Trung Quốc và Nga phản ứng về Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ

Thứ Sáu, 22/12/2017, 10:22
Trong Chiến lược An ninh quốc gia (ANQG) 2017 được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hồi cuối tuần trước, Trung Quốc và Nga bị cho là “thách thức quyền lực, ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”. Bắc Kinh và Moscow ngay lập tức đã có phản ứng đối với luận điểm này.


Hãng Sputnik ngày 21-12 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, kêu gọi Mỹ hãy từ bỏ “tâm lý chiến tranh lạnh”: “Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ từ bỏ những khái niệm đã lỗi thời như tâm lý chiến tranh lạnh, có cái nhìn khách quan đối với sự phát triển về mặt quân sự của Trung Quốc, khuyến khích sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước (…), cố gắng làm cho nó trở thành một yếu tố của sự ổn định trong quan hệ Trung – Mỹ và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn cầu”. 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối việc “áp đặt ý chí và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”, không giống như một số quốc gia nhất định phải “đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của cộng đồng quốc tế, duy trì những quan niệm lạc hậu, dán nhãn cho các quốc gia khác và biểu hiện sự ích kỷ trong tất cả mọi thứ”. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ quan điểm này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cũng chỉ trích Chiến lược ANQG 2017 của Mỹ, nhấn mạnh: “Bất cứ quốc gia nào, hay bất cứ bản báo cáo nào, bóp méo sự thật hoặc có ác ý bôi nhọ, đều chỉ làm điều đó một cách vô ích”. 

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nêu rõ rằng, Bắc Kinh không tìm cách thống trị toàn cầu, đồng thời khẳng định không có “trò chơi được - mất” giữa Trung Quốc - Mỹ. 

Quan chức ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc không tìm cách thống trị toàn cầu, chúng tôi tin rằng trong thế giới ngày nay tất cả các quốc gia đều bị đe dọa bởi rất nhiều thách thức chung và chúng tôi chia sẻ những lợi ích chung đang lớn dần. Chúng tôi không nghĩ rằng có một trò chơi được - mất giữa bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều quan trọng đối với chúng tôi là thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu để đối phó với những thách thức chung”. 

Ngoài ra, Đại sứ Thôi Thiên Khải lưu ý, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng trở nên gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau, theo đó mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế và người dân hai nước. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng cửa hơn với phần còn lại của thế giới và cho rằng thị trường khổng lồ của Trung Quốc đang cung cấp những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp Mỹ.

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này bình luận, Chiến lược ANQG 2017 của Mỹ tập trung vào cuộc đối đầu với các nước khác: “Việc tăng cường sức mạnh quân sự và kinh tế của Nga và Trung Quốc là một thách thức đối với Mỹ, nghĩa là, Washington không muốn thấy Moscow và Bắc Kinh là những cường quốc mạnh mẽ, họ sợ mất đi tình trạng hiện tại của họ”. 

Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hối tiếc với cách tiếp cận đối đầu của Chiến lược ANQG mới của Mỹ: “Thông điệp chủ chốt của văn kiện này – Hòa bình bằng vũ lực – không phải là nhằm mục đích hợp tác xây dựng bình đẳng với các nước khác và để đạt được những giải pháp chúng cho những vấn đề hiện tại, mà là đối đầu”. 

Bộ Ngoại giao Nga cũng chỉ rõ: “Chiến lược mới này của Mỹ không thay đổi bất cứ điều gì. Thay vào đó, nó chỉ hiển nhiên cho thấy những gì mà Washington đang theo đuổi. Cùng với đó, nó cũng phản ánh tình trạng sự bất an ngày càng tăng của Mỹ trong nỗ lực duy trì vị thế của họ (trên trường quốc tế - PV)”. 

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẵn sàng hợp tác với Washington nếu Mỹ không áp đặt những “ý chí” này. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác với Mỹ, nếu không có bất cứ nỗ lực nào nhằm áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi”.

Không chỉ Nga và Trung Quốc, Iran, Pakistan và Afghanistan cũng đã đưa ra phản ứng đối với Chiến lược ANQG mới của Mỹ. Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích chiến lược này là “thiếu cân bằng” và “phiến diện”, cho rằng tài liệu do Nhà Trắng công bố là “những nỗ lực vô ích” nhằm mô tả Iran như một mối đe dọa. 

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Qasemi, nội dung “thiếu thận trọng” của chiến lược trên cho thấy Chính phủ Mỹ đang cố gắng “chơi trò đổ lỗi” khi đối mặt với những thách thức và các vấn đề mà Washington vẫn luôn phải giải quyết ở trong nước và trên trường quốc tế. 

Quan chức ngoại giao Iran cũng cảnh báo chiến lược của Mỹ sẽ khiến thế giới trở nên mất an ninh và bất ổn hơn, tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố phát triển. 

Đồng quan điểm, Bộ Ngoại giao Pakistan cũng ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc nhằm vào nước này được nêu trong chiến lược an ninh mới của Mỹ, theo đó kêu gọi Pakistan cần hành động quyết liệt hơn đối với các tổ chức khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ nước này và có trách nhiệm bảo vệ các tài sản hạt nhân. 

Tuyên bố nhấn mạnh đó là “những cáo buộc vô căn cứ”, trái với tình hình thực tế và hạ thấp những nỗ lực của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. 

Khác với Iran và Pakistan, Afghanistan ra tuyên bố hoan nghênh Chiến lược ANQG mới của Tổng thống Donald Trump, coi chiến lược này phù hợp với mục tiêu của Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như khẳng định quan hệ đối tác chiến lược lâu dài Mỹ - Afghanistan.

Trong khi đó, ngay tại Mỹ, dư luận đang có những phản ứng khác nhau về chiến lược mới của người đứng đầu Nhà Trắng. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump, song cũng có không ít ý kiến cho rằng, với chiến lược này nước Mỹ đang đi vào ngõ cụt, sẽ khiến cho chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến trỗi dậy. Điều đó sẽ làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập và khó có thể bảo vệ an ninh, thịnh vượng của chính mình.

Khổng Hà
.
.
.