Tổng thống Mỹ "hành động" sau vụ xả súng đẫm máu

Thứ Tư, 24/03/2021, 08:16
Nhà Trắng ngày 23/3 cho biết, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng và có thể tự đưa ra động thái nhằm ngăn chặn nạn bạo lực tại nước này, ngay sau sau vụ xả súng chết người thứ hai tại Mỹ trong một tuần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh Reuters. 

Đảng Dân chủ kêu gọi Thượng viện thông qua hai dự luật được Hạ viện thông qua vào ngày 11/3 sẽ mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng. Tổng thống Biden cũng kêu gọi cấm vũ khí kiểu tấn công.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 23/3, ông Biden thúc giục các nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện nhanh chóng có hành động, và không nên để phí thêm phút giây nào.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết thêm rằng ông Biden đang xem xét một loạt các hành động hành pháp để cố gắng ngăn chặn bạo lực súng đạn. Những hành động như vậy không cần có sự chấp thuận của Quốc hội.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden từng tuyên bố sẽ ban hành các biện pháp về an toàn súng đạn, tuy nhiên, trong thời gian đầu của nhiệm kỳ, ông đã tập trung hơn vào việc phân phối vaccine COVID-19.

Ngày 22/3, một tay súng đã giết chết 10 người trong một siêu thị ở Colorado, chỉ 6 ngày sau khi 8 người bị bắn chết tại các spa ở khu vực Atlanta. Hai vụ xả súng đã tạo áp lực mới đối với Tổng thống Mỹ trong việc hiện thực hóa lời cam kết trong chiến dịch.

Theo nghiên cứu của RAND Corp, Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng dân sự cao nhất thế giới và tỷ lệ tử vong do súng luôn cao hơn các quốc gia giàu có khác. Theo Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng ở Mỹ, nước này ghi nhận hơn 43.000 ca tử vong vì súng vào năm ngoái.

Các nhà hoạt động cho biết các hành động hành pháp mà ông Biden có thể thực hiện ngay lập tức bao gồm tăng cường kiểm tra lý lịch, tăng ngân sách cho các thành phố để chống lại bạo lực súng đạn và điều tiết thị trường “súng ma”.

Sau hàng chục vụ xả súng hàng loạt gây chấn động ở Mỹ trong thập kỷ qua, bao gồm một vụ tấn công ở trường tiểu học khiến 26 người thiệt mạng, các nhà lập pháp Mỹ vẫn do dự khi đưa ra hành động về luật kiểm soát súng, phần lớn là do sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa và Hiệp hội Súng trường Quốc gia.

Quyền “sở hữu vũ khí”, được quy định trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, vẫn được nhiều người Mỹ coi trọng.

Tuy nhiên theo kết quả một cuộc thăm dò năm 2019, gần 70% người Mỹ ủng hộ việc bổ sung các hạn chế súng liên bang “cấp độ cao hoặc vừa” cũng như các ý tưởng như kiểm tra lý lịch và cơ sở dữ liệu để theo dõi quyền sở hữu súng.

Việc kiểm tra lý lịch được tiến hành để xem xét tiền sử tội phạm và sức khỏe tâm thần của người mua và các yếu tố khác có thể ngăn ai đó mua súng.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.