Vì sao tù nhân Indonesia tự nguyện trở lại nhà tù sau thảm họa kép?

Thứ Năm, 11/10/2018, 17:32
Việc những tù nhân trốn thoát khỏi nhà tù tự nguyện quay lại nơi giam giữ là một điều không dễ gì xảy ra, nhưng giờ đây, 80 tù nhân tại một nhà tù thuộc huyện Donggala, Indonesia lại đang làm điều đó. 


NPR đưa tin, khoảng 80 tù nhân - những người đã thoát khỏi nhà tù huyện Donggala sau thảm họa động đất và sóng thần xảy ra trên đảo Sulawesi ngày 28-9 - đã tập hợp lại vào tuần trước và cùng trở về khu nhà tù giam giữ họ. Những tù nhân này đã nghe theo lời của người đứng đầu nhà tù, ông Safiuddin, người đã nỗ lực thuyết phục họ quay trở lại. 

Huyện Donggala, tỉnh Trung Sulawesi nằm ngay gần tâm chấn của trận động đất, nơi xảy ra những đợt rung lắc mạnh nhất trong thảm họa thiên nhiên hôm 28-9 vừa qua. Vào thời điểm trận động đất xảy ra, nhiều tù nhân đã biểu tình để đòi được thoát ra ngoài.

Nhà tù huyện Donggala bị các tù nhân đốt phá. Ảnh: NPR

Nhớ lại khoảnh khắc hỗn loạn, ông Safiuddin kể lại, khi căng thẳng đang gia tăng bên trong nhà tù, ông đã cố gắng yêu cầu các phạm nhân kiên nhẫn và kiềm chế nhưng một nhóm tù nhân đã "không thể kiểm soát được". Những tù nhân này sau đó đã phóng hỏa một buồng giam rồi đến sân bóng đá. Sau đó, họ trở lại nhà tù một lần nữa để đốt thêm một buồng giam khác.

"Một số người đeo mặt nạ và hét lên để kích động tấn công các sĩ quan nhà tù", ông Safiuddin nói. Các tù nhân đã biến mọi thứ thành "tình trạng hỗn loạn", ông nói thêm. Trước tình huống ấy, ông đã quyết định mở cửa cho các tù nhân ra ngoài, thay vì đối diện với rủi ro "xảy ra thương vong". "Đó là một quyết định khó khăn", ông Safiuddin chia sẻ.

 Ông Safiuddin, người đứng đầu nhà tù huyện Donggala nói chuyện với các tù nhân quay lại nhà tù sau khi trốn thoát. Ảnh: NPR

Ông Safiuddin cũng thừa nhận phần lớn những phạm nhân trốn thoát là vì lo lắng cho gia đình của họ, cùng những tin đồn rằng các tù nhân tại các nhà tù khác đã được phóng thích để trở về với những người thân yêu của họ.

Quả thực, trận động đất mạnh 7.5 độ richter xảy ra ngày 28-9 kéo theo sóng thần cao 6m đã để lại những hậu quả không tưởng cho người dân đảo Sulawesi, Indonesia. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng, khoảng 5.000 người vẫn chưa thể tìm thấy, 10.679 người bị thương và 82.775 người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán. 

Vào ngày 30-9, một ngày sau vụ việc phóng hỏa nổi loạn của tù nhân, ông Safiuddin đã vô cùng xúc động khi thấy 260 tù nhân đã ở lại. "Tôi khóc, các tù nhân cũng khóc", ông nói.

Sau đó, ông chia sẻ với các tù nhân rằng cuộc bạo loạn và đốt cháy đã làm cho nhà tù không thể tiếp tục hoạt động. Ông nói với họ rằng tất cả đều được tự do đi thăm gia đình của họ, với điều kiện họ phải quay lại và thường xuyên báo cáo về tình hình của mình.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Donggala cũng có mặt trong buổi chia sẻ đó và gửi đến một thông điệp cứng cỏi hơn với các tù nhân: "Đừng nghĩ rằng nếu bạn chạy, bạn có thể trốn thoát".

Donggala là một nhà tù tầm trung, theo NPR, do không có tù nhân phạm tội giết người hay cưỡng hiếp. Hầu hết tù nhân đều phạm những tội nhỏ, phổ biến nhất là tham nhũng. Sau khi rời nhà tù, khoảng 1/4 số đó tương đương 80 người quay lại tập trung tại bãi cỏ trước nhà tù để báo cáo mỗi ngày.

Mohammad Taris là một tù nhân 49 tuổi, ông từng là trưởng làng và vào tù vì tội tham nhũng, làm giả hóa đơn chứng từ. Hầu hết những người có cơ hội tự do sẽ không quay trở lại, còn Mohammad thì không.

 Tù nhân Mohammad Taris, 49 tuổi. Ảnh: NPR

Mohammad nói rằng ông đã liên lạc được với các con trai của mình sau thảm họa và chắc chắn rằng họ đã an toàn, vì thế ông quyết định sẽ tiếp tục thực thi 7 tháng tù còn lại của mình. "Tôi muốn tuân theo luật pháp. Với lương tâm trong sạch, và không có áp lực từ bất cứ ai, tôi sẽ  tiếp tục ở đây", ông nói.

Một tù nhân khác có tên Arifudin, 49 tuổi, cho biết ông đã quay trở lại nhà tù vì "tốt hơn là hoàn thành đầy đủ" bản án của mình. Ông còn phải ngồi tù một tháng nữa do kết hôn với người chưa đủ tuổi.

Một nữ tù nhân có tên Lili Setioningsih, bị kết tội ăn cắp tại ngôi trường cô làm việc, cũng đã trở lại. Người phụ nữ 37 tuổi nói rằng bùn đất sau thảm họa đã cuốn trôi ngôi nhà của cô ở Sigi. Các con của cô đã chuyển đến nhà bố mẹ cô để sinh sống. 

 Ông Safiuddin - Giám đốc nhà tù lắng nghe câu chuyện của nữ tù nhân. Ảnh: NPR

Cô đã đề nghị quản ngục "tìm một nhà tù mới" gần nơi mà các con cô vừa chuyển đến, như một cách giúp cô giảm bớt sự đau thương. Vị quản ngục lặng lẽ lắng nghe chia sẻ của nữ tù nhân, sau đó nghiêng người và nhẹ nhàng trấn an cô ấy: "Điều đó sẽ được thực hiện".

Ngày 11-10, giới chức Indonesia đã chính thức dừng công cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích hậu thảm họa động đất sóng thần tại Indonesia, bước vào giai đoạn tái thiết thành phố Pelu và khu vực phụ cận. 

Sự trở về của những tù nhân có lẽ cũng là một khởi đầu mới trong những chuỗi khởi đầu mới mà người dân đảo Sulawesi sẽ cùng gây dựng từ những tàn tích mà thảm họa kép đã gây ra.

An Nhiên (Theo NPR)
.
.
.