WHO kêu gọi không “chính trị hóa” dịch COVID-19

Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:34
Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 30/10 (giờ địa phương) đã kêu gọi các chính phủ phối hợp làm việc và xây dựng niềm tin, khẳng định sẽ rất khó tìm hiểu về nguồn gốc virus (SARS-CoV-2) trong bầu không khí căng thẳng chính trị. Các quan chức WHO cũng kêu gọi các nước không sử dụng đại dịch COVID-19 làm “công cụ chính trị”.


Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva (giờ địa phương), Giám đốc phụ trách Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan nhấn mạnh: “Một phần ưu tiên của chúng tôi là đưa một phái đoàn quốc tế tới Trung Quốc để làm quen với các đồng nghiệp ở Trung Quốc, để trao đổi thông tin về tất cả mọi thứ đã làm cho tới nay, để hiểu kết quả của các nghiên cứu và sau đó lên các kế hoạch nghiên cứu tiếp theo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng phái đoàn sẽ được triển khai trên thực địa, và một lần nữa xin nhắc mọi người rằng, cần một thời gian dài để đưa sứ mệnh này đi vào hiện thực. Tôi nhớ đợt dịch MERS và SARS hay các dịch bệnh khác đã phải mất vài tháng, thậm chí vài năm để thiết lập các yếu tố liên quan nguồn gốc động vật và có khi mất vài năm để cuộc điều tra toàn diện được tiến hành trên thực địa”. 

Theo ông, cuộc họp trực tuyến giúp nhóm chuyên gia quốc tế và các đối tác Trung Quốc trao đổi thông tin về những gì đã đạt được cho đến nay trong việc xác định nguồn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ động vật. Ông cũng cho rằng, việc tìm ra nguồn gốc lây nhiễm từ động vật có thể mất khá nhiều thời gian, như những cuộc điều tra trước đây về nguồn gốc các loại virus gây ra các dịch bệnh khác như Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề khẩn cấp của WHO Didier Houssin tuyên bố xét nghiệm để phát hiện dịch COVID-19 cần được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực đi lại, du lịch quốc tế hơn là sử dụng biện pháp cách ly. Liên quan tới vấn đề này, ông Mike Ryan nhận định rằng, việc đi lại hiện nay đã “khá an toàn” với nguy cơ mắc “khá thấp” nhờ các nỗ lực phòng dịch mà các hãng hàng không và sân bay thực hiện.

Giám đốc phụ trách Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan.

Cùng ngày, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Khẩn cấp về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của WHO nhấn mạnh đại dịch COVID-19 này vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Cuộc họp do Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus triệu tập theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) nhằm xem xét tình hình dịch bệnh và tiến bộ đã đạt được theo những khuyến cáo hiện nay. 

Ủy ban trên cho rằng đại địch tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Ủy ban cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể để WHO và các nước tập trung triển khai trong những tháng tới, trong đó có các biện pháp phối hợp chặt chẽ có tính đến rủi ro và dựa trên thông tin xác thực liên quan đến hoạt động đi lại quốc tế, những nỗ lực giám sát và truy vết, đồng thời, duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu, cũng như chuẩn bị các kế hoạch cho vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19 trong tương lai. 

Ủy ban cũng kêu gọi các quốc gia tránh chính trị hóa công tác ứng phó với đại dịch, động thái được cho là gây tổn hại lớn đối với nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh trên toàn cầu. Phát biểu sau cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các nước tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế và nhân lực trong ngành này, đồng thời cải thiện khả năng xét nghiệm, truy vết và chữa trị cho tất cả các bệnh nhân.

Hiện, chương trình vaccine COVAX - do WHO và Liên minh vaccine toàn cầu GAVI cùng chịu trách nhiệm - đang thiết lập một quỹ bồi thường cho các trường hợp gặp rủi ro do tiêm chủng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở các nước nghèo. 

Mục đích của việc thành lập quỹ này nhằm tránh tình trạng chậm trễ trong hoạt động tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp do không có quy định rõ ràng về trách nhiệm pháp lý. Theo cơ chế bồi thường, các nước sử dụng vaccine do COVAX phân phối sẽ chi trả cho các nhà sản xuất vaccine ít nhất cho đến tháng 7/2022. Nếu phát sinh rủi ro, các nạn nhân sẽ được bồi thường qua cơ chế này của COV, thay vì các hãng bảo hiểm. 

COVAX cho biết, các nhà sản xuất vaccine không sẵn lòng cung cấp vaccine để phân phối ở những nước không bảo đảm trách nhiệm pháp lý cho họ. COVAX cho biết thêm nguồn quỹ bồi thường này một phần từ nguồn thuế vaccine phân phối cho các nước nghèo và một số nguồn khác như đóng góp từ các nhà sản xuất vaccine. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bên nào sẽ nộp khoản thuế này. 

Theo tài liệu của COVAX công bố ngày 29/10, COVAX đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới cho đến cuối năm 2021. Mặc dù hiếm có trường hợp vaccine gây phản ứng phụ sau khi đã được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, song thế giới quan ngại tính hiệu quả và an toàn của vaccine COVID-19 do thời gian cấp tốc mà các công ty dược phẩm trên thế giới đang thúc đẩy việc phát triển và thử nghiệm vaccine ngừa bệnh này. 

Theo WHO, hiện có gần 200 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được phát triển và thử nghiệm, trong đó có nhiều loại đang ở giai đoạn cuối thử nghiệm. WHO cho rằng sớm nhất vào tháng 12 có thể có vaccine ngừa COVID-19.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.