WikiLeaks tố Mỹ đứng sau vụ Hồ sơ Panama

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:48
Ngày 7-4, thông qua mạng xã hội Twitter, WikiLeaks tiết lộ Chính phủ Mỹ và tỉ phú George Soros chính là tác giả của vụ phanh phui Hồ sơ Panama, với mục đích bôi nhọ nước Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

WikiLeakd nêu rõ đây là sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP) – tổ chức hoạt động tại Nga và Liên Xô cũ trước đây được Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) và quỹ của tỷ phú George Soros tài trợ.

WikiLeaks nhấn mạnh: “OCCRP đã làm rất tốt, nhưng việc chính phủ Mỹ tài trợ trực tiếp cho kế hoạch tấn công Nga đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn của tài liệu”. 

Theo đó, Người phát ngôn WikiLeaks, ông Kristinn Hrafnsson đã kêu gọi Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) công bố toàn bộ các tài liệu rò rỉ để tất cả mọi người có thể truy cập, chứ không chỉ riêng các nhà báo điều tra. 

Ông Hrafnsson cũng chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên gì khi trong 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca không có tên các nhân vật quan trọng của Mỹ: “Có khả năng là các tài liệu này ban đầu đã có sự thiên vị chứ không phải do báo chí. Mossack Fonsec chỉ đơn thuần là công ty luật ở Panama cung cấp công cụ trốn thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Nó không cung cấp bức tranh tổng thể”. 

WikiLeaks tố Chính phủ Mỹ đứng sau vụ rò rỉ Hồ sơ Panama.

Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin DmitryPeskov nhấn mạnh, cáo buộc nhằm vào những người thân tín của Tổng thống Putin là nhằm bôi nhọ Nga và lãnh đạo nước này. Bởi vậy, ông Peskov cho rằng, nhiều nhà báo tham gia phanh phui vụ Hồ sơ Panama là cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, CIA và các cơ quan mật vụ của nước này. “(Tổng thống) Putin, nước Nga, sự ổn định và các cuộc bầu cử sắp tới của chúng tôi là mục tiêu chính của họ, nhất là để gây bất ổn tình hình", Người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố. 

Trong khi đó, cũng có nhận định khác về mục tiêu của cơn địa chấn này. Chuyên gia tài chính người Đức Ernst Wolff chỉ ra rằng: “Những gì đang xảy ra vào thời điểm này (ám chỉ Hồ sơ Panama - PV) không gì khác hơn là nỗ lực của Mỹ nhằm tiêu hủy ốc đảo thiên đường thuế, để thoát thân và tự lập nên một thiên đường thuế mới cho riêng mình”. 

Ở Mỹ, những bang như Nevada, South Dakota, Wyoming và Delaware đang là ốc đảo thuế tuyệt hảo. Như vậy, những tố giác trốn thuế trong Hồ sơ Panama chỉ diễn ra với một mục đích là chuyển hướng dòng chảy tài chính về Mỹ. Theo các đánh giá, trong những công ty bình phong này cất giấu khoảng 30 đến 40 nghìn tỷ USD. “Và Mỹ đương nhiên rất muốn làm thế nào đó để nắn dòng cho số tiền khổng lồ này chảy vào nước mình”, chuyên gia Wolff nhận định.

Trong bối cảnh cả thế giới đang rúng động vì Hồ sơ Panama, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các quốc gia thành viên cùng tham gia vào một nỗ lực chung khẩn cấp để lên danh sách các “thiên đường” trốn thuế. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho rằng, 28 quốc gia thành viên EU cần phải thống nhất tiêu chí chung để biên soạn một danh sách như vậy và xem đây là một công cụ quan trọng trong chiến dịch truy quét nạn gian lận thuế.

 “Các nước thành viên cần thể hiện một cam kết rõ ràng để có thể đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống hành vi trốn thuế. Công việc quan trọng này đã được thực hiện trước khi hồ sơ Panama bị phanh phui. Giờ đây điều đó càng trở nên cấp thiết hơn”, ông Moscovici nói. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cũng cho biết, ông hy vọng một bản danh sách sẽ được hoàn thiện “trong vòng 6 tháng”. 

Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 7-4, Tổng Công tố thành phố Geneva của Thụy Sĩ, ông Olivier Jornot thông báo ông đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới vụ Hồ sơ Panama, song “không thể tiết lộ thêm thông tin”. Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế. 

Trong phát biểu công khai đầu tiên về vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” đang là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, ông Trudeau cho biết từ lâu Chính phủ liên bang Canada đã biết rõ lách thuế đang là một vấn nạn. Qua vụ việc này, mức độ nhận thức của người dân về việc trốn thuế và lách thuế đã được nâng lên, nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phải hợp tác với nhau để ngăn chặn các hoạt động trên. Về phía nước “chủ nhà” của vụ việc, Chính phủ Panama cũng tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban độc lập để xem xét lại hệ thống tài chính của nước này. 

Tổng thống Panama Carlos Varela cho biết, ủy ban độc lập này bao gồm các chuyên gia của Panama và quốc tế, có nhiệm vụ đánh giá hệ thống tài chính hiện hành của quốc gia, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường sự minh bạch của hệ thống tài chính và hệ thống pháp lý. 

Tổng thống Carlos Varela khẳng định, Panama sẽ hợp tác với các quốc gia khác điều tra vụ rò rỉ thông tin nêu trên. Ông cũng kêu gọi chính phủ các nước tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc, có trách nhiệm và mang tính xây dựng, để đàm phán về việc thông qua các quy định quốc tế về quản lý tài chính.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.