Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20: Nóng vấn đề Syria

Thứ Năm, 05/09/2013, 09:33
Ngày 5/9, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint Petersburg (Nga) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức… Tổng thống Mỹ đã có mặt, khác với công bố trước đó.
>> Hội đồng Bảo an LHQ bất đồng về vấn đề Syria

Ngày 5/9, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint Petersburg (Nga) đã chính thức khai mạc với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia đến từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức… Tổng thống Mỹ đã có mặt, khác với công bố trước đó.

Theo tin từ Itar-Tass, từ chiều 4/9, các nguyên thủ quốc gia đã tới Nga mang theo nhiều kỳ vọng và đề xuất mới trong vấn đề kinh tế. Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau một thời gian cân nhắc, đặc biệt là sau việc chính quyền Moskva cho phép cựu nhân viên CIA tị nạn một năm, vẫn quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong cuộc gặp lần này với người đứng đầu Điện Kremlin, Tổng thống Mỹ sẽ đề cập đến trường hợp Edward Snowden và việc chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong một vụ tấn công căn cứ của lực lượng nổi dậy ở ngoại ô Thủ đô Damascus. Chính giới Washington đang hy vọng rằng, ông Barack Obama sẽ thuyết phục được ông Vladimir Putin thay đổi lập trường trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, vốn đang đối ngược với Mỹ hiện nay.

Tuy nhiên, xem ra Mỹ khó có thể thay đổi được quan điểm của Nga mặc dù trong cuộc họp báo sáng 4-9, Tổng thống Vladimir Putin vẫn hối thúc phương Tây đưa ra bằng chứng thuyết phục lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về cáo buộc tấn công vũ khí hóa học tại Syria và nói rằng, Moskva sẽ không loại trừ khả năng đồng thuận với một cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu nếu chính quyền Damascus tiến hành vụ tấn công này.

An ninh được tăng cường tại thành phố Saint Petersburg trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Đức Joachim Gauck đã thể hiện hy vọng một liên minh quốc tế sẽ được thành lập và thống nhất những hành động nhằm đối phó với tình hình Syria. Thậm chí, ông Francois Hollande còn kỳ vọng các cuộc thảo luận cấp cao về vấn đề Syria sẽ diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, theo đó tìm kiếm đồng thời một giải pháp chính trị và một liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Còn Thủ tướng Anh David Cameron, do vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ về kế hoạch tấn công Syria nên hành trang lớn nhất của ông khi tới Nga chỉ là thúc đẩy Moskva cùng các nước khác ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria… Trước những động thái khá gay gắt từ lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây, trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo, một cuộc tấn công quân sự vào Syria trước khi có kết quả điều tra từ LHQ có thể làm tồi tệ thêm tình hình xung đột tại quốc gia này.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng, các bên cần cẩn trọng và cân nhắc ảnh hưởng của bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu, tạo thuận lợi cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và rằng mọi vấn đề nên được giải quyết trong khuôn khổ Hiến chương LHQ.

Rõ ràng, mặc dù không phải là chương trình nghị sự chính của hội nghị, song tình hình Syria đã làm nóng hội trường ở Saint Petersburg. Ngoài vấn đề này, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cùng tập trung bàn thảo về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chống gian lận thuế, giải quyết tình trạng thất nghiệp tăng cao.

Thủ tướng Canada Stephen Harper cho rằng, dù tình hình Syria đang diễn ra hết sức khó lường thì kinh tế vẫn nên là vấn đề ưu tiên hàng đầu tại G20 bởi cả thế giới đang dõi theo và hy vọng các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới sẽ đưa ra được một khuôn khổ cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm bền vững trên quy mô toàn cầu.

Dựa vào kết quả Hội nghị cấp Bộ trưởng G20 hồi tháng 7 vừa qua, hãng Itar-Tass cho hay, các nguyên thủ quốc gia G20 sẽ sớm thông qua việc duy trì điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi để tạo việc làm, khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tập trung nỗ lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chống lại hoạt động manh mún trên thị trường lao động cũng như hạn chế mức độ bất bình đẳng về mặt xã hội.

Đặc biệt, biện pháp chống trốn thuế sẽ được thông qua ở mức độ hợp tác đa quốc gia như đã được kêu gọi trong Tuyên bố chung tại Hội nghị G20 hồi tháng 4 vừa qua tại Washington D.C (Mỹ) để tiến tới tăng cường sự minh bạch, "phanh phui" những thủ thuật mà các công ty đa quốc gia đã sử dụng để giảm thiểu hóa đơn thuế…                

Thượng viện Mỹ xem xét dự thảo đánh Syria trong 60 ngày

Tin từ hãng AP cho hay, ngày 4/9 (theo giờ Mỹ), Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ biểu quyết về dự thảo nghị quyết giới hạn đánh Syria trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày), đồng thời không dùng lực lượng bộ binh trên Syria. Nếu được thông qua, nó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Thượng viện sau khi các thành viên nhóm họp trở lại vào ngày 9/9.

Dự thảo nghị quyết được soạn thảo bởi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Robert Menendez và Thượng nghị sĩ Bob Corker. Trong khi đó, tại Syria, 50 binh lính đầu tiên thuộc phe nổi dậy do các chuyên gia của CIA đào tạo bài bản đã bí mật trở về vùng chiến sự Syria, sẵn sàng chiến đấu chống lại quân đội chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Huyền Chi
.
.
.