Bóng bàn Việt Nam: Hy vọng lên đời nhờ thầy ngoại

Chủ Nhật, 23/09/2018, 07:02
Giành Huy chương Vàng (HCV) đồng đội nam tại SEA Games 29 năm 2017, dù là cột mốc lịch sử của bóng bàn Việt Nam nhưng vẫn còn nhiều việc phía trước để giữ và nâng cao vị thế. Trong đó, vẫn phải là đầu tư đội ngũ huấn luyện viên cho các cấp độ đội tuyển quốc gia.

Dấu ấn thầy nội

Trong vòng 3 năm gần đây, bóng bàn Việt Nam giành được những thành tích nổi bật. Trong số này, đáng chú ý nhất là tấm HCV đồng đội nam tại SEA Games 29 năm 2017. Đấy là thành tích đặc biệt trong bối cảnh các tay vợt Singapore đang chiếm ưu thế trong làng bóng bàn Đông Nam Á.

Sự tự tin của bóng bàn Singapore còn ở việc luôn đặt mục tiêu giành toàn bộ HCV tại các kỳ SEA Games. Vì thế, khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Singapore (kể cả khi không có đội hình tốt nhất) ở nội dung đồng đội nam tại SEA Games 29 đã tạo nên cú sốc lớn trong làng bóng bàn Đông Nam Á.

Trước đó, bóng bàn Việt Nam đã gây chú ý sau một thời gian “im hơi lặng tiếng” tại các giải quốc tế ở Đông Nam Á với việc giành tới 3 ngôi vô địch ở giải Bóng bàn vô địch Đông Nam Á 2018. Cả 3 ngôi vô địch này đều ở những nội dung đáng chú ý như đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nam (Nguyễn Anh Tú). Kể cả khi Singapore không cử đội hình mạnh nhất tới giải đấu này thì ít ra chức vô địch cũng tạo ra động lực mới cho bóng bàn Việt Nam. Chẳng bù cho thời gian trước đó…

Người trong nghề vẫn không khỏi đượm buồn khi nhắc đến một quãng thời gian dài sống trong những thắc mắc về quyết định chọn lựa nhân sự tại đội tuyển bóng bàn quốc gia trước mỗi kỳ SEA Games. Đến nỗi, chẳng ai mặn mà với vị trí huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn quốc gia.

Không chỉ vì chế độ thấp, mất nhiều thời gian mà còn bởi không chủ động về nhân sự. Phải khi cựu tay vợt đội tuyển quốc gia Nguyễn Nam Hải đảm nhận vai trò Huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia từ năm 2016 thì mọi sự mới thay đổi. Từ cách lựa chọn nhân sự (có quy chế rõ ràng, trong đó căn cứ vào thành tích tại Giải vô địch quốc gia), cho đến cách tập trung đội tuyển quốc gia (ngắn hạn thay vì dài hạn) đều được đánh giá cao. Cũng vì vậy, những ngôi vô địch mới tìm đến với đội tuyển.

Thực tế, nhiều người đã tin rằng, các huấn luyện viên nội hoàn toàn có thể đảm trách được nhiệm vụ tại các giải đấu cấp độ Đông Nam Á của đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Như thành tích vô địch đồng đội nam ở SEA Games 29 mang nặng dấu ấn của HLV kỳ cựu Lê Đức Thọ, bên cạnh sự đầu tư mạnh mẽ của thể thao Hà Nội cho riêng tay vợt Nguyễn Anh Tú hay sự gạt bỏ “cái tôi” của tay vợt kỳ cựu Trần Tuấn Quỳnh để chấp nhận ngồi ngoài trận chung kết và cổ vũ đồng đội.

Đội tuyển nam bóng bàn Việt Nam giành ngôi vô địch ở SEA Games 29.

Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn cần đến “chất xám” từ các huấn luyện viên nước ngoài, nhằm mang đến những thay đổi tích cực trong lối chơi của toàn bộ các tay vợt trong đội tuyển quốc gia, thậm chí là đội tuyển trẻ quốc gia. Dù sao, các huấn luyện viên nội cũng có hạn chế nhất định, nhất là việc cập nhật các xu thế mới trong huấn luyện.

Điều này có thể khiến đội tuyển không thể duy trì sự ổn định trong thành tích thi đấu tại Đông Nam Á cũng như tạo nên bước tiến mới ở đấu trường châu Á. Rõ nhất là ở ASIAD 2018 vừa qua, các tay vợt Việt Nam đều không để lại dấu ấn đáng kể.

Đi tìm thầy ngoại

Lần gần nhất bóng bàn Việt Nam sử dụng huấn luyện viên ngoại ở đội tuyển quốc gia là vào năm 2014. Khi ấy, chuyên gia người CHDCND Triều Tiên Ri Jong Sik cùng trợ lý Ju Se Il đã tới làm việc tại Việt Nam để chuẩn bị cho ASIAD 2014.

Mức lương mà ông Ri Jong Sik nhận được khoảng 2.300 USD/tháng, trong khi phụ tá Ju nhận 700 USD/tháng. Đấy được xem là cả sự thay đổi trong cách dùng chuyên gia của bóng bàn Việt Nam bởi trước đó, các đội tuyển của Việt Nam chỉ sử dụng huấn luyện viên Trung Quốc.

Đương nhiên, có không ít kỳ vọng vào vị chuyên gia đến từ CHDCND Triều Tiên, trong đó có việc chuyên gia này sẽ chia sẻ hết “bài vở” cho các trợ lý người Việt cũng như các tay vợt Việt Nam. Thế nhưng, hành trình tại Việt Nam của vị chuyên gia này cũng chỉ diễn ra trong năm 2014 khi ông không tạo nên dấu ấn rõ nét, không cải thiện được thành tích cũng như lối chơi cho các tay vợt Việt Nam.

Một trong những lý do khiến thành tích của đội tuyển không tốt đến từ việc phía Việt Nam không có điều kiện kiểm chứng khả năng của chuyên gia này trước khi ký hợp đồng.

Đến bây giờ, dù đội tuyển quốc gia đã có thành công nhất định ở đấu trường Đông Nam Á với huấn luyện viên nội thì việc sử dụng chuyên gia nước ngoài vẫn được đặt ra. Đây là điều đáng làm bởi nếu thuê được chuyên gia nước ngoài giỏi thì sẽ mang đến luồng gió mới cho các cấp độ đội tuyển quốc gia. Bóng bàn Việt Nam từng bế tắc trong việc thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ cao do không đủ kinh phí trả lương.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, khi Tổng cục TDTT có thể chi trả tới 5.000 USD để thuê chuyên gia nước ngoài thì bóng bàn Việt Nam vẫn có thể thuê được chuyên gia ngoại phù hợp để đáp ứng nhiệm vụ nâng tầm cho các cấp độ đội tuyển.

Một trong những phương án đang được tính đến là thuê chuyên gia từ Trung Quốc để huấn luyện đội tuyển trẻ quốc gia cũng như đội tuyển quốc gia khi tập trung. Theo đó, khi đội tuyển quốc gia tập trung thì chuyên gia này sẽ làm việc ở đội tuyển. Còn khi đội tuyển giải tán thì chuyên gia sẽ làm việc với đội tuyển trẻ. Điều này được xem là sẽ tận dụng được hết khoản kinh phí dành cho thuê chuyên gia ngoại.

Tất nhiên, thuê được chuyên gia giỏi là một chuyện. Việc tạo điều kiện để các tay vợt Việt Nam được cọ xát với các tay vợt nước ngoài nhằm nâng cao trình độ lại là vấn đề khác. Hiện tại, mới chỉ có các tay vợt Hà Nội được đơn vị chủ quản tạo điều kiện tập huấn dài hạn ở nước ngoài, trong đó lấy việc cọ xát với các tay vợt sở tại để nâng cao trình độ.

Sự vươn lên của tay vợt Nguyễn Anh Tú trong khoảng 3-4 năm gần đây là ví dụ rõ nét. Vì thế, khi thuê chuyên gia từ Trung Quốc cũng có thể sẽ giúp các tay vợt Việt Nam được chính chuyên gia này đưa đi cọ xát tại Trung Quốc thông qua các chuyến tập huấn. Thậm chí, các tay vợt đội tuyển trẻ quốc gia cũng có điều kiện tương tự nếu người có trách nhiệm tìm được nguồn kinh phí xã hội hóa cho các tay vợt.

Khi được hỏi về việc này, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà cho rằng, đây là phương án khả thi vì trong 1-2 năm gần đây, một số tuyển thủ trẻ quốc gia đã được tập huấn tại Học viện Bóng bàn Trung Quốc ở Thượng Hải (Trung Quốc) từ nguồn xã hội hóa.

Thực tế, bóng bàn Việt Nam vẫn cần những luồng gió mới trong khâu huấn luyện. Vì vậy, trước sau thì các cấp độ đội tuyển quốc gia vẫn cần đến chuyên gia ngoại để nâng tầm, nhằm hướng đến những cái đích xa hơn thay vì bằng lòng với các mục tiêu cao ở khu vực Đông Nam Á.

Hợp nhất địa điểm tập huấn

Trước đây, đội tuyển bóng bàn quốc gia và đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia thường tập trung ở hai địa điểm khác nhau. Tuy vậy, trong thời gian tới, có thể cả hai đội tuyển sẽ cùng tập trung ở một địa điểm. Điều này được xem là có thể giúp các tay vợt tại đội tuyển trẻ quốc gia học hỏi nhanh hơn cũng như được truyền cảm hứng từ các tay vợt lớn tuổi hơn ở đội tuyển quốc gia.

Ngược lại, các tay vợt đội tuyển quốc gia cũng có sẽ có ý thức hơn về kỷ luật tập luyện cũng như việc làm gương cho lớp đàn em. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cách nhìn nhận và sự quyết đoán của người có trách nhiệm để hướng đến đại cục cho các đội tuyển.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.