Tổng thống Putin có thể trở thành nghị sĩ trọn đời
- Putin nói gì về nghi án "níu kéo" quyền lực
- Các lãnh đạo thế giới "ngơ ngác" tìm Tổng thống Putin
- Putin lần đầu lên tiếng về cơn "đại địa chấn" ở nước Nga
Reuters ngày 11/2 dẫn lời Pavel Krasheninnikov, Chủ tịch Ủy ban Xây dựng nhà nước và pháp luật Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nói rằng dự thảo Hiến pháp Nga sẽ bao gồm nội dung trao tư cách thượng nghị sĩ trọn đời cho các cựu Tổng thống Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Việc này được áp dụng cho các cựu Tổng thống Nga cả khi họ rời nhiệm sở lúc kết thúc nhiệm kỳ hoặc từ chức. Theo lời ông Pavel Krasheninnikov, đây là bước đi cần thiết để "tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức khổng lồ" của các cựu lãnh đạo.
Từ khi Liên Xô sụp đổ gần 30 năm trước, Nga có ba vị tổng thống dân cử là ông Boris Yeltsin, đương kim Tổng thống Vladimir Putin và ông Dmitri Medvedev. Nhiệm kỳ này của Putin sẽ kết thúc vào năm 2024 và đây là nhiệm kỳ tổng thống cuối cùng của ông.
Trong Thông điệp Liên bang hôm 15/1, Tổng thống Putin đã kêu gọi sửa hiến pháp theo hướng siết chặt quyền lực của vị trí tổng thống, trao cho quốc hội quyền lựa chọn thủ tướng và thành lập chính phủ.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh những sửa đổi mà ông đề nghị sẽ gia tăng tầm quan trọng của quốc hội, từ đó thúc đẩy vai trò phối hợp của chính phủ và quốc hội trong ban hành và thực thi các chính sách.
Sau bước đi của Putin, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cùng toàn bộ nội các đã đệ đơn từ chức. Ông Medvedev sau đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, nơi ông Putin làm Chủ tịch, cơ quan mà nhiều nhân vật đối lập ở Nga cho rằng sẽ chi phối chính trường Nga về sau này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga mới đây khẳng định công chúng sẽ có tiếng nói cuối cùng đối với việc sửa đổi hiến pháp, bởi Nga sẽ đưa vấn đề này ra trưng cầu ý dân. "Điều đó không nhằm kéo dài quyền lực của chính tôi", ông Putin tuyên bố.