Thượng đỉnh G20 và kỳ vọng “tăng trưởng theo hướng đổi mới”

Chủ Nhật, 04/09/2016, 07:46
Ngày 4-9, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 đã khai mạc tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và sẽ diễn ra trong hai ngày.


Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, hội nghị năm nay nhận được sự sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 và cũng là lần đầu tiên vấn đề “Tăng trưởng theo hướng đổi mới” trở thành chủ đề then chốt của chương trình nghị sự.

Theo ông Amy Celico, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược quốc tế Albright Stonebridge Group có trụ sở tại Washington, mặc dù các mục tiêu tham vọng sẽ khó có thể đạt được chỉ qua một hội nghị, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đàm phán đa phương về thương mại toàn cầu bị đóng băng, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ và dân tộc, Trung Quốc ít nhất có thể làm nên ít nhiều tiến triển trong thương mại toàn cầu. 

Liệu Hội nghị G20 năm nay có thể tạo ra động lực mới, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài? Ảnh: Reuters.

Trong khi Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Zhang Yuyan cho rằng để giải quyết vấn đề thương mại của toàn cầu, mỗi nước vẫn cần phải xử lý các vấn đề trong nước và làm thế nào để ngày càng nhiều người được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. 

Còn theo nhận định của tờ Indian Express, Hội nghị tại Hàng Châu có thể là ánh sáng cuối đường hầm tám năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, và cho rằng thành công của hội nghị phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các nước thành viên trong việc thực thi các chính sách và giải pháp được đề ra. 

Tại G20 năm nay, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ tập trung thảo luận bốn vấn đề lớn, gồm phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn.

Phát biểu trước thềm hội nghị, ngày 3-9, Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình kêu gọi các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần nhằm đến mục tiêu mang lại lợi ích tăng trưởng và phát triển cho tất cả các quốc gia cũng như người dân trên thế giới. 

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh G20 không chỉ thuộc về các nền kinh tế thành viên mà còn thuộc về toàn thế giới, “Đây là thông điệp chúng tôi mong muốn gửi tới cộng đồng thế giới”. 

Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ mong muốn tất cả người dân, đặc biệt những người sống tại các quốc gia đang phát triển sẽ được hưởng một cuộc sống tốt hơn mỗi ngày.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết các nước thành viên G20 đã nhất trí kết hợp các biện pháp chính sách bao gồm những cải cách tài chính, tiền tệ và tái cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 đã đạt sự đồng thuận trên và sẽ được trình lên các lãnh đạo G20 xem xét. 

Ông Chu Quang Diệu nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp cải cách cơ cấu và các chính sách tài chính, tiền tệ bởi tác dụng của việc nới lỏng chính sách tiền tệ không thể lâu dài, trong khi việc áp dụng các gói kích thích tài chính gặp trở ngại do mức nợ cao tại một số nước.

Theo quan chức trên, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương cũng nhất trí tăng cường đối thoại chính sách về thị trường hối đoái. Bên cạnh đó, vấn đề sản xuất công nghiệp dư thừa, chủ yếu do nhu cầu thế giới sụt giảm trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm là một thách thức toàn cầu đòi hỏi hành động phối hợp giữa các nước.

Tuy vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, việc tìm được tiếng nói chung và nhất trí được giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu không phải là bài toán dễ. 

Mỹ, nền kinh tế đầu tàu thế giới đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống với ứng cử viên Donald Trump gây nhiều tranh cãi, Liên minh châu Âu (EU) thì mới mất đi một trụ cột kinh tế sau sự kiện Brexit, cuộc khủng hoảng tị nạn từ hậu quả xung đột triền miên, các vụ tấn công khủng bố, kinh tế nhiều nước ở Mỹ Latinh sụt giảm, thậm chí suy thoái làm thế lực “cánh hữu” phục hồi, tranh chấp lãnh thổ làm gia tăng căng thẳng tại nhiều khu vực ảnh hưởng tới sự hợp tác kinh tế,… 

Tất cả đang làm gia tăng sự phân cực trong chính trị, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, thị trường hướng nội, cảm giác bất ổn, không an toàn, mâu thuẫn và xung đột về lợi ích,…. 

Trong khi đó, gần 8 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, những tác động từ cuộc khủng hoảng vẫn còn hết sức nặng nề. Nền kinh tế phục hồi kém, các hoạt động trao đổi xuyên biên giới về thương mại, đầu tư, kỹ thuật… giảm mạnh; chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân túy và xu hướng chống người di cư tăng lên. 

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm 2,4% trong năm 2015, thấp hơn nhiều so với con số 4,8% của năm 2011. 

Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục đón nhận những thông tin kém khả quan và đối mặt với nhiều rủi ro khi các nền kinh tế chủ chốt tiếp tục cho thấy những bất ổn. Hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay. Liên hợp quốc dự báo kinh tế thế giới năm 2016 chỉ tăng trưởng 2,4%.

Với những thách thức trên, thật không đơn giản để Hội nghị G20 năm nay có thể đưa ra một đáp án làm hài lòng “tất cả mọi người”. Tuy nhiên, các nước vẫn hy vọng hội nghị có thể tạo ra động lực mới, giúp kinh tế thế giới thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài.

Đảm bảo an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G20

Diễn ra trong bối cảnh tình hình chống khủng bố quốc tế và thách thức toàn cầu phức tạp, Trung Quốc đã chuẩn bị nghiêm ngặt, áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay. 

Thành phố Hàng Châu đã có sự chuẩn bị chu đáo cho an ninh của hội nghị, theo đó áp dụng biện pháp an ninh cấp độ cao nhất, xây dựng một phòng tuyến an toàn cho hội nghị. Trong thời gian diễn ra hội nghị, chính quyền thành phố sẽ áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tăng cường an ninh tại các khu vực trọng điểm. 

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan tăng cường chế độ đăng ký tên thật, chủ yếu trong các lĩnh vực như khách sạn, chuyển phát nhanh, truy cập internet. Ngoài ra, để tiện cho việc thực hiện các phương án dự phòng đột xuất, Hàng Châu đã thành lập các đội tuần tra. Công an Hàng Châu cũng đã thiết lập 172 trạm kiểm soát đường bộ, thực hiện “không có góc khuất đường bộ”. 

Ông Lý Vĩ, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố, thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc nhấn mạnh, để đảm bảo tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 an toàn và thuận lợi, công tác an ninh là tiền đề và cơ sở cơ bản nhất. 

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.