Thú cưng có lây nhiễm COVID-19 được không?

Thứ Ba, 03/03/2020, 14:38

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang lây nhiễm trên thế giới, nhiều câu hỏi đặt ra cho việc liệu thú cưng, “những người bạn nhỏ” của con người, có thể bị nhiễm virus này hay không.

Ảnh minh họa Getty Images. 

Các chuyên gia cho rằng, gần như chắc chắn là không.

Cuối tuần trước, Cơ quan Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Bảo tồn của Hong Kong (AFCD) cho biết các mẫu từ khoang mũi và miệng của một chú chó đã cho kết quả “dương tính nhẹ” với virus Corona. Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới mà trong đó, chó cũng cho kết quả dương tính với virus này. Chú chó này không có triệu chứng nào liên quan đến COVID-19, đã được đưa vào cách ly và sẽ được kiểm tra nhiều lần cho đến khi kết quả trở lại âm tính. Sau đó, AFCD cho biết  rằng thú cưng của những người bị nhiễm virus Corona phải cách ly trong 14 ngày.

Vậy tại sao chú chó trên lại cho kết quả xét nghiệm dương tính?

Chúng ta đều biết, virus Corona có thể tồn tại trên các bề mặt hay vật thể, mặc dù các nhà nghiên cứu không biết chính xác loại virus này có thể tồn tại trong bao lâu.

Đây là một mối lo ngại ở Trung Quốc đại lục khi Ngân hàng Trung ương đã phải làm sạch kỹ lưỡng và phá hủy mọi loại tiền có khả năng bị nhiễm.

Tương tự như vậy, virus có thể có trên mặt của một chú chó hay mèo, mặc dù chó hay mèo không thực sự nhiễm virus. AFCD đang làm các xét nghiệm để xác định liệu chú chó trên có thực sự bị nhiễm virus hay không.

Sheila McClelland, người sáng lập Tổ chức từ thiện bảo vệ động vật suốt đời (LAP) có trụ sở tại Hong Kong, cho biết, các bằng chứng hiện tại cho thấy rằng “chó không có nguy cơ lây lan (virus) nhiều hơn các vật vô tri như tay nắm cửa”. McClelland cho biết chưa có trường hợp nào xác nhận mèo hay chó mắc bệnh ở bất cứ đâu trên thế giới và không có nghiên cứu nào được công bố cho thấy xét nghiệm virus Corona ở chó.

Thú cưng có lây nhiễm virus Corona cho chủ được không?

Có nhiều lo ngại rằng virus có thể lây sang vật nuôi trong thời kỳ dịch SARS năm 2003, khiến hơn 280 người thiệt mạng ở Hong Kong. Các chuyên gia cho biết, cả SARS và COVID-19 đều có khả năng bắt nguồn từ dơi.

Chó và mèo có khả năng nhiễm chủng nào đó của virus Corona, nhưng những chủng này hoàn toàn không giống với chủng của đợt bùng phát hiện nay. Những chủng này là loại hoàn toàn khác, không gây ra vấn đề về hô hấp, theo Jane Gray, bác sĩ thú y của SPCA tại Hong Kong cho biết. Năm 2003, các nhà khoa học cho biết khả năng mắc SARS, cũng do một chủng của virus Corona, từ một chú mèo mà bạn nuôi là rất thấp.

Bác sĩ Gray cũng từng làm việc tại Hong Kong vào thời kỳ SARS bùng phát, cho biết, virus này được tìm thấy ở một số ít mèo, nhưng không có bằng chứng cho thấy là có thể truyền sang cho người.

Ảnh minh họa Getty Images. 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cách lây lan chính là từ người sang người, khi khoảng cách không lớn hoặc từ những giọt dịch của hô hấp khi người nhiễm bệnh ho và hắt hơi.

Có nên cách ly thú cưng?

Theo Gray, nên cách ly vật nuôi nếu xét từ góc độ khoa học, bởi vì điều này cho phép các nhà khoa học quan sát cách một vật nuôi liên quan đến một căn bệnh mà chúng ta vẫn biết tương đối ít. “Mặc dù có vẻ hơi đáng sợ, nhưng đây hoàn toàn là một biện pháp phòng ngừa và chắc chắn không có gì khiến những người nuôi thú cưng nói chung phải quan tâm”, Gray nói.

Một số chủ sở hữu thú cưng ở Trung Quốc đại lục đã trang bị cho những người bạn nhỏ của họ những chiếc mặt nạ nhỏ xíu, nhưng Gray cho biết điều đó không có lợi gì, mà thực tế, có thể khiến thú cưng đau khổ và hoảng sợ.

Thay vào đó, các chủ thú cưng nên tuân theo một điều cơ bản: Giữ vệ sinh. Cả chuyên gia của WHO và Gray đều cho biết chủ sở hữu nên rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào vật nuôi.

Đối với các bác sĩ thú y và các chuyên gia về quyền động vật, có một vấn đề lớn hơn sự lây lan tiềm tàng của virus sang vật nuôi, đó là sự lây lan của nỗi sợ hãi. Sau thông báo rằng chú chó Hong Kong đã xét nghiệm dương tính với virus, Tổ chức LAP đã viết thư gửi lên chính quyền, cho rằng thông báo của họ gây ra “sự hoảng loạn khủng khiếp”.

McClelland, người sáng lập LAP, cho biết cô đã liên lạc với rất nhiều người, trong đó, có người  lo lắng rằng thú cưng của họ sẽ bị buộc phải cách ly.

“Trong tình trạng hoảng loạn, mọi người có thể bỏ rơi hoặc giết chết thú cưng của họ”, cô nói. “Những người khác có thể kỳ thị những người có chó. Chủ chó có thể phải đối mặt với những vấn đề vô lý khi chỉ đơn giản là dắt thú cưng ra ngoài trời, hoặc hàng xóm có thể gây rắc rối mà không có lý do”.

Tại Vũ Hán, trung tâm của dịch COVID-19, thành phố bị đóng cửa trong hơn một tháng, thú cưng đã bị nhốt trong các căn hộ một mình trong khi chủ của chúng bị mắc kẹt bên ngoài thành phố. Tình nguyện viên từ Hiệp hội bảo vệ động vật nhỏ Vũ Hán cho biết họ đã giải cứu hàng trăm thú cưng bị bỏ lại trong các căn hộ.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.