Tổng thống Putin yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga

Thứ Hai, 31/07/2017, 10:40
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga. Đây là động thái nhằm đáp trả dự luật trừng phạt mà Washington chuẩn bị áp đặt lên Moscow.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình tối 30-7, Tổng thống Nga Putin khẳng định Mỹ sẽ phải cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga, theo đó chỉ được duy trì đúng 455 người theo đúng lệnh trừng phạt mà Moscow vừa ban hành.

"Hiện nay Mỹ có tới hơn 1.000 nhân viên ngoại giao của mình tại Nga, gồm các nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ, 755 người sẽ phải dừng hoạt động", Tổng thống Putin tuyên bố, RT đưa tin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Một quan chức giấu tên tại Đại sứ quán Mỹ đã tiết lộ rằng cơ quan này đã tuyển dụng khoảng 1.100 nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ, bao gồm cả công dân Nga và Mỹ.

Trước đó, hãng tin RIA ngày 29-7 dẫn một nguồn tin từ chính quyền Nga cho biết Mỹ hiện đang duy trì tại Nga khoảng 650-750 nhân viên ngoại giao người Mỹ. Như vậy, có tới 200-300 nhà ngoại giao Mỹ sẽ phải rời Nga trước ngày 1-9 theo các lệnh trừng phạt mới được Tổng thống Putin phê chuẩn.

Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối cung cấp số lượng chính xác nhân viên ngoại giao của mình tại Nga.

Ngày 28-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Nga đề xuất, theo đó đáp trả tương xứng những hành động gây hấn mà Washington áp đặt lên Moscow.

Cụ thể, Nga đã yêu cầu Mỹ cắt giảm số nhân viên ngoại giao tại Nga xuống còn 455 người, đúng bằng số lượng nhân viên ngoại giao của Moscow tại Mỹ.

Theo các lệnh trừng phạt mới được công bố, phía Nga cũng sẽ tịch thu 1 khu nhà nghỉ dưỡng tại khu vực Serebryannyi Bor và các khu nhà kho tại phố Doroznaya mà Mỹ đang sử dụng ở Moscow.

Phản ứng trên của Nga được đưa ra vài giờ sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật siết chặt biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ đặt bút ký dự luật, đưa nó vào thực thi trong thời gian ngắn.

Theo Moscow, các biện pháp trừng phạt “một lần nữa xác nhận tính chất hiếu chiến của Mỹ trong công việc quốc tế, và rõ ràng Mỹ đã phớt lờ quan điểm và lợi ích của các quốc gia khác.”

Thiện Nhân
.
.
.