “Hội đồng chuyển nhượng” gồm 4 người ở Melwood, tức là quyền lực tập trung phân nửa về tay họ trong các quyết định mua bán, chuyển nhượng.

Khải Huyền


Trung Quốc phủ sóng trời Âu

Trong trường hợp vốn điều lệ ở Anfield có “bóng dáng” các doanh nhân Trung Quốc, cả thảy 12 CLB ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu đang chịu sự chi phối, ở những cấp độ khác nhau, từ người Trung Quốc.

Cụ thể, tại Anh là 5 (Man City, Wolverhampton, West Brom, Aston Villa, Man City); thống kê của Tây Ban Nha là 3 (Atletico, Granada, Espanyol), của Italia là 2 (Milan, Inter), tương tự là tại Pháp (Auxerre, Sochaux).

5/12 đội này có 100% vốn đầu tư từ các tập đoàn, công ty Trung Quốc. Ở một diễn biến khác, 3 đội có vốn điều lệ Trung Quốc lớn hơn 50% (tương đương quyền quyết định cuối cùng trong mọi phi vụ).

Rõ ràng, xu hướng đổ bộ vào bóng đá của giới nhà giàu Trung Quốc làtrào lưu mới ở lục địa già nói chung và Anh nói riêng. Tất nhiên, bóng đá ngày nay là chuyện làm ăn, nhưng mọi loại hình kinh doanh đều có điểm dừng của nó, chứ không thể vịn vào “mục đích thương mại” để phục vụ toan tính gây ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia sở tại.

Vào tháng 2-2017, ban điều hành Premier League sẽ tổ chức khảo sát công chúng về hiện tượng “Chủ Trung Quốc”, từ đó làm cơ sở cho điều lệ mới, sẽ được xem xét, sửa đổi và thông qua vào đầu năm 2018 về luật “đầu tư” trong bóng đá.

Huyền Linh

Đơn Ca
.
.
.