Tổng thống Ukraine đối đầu sóng gió ngoại giao

Thứ Sáu, 27/09/2019, 08:33
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc Nhà Trắng công bố bản tóm tắt cuộc gọi của ông với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, còn đối với ông Zelenskiy, đây lại là một thảm họa ngoại giao sâu rộng.


Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nacy Pelosi ngày 24-9 cho biết, sẽ mở cuộc điều tra luận tội chính thức xoay quanh nghi vấn ông Trump lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden, qua đó tạo lợi thế cho mình trong cuộc đua tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020. 

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 25-9 công bố một bản tóm tắt dài 5 trang đã được giải mật về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine, dưới định dạng PDF trên trang web của Nhà Trắng. 

Trong bản tóm tắt này, ông Trump dường như không đề cập viện trợ quân sự hay viện trợ kinh tế cho Ukraine. 
Hai Tổng thống Mỹ và Ukraine trong cuộc gặp tại New York ngày 25-9. Ảnh Reuters

Điều này thách thức những cáo buộc của đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump có thể đã ra lệnh đóng băng khoản viện trợ quân sự 400 triệu USD cho Ukraine thời điểm trước khi diễn ra cuộc điện đàm để gây sức ép buộc Tổng thống Zelenskiy phải hợp tác điều tra vụ việc liên quan đến ông Biden. 

Sau khi đoạn ghi âm được công bố, Tổng thống Trump đã viết trên trang Twitter, yêu cầu phe Dân chủ “xin lỗi” ông “sau khi thấy những gì đã được nói trong cuộc điện đàm giữa ông và Tổng thống Zelenskiy”.

Trong khi đó, ông Zelenskiy lại vướng phải nghi vấn “nói xấu” lãnh đạo Đức và Pháp. Theo Reuters, bản tóm tắt cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống cho thấy ông Zelenskiy bày tỏ sự thất vọng về những gì mà ông nói là sự thiếu hỗ trợ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc tăng cường trừng phạt đối với Nga. 

Theo bản tóm tắt được CNN đăng tải, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “Đức hầu như không giúp gì” cho Ukraine. 

Tổng thống Ukraine tán thành với ý kiến của người đồng cấp Mỹ, cho rằng ông Trump nói đúng “không phải là 100% mà là 1000%”. 

Ông Zelenskiy cho biết, ông có gặp và nói chuyện với cả hai lãnh đạo Đức và Pháp về vấn đề lệnh trừng phạt đối với Nga, tuy nhiên, những nước này “không tăng cường các lệnh trừng phạt” và rằng “đáng nhẽ ra, về lý mà nói, Liên minh châu Âu phải là đối tác lớn nhất” của Ukraine, nhưng hóa ra “Mỹ mới là đối tác lớn nhất”. 

Vụ bê bối này xảy ra vào thời điểm rất khó xử đối với ông Zelenskiy, người đang muốn khôi phục lại các phần của thỏa thuận hòa bình bị đình trệ ở miền Đông đất nước, một điều mà ông phải cần đến sức mạnh ngoại giao từ cả Mỹ lẫn châu Âu.

Trong cuộc họp báo ngày 25-9 tại New York, ông Zelenskiy cho biết ông từng nghĩ rằng phía Mỹ sẽ chỉ công bố những gì ông Trump nói trong cuộc điện đàm và ông tin rằng chi tiết của những cuộc gọi “giữa các Tổng thống của các quốc gia độc lập” không nên được công bố. 

Tổng thống Ukraine nói thêm rằng ông không biết chi tiết về cuộc điều tra đối với con trai của ông Biden, cho rằng đó chỉ là một trong nhiều những vấn đề mà ông thảo luận với các lãnh đạo thế giới và rằng ông muốn công tố viên mới của mình điều tra tất cả các vụ việc mà không bị can thiệp từ bên ngoài. 

Ông Zelenskiy cũng cố gắng “làm dịu lòng” bà Merkel và ông Macron, nói rằng ông rất biết ơn sự giúp đỡ của hai nước và ông đã đưa ra nhận xét trên về họ trong “một khoảng thời gian khó khăn”. 

“Tôi không muốn nói bất cứ điều gì xấu về bất cứ ai. Chúng tôi cảm ơn tất cả mọi người vì đã giúp đỡ chúng tôi”, ông Zelenskiy phát biểu sau cuộc họp với ông Trump. Bộ Ngoại giao Pháp, Điện Elysee và phía Đức chưa có bình luận chính thức về vấn đề này.

Mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị với nước láng giềng Nga sau khi Moscow sáp nhập khu vực Crimea và ủng hộ phe ly khai thân Nga chiến đấu ở miền Đông Ukraine năm 2014, Ukraine vẫn đang cần rất nhiều sự ủng hộ từ quốc tế. 

Có một thực tế là Ukraine vẫn chủ yếu dựa vào sự ủng hộ từ Washington về ngoại giao lẫn quân sự. Các nước châu Âu như Pháp và Đức đang cố gắng đàm phán để làm sống lại tiến trình hòa bình đang bị đình trệ tại phía Đông Ukraine. 

Thế nhưng, bình luận của ông Zelenskiy được công bố trong bản tóm tắt có khả năng sẽ gây khó chịu cho phe đảng Dân chủ của Mỹ, đe dọa đến sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ với Kiev, đồng thời, không làm hài lòng Pháp và Đức, những nước mà Tổng thống Ukraine chỉ trích trong cuộc trao đổi qua điện thoại này.

Các chuyên gia chính trị có nhiều ý kiến khác nhau về bình luận của ông Zelenskiy. Theo Giám đốc Trung tâm châu Âu Mới tại Ukraine, Alyona Getmanchuk, “hậu quả của vấn đề này chính là Ukraine có thể trở thành một nhân tố xấu” đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng thời liên hệ đến Nga trong cuộc điều tra cáo buộc gian lận bầu cử và sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 của công tố viên Mueller. 

Chuyên gia Volodymyr Fesenko từ Viện nghiên cứu Penta cho biết dù “không có lời chỉ trích trực tiếp nào (như trong bản tóm tắt cuộc gọi), và bối cảnh và giọng điệu của ông Zelenskiy có vẻ như ông đang than phiền với ông Trump về bà Merkel”, nhưng “nền tảng mối quan hệ (giữa Ukraine) với các lãnh đạo châu Âu và cả bà Merkel sẽ xấu đi trông thấy”. 

Nhiều người tại Ukraine còn lo ngại rằng những thiệt hại mà vụ bê bối này có thể gây ra cho quan hệ Mỹ-Ukraine có thể sẽ có lợi cho Nga, vì nó có thể làm bế tắc viện trợ quân sự của Washington cho Kiev trong tương lai. 

“Đối với Kiev, có một mối nguy lớn là có thể rơi vào tình thế đơn độc khi đối đầu với Nga trong lúc Mỹ vẫn là một đối tác chiến lược trong lĩnh vực quân sự. Và Nga sẽ tận dụng cơ hội này”, Maria Ionova, một nhà lập pháp dưới thời cựu Tổng thống Petro Poroshenko cho biết. 

Trong khi đó, Điện Kremlin lại cho rằng đây là vấn đề của Mỹ và Ukraine, và Nga chỉ quan sát. 

Liên quan đến viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, ngày 26-9, hãng thông tấn Reuters của Anh dẫn lời hai quan chức của Mỹ cho biết chính quyền Trump hy vọng rằng chỉ có khoảng 30 triệu USD, trong khoản viện trợ trị giá 250 triệu USD, sẽ không thể được chuyển đúng hạn chót trước khi năm tài khóa 2019 kết thúc. Từ năm 2014, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đã lên đến hơn 1,5 tỷ USD.

Duy Tiến
.
.
.