Tình tiết đáng ngờ trong vụ đánh bom ở Anh

Thứ Sáu, 26/05/2017, 09:53
Ngày 25-5, một nguồn tin tình báo Đức cho hay, Salman Abedi, kẻ đánh bom liều chết hôm 22-5 ở thành phố Manchester (Anh) khiến 22 người thiệt mạng, đã có mặt tại thành phố Dusseldorf, cách thủ đô Berlin của Đức khoảng 483km về phía Tây, vào thời điểm 4 ngày trước khi thực hiện vụ tấn công. Cùng ngày, lực lượng an ninh Anh đã bắt giữ thêm hai người đàn ông ở khu vực thành phố Manchester có liên quan tới vụ đánh bom đẫm máu trên.

Theo cảnh sát Anh, số nghi can bị bắt do liên quan tới vụ đánh bom tới nay đã lên đến 8 người, bao gồm cả một phụ nữ bị bắt trước đó được trả tự do mà không bị cáo buộc. Cảnh sát Anh đồng thời lên tiếng cảnh báo có nguy cơ tiếp tục xảy ra các vụ tấn công liều chết sau vụ đánh bom trên.

Hiện cảnh sát Anh đang theo dõi một mạng lưới những kẻ đồng lõa với nghi phạm trực tiếp thực hiện vụ đánh bom liều chết cho rằng, khả năng có nhiều người tham gia vào âm mưu tấn công và chế tạo thuốc nổ. Tuy nhiên, việc rò rỉ thông tin liên quan vụ tấn công khủng bố đang phá hoại cuộc điều tra của các nhà chức trách xứ sở sương mù sau khi một số chi tiết vụ điều tra bị tiết lộ tại Pháp và tại Mỹ.

Chính phủ và cảnh sát Anh đã phản đối việc truyền thông nước ngoài tung ra những bằng chứng liên quan đến vụ tấn công khi các cuộc điều tra chưa kết thúc, cho rằng điều này có thể phá hoại công tác điều tra đang tiến hành. Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd đã mô tả vụ rò rỉ này như “sự chọc tức” Anh và lên tiếng chỉ trích Bộ An ninh nội địa Mỹ cùng các cơ quan tình báo Mỹ.

Một quan chức chính phủ Anh cũng đã bày tỏ sự tức giận, cho rằng, việc rò rỉ những thông tin như vậy là “không thể chấp nhận” và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nạn nhân, thân nhân của họ cũng như công chúng.

Trong khi đó, người phát ngôn cảnh sát chống khủng bố Anh cho biết các nhà điều tra tin tưởng vào các đối tác an ninh trên thế giới, song khi lòng tin bị phá vỡ, nó sẽ hủy hoại mối quan hệ cũng như phá hoại cả cuộc điều tra chung. Hiện London đã ngừng chia sẻ thông tin về vụ đánh bom với giới chức Mỹ.

Thế nhưng, ngay sau đó, tờ The New York Times ngày 25-5 ngay lập tức công bố chi tiết những bức ảnh hiện trường bên ngoài sân vận động Manchester Arena, trong đó có cả túi của kẻ đánh bom Abedi đã sử dụng.

Trước đó, hàng loạt thông tin về vụ tấn công đẫm máu tại buổi biểu diễn của ca sĩ Ariana Grande ở nhà thi đấu Manchester đêm 22-5 đã được phát tán từ các nguồn tin thuộc lực lượng chấp pháp Mỹ trước khi được cảnh sát và quan chức Anh thông báo. Chẳng hạn như con số thương vong ban đầu, việc vụ tấn công được cho là đánh bom liều chết và tên của kẻ tấn công đều được công bố qua truyền thông Mỹ. Và những thông tin này được cho là do các nguồn tin tình báo Mỹ làm rò rỉ.

Người dân Anh cầu nguyện cho những nạn nhân xấu số trong cuộc đánh bom. Ảnh: Reuters.

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 25-5, các đảng chính trị tại Anh đã quay trở lại tiếp tục các cuộc vận động tranh cử của mình sau 2 ngày tạm dừng vì xảy ra vụ tấn công khủng bố trên. Thủ tướng May sẽ khởi động lại chiến dịch tranh cử của mình bằng chuyến công du tới Bỉ để dự Hội nghị thượng đỉnh NATO và sau đó tới Italy để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra trong hai ngày 26 – 27-5. Tăng cường nỗ lực quốc tế chống khủng bố sẽ là nội dung chính được Thủ tướng May nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO.

Tuy nhiên, bà May sẽ cắt ngắn lịch trình và dự kiến trở lại Anh trong chiều 26-5 với lý do “nguy cơ đe dọa tấn công khủng bố tại Anh đang ở mức cao nhất”. Trong khi đó, Công đảng cũng rất quan tâm đến việc mở lại chiến dịch tranh cử càng sớm càng tốt.

Cùng ngày, đảng Độc lập Anh (UKIP) cũng sẽ công bố cương lĩnh hành động trước cử tri Anh với nội dung trọng tâm liên quan đến vấn đề hồi giáo cực đoan. Lãnh đạo UKIP Paul Nuttall cho biết: “Chúng tôi quyết định rằng, cách tốt nhất để cho những kẻ khủng bố thấy chúng tôi không khuất phục và chúng sẽ không chiến thắng, là trở lại cuộc đua”.

Trước đó, Bộ trưởng Rudd đã lên tiếng bác lại dư luận cho rằng chính phủ Anh đang cố gắng giành lợi thế chính trị từ việc đẩy tình trạng báo động tại Anh lên mức cao nhất và triển khai một lượng lớn binh lính trên các đường phố. Bà Rudd cho biết việc Chính phủ đặt đất nước vào tình trạng báo động cao nhất là căn cứ theo tư vấn của Trung tâm Phân tích Khủng bố độc lập của Anh.

Theo nhà phân tích Anthony Wells làm việc tại chuyên trang khảo sát thị trường YouGov có trụ sở tại Anh, thông thường các cử tri hay bỏ phiếu dựa trên vấn đề mà họ cảm thấy là quan trọng nhất đối với đất nước tại thời điểm đó. Nhà phân tích này bày tỏ quan ngại nếu các cử tri cho rằng, vấn đề to lớn mà đất nước đang phải đương đầu hiện nay là khủng bố và an ninh chứ không phải là vấn đề y tế và chăm sóc xã hội.

Tuy nhiên ông Wells cũng cho biết các cuộc thăm dò ý kiến cử tri vài tháng trở lại đây cho thấy vấn đề khủng bố không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với nhiều cử tri. Hiện có 4 vấn đề được các cử tri quan tâm nhất là y tế, nhập cư, kinh tế và Brexit.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.