Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc trong bất đồng

Chủ Nhật, 16/11/2014, 10:14
Ngày 15/11, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) của thế giới đã tụ hội về thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queensland của Australia để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với chương trình nghị sự chính là việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine với những lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) – Mỹ nhằm vào Nga đã khiến hội nghị được mở màn bằng những cuộc tranh cãi chưa có hồi kết.

Nóng vấn đề Ukraine

Một trong những sự kiện được công luận trông chờ nhiều nhất trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 là cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là khi cả hai nhà lãnh đạo này được bắt gặp có thái độ khá lạnh lùng với nhau khi tham dự Hội nghị APEC tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên có lời cáo buộc khắc nghiệt nhất, đổ lỗi cho lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Tony Abbott trước khi tham dự Hội nghị APEC đã tuyên bố rằng, ông sẽ “chất vấn” Tổng thống Vladimir Putin về vấn đề này. Hôm 11/11, hai nhà lãnh đạo này đã có cuộc hội đàm kéo dài 15 phút với chủ đề máy bay MH17. Ông Tony Abbott đã đề nghị ông Vladimir Putin hành động theo “tiền lệ” Mỹ đã thiết lập năm 1988, tức là xin lỗi và bồi thường hậu quả do vô tình bắn rơi máy bay dân sự Iran. Lập luận mà Thủ tướng Australia đưa ra là “MH17 đã bị một tên lửa có bệ phóng của Nga bắn hạ”. Đáp lại, ông Vladimir Putin cho rằng “tất cả các thông tin liên quan ông đều đã cung cấp cho các cuộc điều tra độc lập cũng như các cuộc điều tra quốc tế”.

Chưa hết, hôm 14/11, tức 1 ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, Nga đã có “đòn phản công” lại những tuyên bố của Thủ tướng Australia bằng việc đưa ra bằng chứng là “hình ảnh vệ tinh” với cáo buộc rằng, máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một chiến đấu cơ. Đồng thời, khi trả lời phỏng vấn trên hãng thông tấn Itar-Tass, Tổng thống Nga cũng đã cáo buộc rằng, những biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine là đi ngược các nguyên tắc của G20, vi phạm luật pháp quốc tế. Thậm chí, ông Vladimir Putin còn “thẳng thừng tấn công Mỹ” bằng cáo buộc Washington đang phá hoại các thể chế thương mại bằng việc áp đặt lệnh trừng phạt vào Nga như đóng băng tài sản, cấm visa, ngăn các công ty của Nga tiếp cận thị trường tài chính và công nghệ phương Tây…

Australia huy động hơn 6.000 cảnh sát vũ trang tham gia bảo vệ an ninh Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AP

Giới quan sát nhận định, với những bất đồng sâu sắc đang hiện có giữa Nga, Mỹ và các nước phương Tây, dù nước chủ nhà có cố gắng đưa các chủ đề chính vào thảo luận như tăng cường việc làm, hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế, cải cách thể chế toàn cầu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thế giới… song cũng chưa thể nói là các nước sẽ đạt được đồng thuận nào. G20 đang vấp phải không chỉ mâu thuẫn lợi ích giữa các nước phát triển và các nước mới nổi mà còn bị kẹt trong lợi ích kinh tế gắn với xung đột chính trị. Do đó, cũng không ít người đã bày tỏ nghi ngờ về việc G20 sẽ đạt được tham vọng lớn là thực hiện gần 1.000 sáng kiến chính sách nhằm tăng GDP toàn cầu trong 5 năm tới thêm 2% (tương đương 2.000 tỷ USD) so với mức dự báo.

Và việc đảm bảo an ninh hội nghị

Diễn ra trong bối cảnh Australia đang đặt trong tình trạng báo động tấn công khủng bố nên vấn đề an ninh cũng đã trở thành chủ đề quan tâm của Hội nghị thượng đỉnh G20. Một số nhà lãnh đạo cho biết họ sẽ đưa vấn đề IS ra bởi lẽ, cuộc chiến chống IS trên toàn cầu và những tác động của nó tới an ninh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, danh sách các nước thuộc G20 đang bị IS đưa vào mục tiêu tấn công cũng không hề nhỏ. Ngay cả nước chủ nhà Australia cũng vậy.

Để chuẩn bị cho hội nghị lần này, Australia đã phải triển khai một chiến dịch an ninh thời bình lớn nhất từ trước đến nay với hơn 6.000 cảnh sát vũ trang cùng thiết bị an ninh công nghệ cao và các máy bay tiêm kích F/A18 Super Hornet. Bên cạnh đó, 900 binh sỹ thuộc Lực lượng Quốc phòng Australia được triển khai và 1.000 người khác được đặt trong tư thế sẵn sàng, chưa kể máy bay trực thăng giám sát an ninh và nhiều loại hình, phương tiện bảo đảm an ninh khác. Thống kê sơ bộ của Chính phủ Australia cho thấy nước này đã chi khoảng 100 triệu AUD cho công tác an ninh hội nghị, trong đó chủ yếu là đảm bảo an ninh cho lãnh đạo các nước có chương trình hoạt động trong dịp hội nghị. Nhiều khu vực cấm hoặc hạn chế đi lại đã được khoanh vùng tại Brisbane để ngăn chặn nguy cơ an ninh và phục vụ công tác đón đoàn. Australia cũng thiết lập một vùng cấm bay trong thời gian diễn ra hội nghị, lập trạm kiểm soát trên tuyến đường dẫn đến trung tâm hội nghị.

Hội doanh nhân người Việt tại Australia gửi thư kiến nghị Hội nghị G20 về vấn đề Biển Đông

Hôm 14/11, Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia (VBAA) đã có thư ngỏ gửi đến Hội nghị thượng đỉnh G20, nêu rõ hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và kiến nghị cộng đồng quốc tế phản đối.

Nội dung thư của VBAA nêu rõ, Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng tại nhiều đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông nhằm biến yêu sách chiếm gần hết khu vực này thành hiện thực. Việc làm này của Trung Quốc vi phạm các luật pháp và quy tắc quốc tế, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa đến hòa bình và ổn định ở khu vực.

VBAA đề nghị Australia với tư cách chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay nhấn mạnh mối quan tâm của nước này về đảm bảo tự do hàng hải và duy trì hòa bình ở Biển Đông, phản đối hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Đồng thời, VBAA cũng kiến nghị Australia thúc giục các nước G20 yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động khiêu khích ở khu vực này. Các bên liên quan cũng cần làm rõ yêu sách của mình, tuân thủ Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và DOC; tìm kiếm giải pháp hòa bình và pháp lý cho tranh chấp thông qua đối thoại. Theo Chủ tịch VBAA, thư ngỏ này cũng được gửi đến hơn 300 đại biểu đến từ nhiều nước tham dự hội nghị G20. Trước đó, VBAA đã tổ chức các hoạt động phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

A.Tuấn

Phan Hiển
.
.
.