 |
Một cuộc biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ về Jerusalem. Ảnh: Reuters |
Hôm 14-12 vừa qua, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã tái khẳng định cam kết về giải pháp hai nhà nước, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, quan điểm của EU về Jerusalem là không thay đổi trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, quan điểm của EU là quy chế của thành phố này phải được giải quyết thông qua đàm phán. EU từ lâu vẫn ủng hộ quan điểm cho rằng hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua giải pháp cùng tồn tại hai nhà nước Israel và Palestine, trong đó Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine, và một đường biên giới được tính theo thực trạng trước chiến tranh Israel với các nước Arab xảy ra năm 1967.
Có đồng quan điểm với EU, Trung Quốc cũng ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền đầy đủ trên cơ sở những đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Bắc Kinh nêu rõ nước này hiểu quan ngại của các nước Hồi giáo về vấn đề quy chế của Jerusalem, đồng thời kêu gọi một giải pháp về vấn đề này phù hợp với những nghị quyết liên quan của LHQ và sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng kêu gọi sớm nối lại đối thoại giữa Israel và Palestine để tạo cơ hội cho một giải pháp toàn diện và công bằng về vấn đề Palestine.
Thực địa nóng bỏng
Các cuộc biểu tình phản đối của người Palestine đã nổ ra mạnh mẽ tại Dải Gaza và khu Bờ Tây sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Israel. Để dập tắt làn sóng biểu tình này, Quân đội Israel đã tiến hành cuộc trấn áp mang biệt danh “Chiến dịch ngọn nến xanh” có sự tham gia của 1.600 binh sĩ và được miêu tả là một trong những chiến dịch bắt giữ quy mô nhất trong nhiều năm qua.
Chỉ trong hai ngày 12 và 13-12, quân đội Israel đã bắt tới 400 người Palestine, trong đó có “những cựu tù nhân và các cá nhân được coi là có ảnh hưởng trong cộng đồng người Palestine” như Khader Adnan, một cựu tù nhân người từng 2 lần tuyệt thực nhằm phản đối việc giam giữ không qua xét xử của Israel, hay Hassan Yousef và Marwan Barghouti, hai thành viên trong Hội đồng Lập pháp Israel.
Không chỉ ở Trung Đông, hôm 16-12 (giờ địa phương), khoảng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình tại thành phố Frankfurt của Đức để phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump. Cảnh sát địa phương cho hay, đây là một cuộc biểu tình ôn hòa và chính quyền thành phố này đã ra lệnh cấm đốt bất cứ vật gì khi tham gia biểu tình.
Trước đó, hôm 10-12, cũng đã có khoảng 2.500 người tham gia biểu tình tại Thủ đô Berlin phản đối quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng. Trong cuộc biểu tình này, một lá cờ của Israel bị đốt cháy và sau đó cảnh sát Đức đã tiến hành điều tra 11 người có liên quan tới vụ đốt cờ trên.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên án và gửi lời xin lỗi về hành động này trong cuộc thăm Đại sứ quán Israel tại Berlin để thắp ngọn nến của lễ Hanukkah, đánh dấu sự khởi đầu của năm độc lập của Israel.