Sau chiến công, Kiatisak và Alfred Riedl đối diện nguy cơ...mất việc

Thứ Năm, 22/12/2016, 16:51
Với Kiatisak chức vô địch AFF Suzuki Cup năm nay chỉ là một chiến công vừa phải. Mặc dù "Sắc" giúp Đội tuyển Thái Lan trở thành đội vô địch Đông Nam Á nhiều hơn ai hết (5 lần) với khoảng cách trình độ quá lớn giữa Thái Lan với phần còn lại của Đông Nam Á, chức vô địch lần này như một lẽ đương nhiên. 


Với Alfred Riedl thì khác, việc ông đưa một Đội tuyển vừa trải qua lệnh cấm thi đấu của FIFA vào tới chung kết AFF Cup là một chiến công thật sự. Vấn đề là sau chiến công, có thể cả Kiatisak lẫn Alfred Riedl đều...mất việc. 

Những ngày này, báo chí Thái Lan không ngừng bình luận về tương lai của Kiatisak. Hợp đồng giữa "Sắc" với Liên đoàn bóng đá Thái kết thúc vào tháng 2 năm 2017, nghĩa là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa, và có nhiều dấu hiệu cho thấy Liên đoàn bóng đá Thái muốn tạo ra một sự đột biến trên băng ghế huấn luyện. 

Bằng chứng là một quan chức Liên đoàn đã công khai nói với báo giới về việc hiện tại có nhiều HLV tên tuổi đển từ cả châu Âu lẫn châu Á đều đã "bắn tín hiệu", sẵn sàng ngồi lên ghế thuyền trưởng ĐT Thái bất cứ lúc nào. 

Cả Riedl lẫn Kiatisak đều đối diện với nhiều lo âu hậu AFF Cup năm nay.

Một tờ báo Thái nói rõ: "Trong số đó, có một HLV người Nhật từng đưa một Đội tuyển trẻ của Nhật tham dự VCK World Cup, nhưng phương án này vẫn chưa được quyết định". Cần nhắc lại, trước khi Kiatisak chính thức dẫn dắt Đội tuyển Quốc gia Thái ở AFF Suzuki Cup 2014, bóng đá Thái đã trải qua hàng loạt các ông thầy ngoại danh tiếng, từ Peter Reid của Anh đến Schafer của Đức, nhưng cả hai ông thầy này đều thất bại trong các trận chung kết AFF Cup, và sau đó phải ra đi. Chỉ đến khi Kiatisak trở lại, dẫn dắt một thế hệ cầu thủ tài năng mới của Thái thì đội tuyển này mới vô địch AFF Cup 2014, và 2016 một cách thuyết phục. 

Sau chức vô địch năm nay, "Sắc" hào hứng nói với báo giới: "Đây là món quà năm mới chúng tôi muốn tặng các cổ động viên nhà". Khi nói câu ấy, có lẽ "Sắc" không hề nghĩ đến chuyện cái ghế của mình sau đó được đem ra mổ xẻ không thương tiếc. 

Trả lời báo giới Thái Lan, các quan chức Liên đoàn bóng đá Thái khẳng định vấn đề của người Thái bây giờ không phải là các chức vô địch Đông Nam Á nữa, mà phải vươn tầm châu Á. Nhưng Đội tuyển do Kiatisak dẫn dắt đã thất bại thảm hại tại vòng loại thứ 3 tranh vé dự World Cup 2018, khu vực châu Á, dù trước đó đã nhận được một sự quan tâm, đầu tư kỷ lục. 

Những quan chức này nói rằng, nếu một ông thầy ngoại xuất hiện, đảm bảo việc có thể giúp Thái Lan tạo ra những thành tích đột biến thì họ không thể không hợp tác. Về phần mình, một mặt Kiatisak cho biết đây là quãng thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, nên không muốn bàn luận nhiều về tương lai, nhưng mặt khác cũng để ngỏ khả năng: "Nếu rời cương vị ở Đội tuyển, tôi muốn ra nước ngoài làm việc, trong đó Việt Nam là ưu tiên hàng đầu". 

Với Alfred Riedl - bại tướng của Kiatisak trong trận chung kết AFF Cup năm nay, có vẻ như sau khi "lỡ" tuyên bố giải nghệ, nhà cầm quân người Áo lại muốn tiếp tục làm việc với Đội tuyển Indonesia. Ông nói đi nói lại rằng ông muốn gắn bó thêm ít nhất 2 năm với một Đội tuyển đang giàu sức cạnh tranh, và ông tin rằng 2 năm là quãng thời gian vừa đủ để Đội tuyển này có thể đuổi kịp trình độ của Thái Lan. 

Vấn đề là sau 3 lần đến rồi đi, và chỉ có thể đạt thành tích tốt nhất là ngôi á quân Đông Nam Á, Alfred Ried bây giờ không còn là một cái tên khiến người Indo hào hứng. Việc nhà cầm quân người Áo bất ngờ được mời trở lại trước thềm AFF Cup năm nay đến trong bối cảnh Liên đoàn bóng đá nước này không còn thời gian để nghiên cứu hồ sơ, và mạo hiểm với một ông thầy xa lạ. 

Nhưng bây giờ thì khác. Báo giới Indonesia nói nhiều tới một nhà cầm quân người Hà Lan đang rất thành công ở giải vô địch quốc gia Indonesia, và có vẻ như Liên đoàn bóng đá Indo cũng đang nghiêng về phương án này. 

Vậy là sau AFF Cup, HLV trưởng của đội vô địch và á quân đều đang đứng trước nguy cơ mất việc. Còn với Đội tuyển Việt Nam - đội thua Indonesia ở bán kết, cái ghế của HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng sẽ được giữ tới ít nhất là 1 năm nữa, sau SEA Games 29.

Vì sao Kiatisak khoái...Việt Nam? 

Không phải ngẫu nhiên mà Kiatisak nhắc đến việc có thể đến Việt Nam làm việc sau khi giã từ Đội tuyển Thái Lan. 

Thực tế thì đầu những năm 2000, khi ông bầu Đoàn Nguyên Đức đánh tiếng mời Kiatisak thì cầu thủ này đã...không thèm trả lời. Nhưng đến khi bầu Đức "xuất chiêu" bằng cách trả Kiatisak một khoản lương kỷ lục lên tới 7000 USD/tháng, và trả hết trong khoảng 1 năm thì cầu thủ này đã không thể từ chối lới mời sang Việt Nam đá giải hạng Nhất, trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai.

 Kể từ đó Kiatisak gắn bó chặt chẽ với HA.GL, và sau khi giải nghệ đã có một thời gian ngắn cầm quân HA.GL, nhưng không thật thành công. "Sắc" hiểu văn hoá Việt, có thể nói nhuần nhuyễn tiếng Việt, và chắc chắn nếu sang Việt Nam hành nghề, "Sắc" cũng sẽ nhận được một mức thù lao hấp dẫn. Chờ xem, liệu Hoàng Anh Gia Lai và Kiatisak có thể tái ngộ sau nhiều năm xa cách hay không? 

Ngọc Anh 
Hiếu Hà
.
.
.