Tổng thống Syria tới Nga trong lúc “nước sôi lửa bỏng”

Thứ Năm, 22/10/2015, 10:03
Ngày 21/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Chiều 20/10 (giờ Nga), Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến thăm bất ngờ tới Moskva và tiến hành các cuộc hội đàm diện hẹp và diện mở rộng với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao Nga.

Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin, Tổng thống Assad đã thông tin chi tiết về tình hình tại Syria và những kế hoạch trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận diễn biến chiến dịch không kích của Nga tại Syria và cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này, cũng như các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ song phương Nga-Syria.

Tổng thống Assad nhấn mạnh: “Nếu không có quyết định và hành động quyết liệt từ Nga trước quân khủng bố đang vươn vòi tại khu vực thì bọn chúng sẽ chiếm thêm nhiều vùng đất và mở rộng vùng chiếm đóng lớn hơn nữa”, đồng thời khẳng định, bất kỳ hành động quân sự nào của Nga và quân đội Syria cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy các biện pháp chính trị cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. 

Tổng thống Putin (phải) và người đồng cấp Syria Assad.

Ông Assad cũng gửi lời cảm ơn người đồng cấp Putin về sự hỗ trợ của Nga: “Một lần nữa, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc của cá nhân tôi đến giới lãnh đạo Liên bang Nga và người dân Nga vì sự ủng hộ của các bạn đối với đất nước chúng tôi. Cảm ơn các bạn đã đứng lên vì sự thống nhất và độc lập của Syria. Những bước tiến do Nga thực hiện kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu đã không để những sự kiện tại Syria phát triển theo chiều hướng bi kịch. Và tôi hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau chiến thắng chủ nghĩa khủng bố”. 

Tổng thống Syria cũng nhấn mạnh việc Moskva và Damascus tiếp tục “hành động cùng nhau” để phục hồi nền kinh tế và chính trị Syria, “để mang lại hòa bình cho tất cả”. Tổng thống Assad cũng khẳng định: “Không chỉ ban lãnh đạo Syria và toàn thể nhân dân Syria đều muốn tham gia định đoạt tương lai của đất nước mình”.

Về phần mình, Tổng thống Putin cảm ơn người dân Syria vì sự đóng góp của họ cho cuộc chiến chống khủng bố: “Người dân Syria đã phải đơn độc chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong vài năm qua và phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, gần đây, họ đã bắt đầu đạt được những thành quả tích cực trong cuộc chiến này”. 

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, trên cơ sở những tiến triển tích cực đã đạt được trong khuôn khổ các hoạt động quân sự, cuối cùng có thể đạt được một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria dựa vào tiến trình chính trị với sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị, các nhóm sắc tộc và tôn giáo. 

“Chúng tôi đã sẵn sàng đóng góp không chỉ đường lối quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố mà còn cả tiến trình chính trị. Dĩ nhiên, điều này sẽ hợp tác chặt chẽ với các cường quốc khác trên thế giới và các nước trong khu vực quan tâm tới giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”, ông Putin cho biết.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, trong bài bình luận mang tựa đề “Một lối thoát ra khỏi sự sụp đổ của Trung Đông” được đăng trên tờ Wall Street Journal, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nhấn mạnh, việc đánh bại IS cần được đặt lên trên việc thay đổi thể chế ở Syria: “Việc tiêu diệt IS đã trở nên cấp thiết hơn so với việc lật đổ ông Bashar al Assad”. 

Theo ông: “Nỗ lực không đem lại kết quả như hiện nay  của quân đội Mỹ sẽ chỉ khiến IS dễ dàng tuyển người hơn, bởi đã kháng cự được sức mạnh Mỹ”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra rằng, để Nga can thiệp có thể giúp tái thiết lập trật tự Trung Đông, từng nằm dưới sự thống trị hoàn toàn của Mỹ. Theo ông Kissinger, cái gọi là IS đã thiết lập tại Iraq và Syria một “kẻ thù không biết thương xót với trật tự thế giới”, đã tìm cách thay thế hệ thống quốc tế với một đế chế Hồi giáo. 

Trong khi đó, theo đánh giá của nhà khoa học chính trị Trung Quốc Zhiming Tu, hoạt động quân sự của Nga ở Syria có thể góp phần làm tăng giá dầu, cũng như khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Ông Zhiming Tu đưa ra ba lý do giải thích cho đánh giá này. 

Thứ nhất, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria sẽ tác động rất lớn tới châu Âu do hoạt động này góp phần làm giá dầu tăng, qua đó gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn năng lượng Nga và nhờ vậy Nga có thể củng cố kinh tế và xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Liên minh Châu Âu (EU). 

Tiếp đó, nếu Nga củng cố được vị thế địa chính trị của mình tại Trung Đông thì nước này có thể, ở mức độ nhất định, ngăn cản Phương Tây tiếp tục “dân chủ hóa”. 

Cuối cùng, hoạt động của Nga ở Syria sẽ chuyển sự chú ý của người châu Âu ra khỏi vấn đề Ukraine. Do cuộc khủng hoảng Ukraine nên giữa Nga và EU đã có mâu thuẫn gay gắt, dẫn đến việc EU và Mỹ gây sức ép với Nga. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn đang ngày càng làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn trong nội bộ EU. Do đó, cái tên quan trọng hơn với EU vào thời điểm này là Syria, chứ không phải Ukraine.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.