Thái tử Saudi "trấn an" dư luận về vụ nhà báo mất tích
Thái tử quyền lực của Saudi Arabia Mohammed bin Salman ngày 24-10 đã tuyến bố rằng những kẻ đã sát hại nhà báo Jamal Khashoggi sẽ bị trừng trị trước pháp luật, đây là tuyên bố công khai đầu tiên của Thái tử liên quan đến vụ việc gây tranh cãi cộng đồng quốc tế này.
Thái tử Saudi tại hội nghị đầu tư tại Riyadh. Ảnh Reuters. |
Thái tử Saudi đã nhấn mạnh với các nhà đầu tư tham dự một hội nghị lớn tại thủ đô Riyadh rằng dù sự việc liên quan đến vụ giết nhà báo Khashoggi có khốc liệt cũng không thể làm xáo trộn động lực cải cách của vương quốc này.
Nhận định của Thái tử được đưa ra một vài giờ sau khi tờ Wall Street Journal trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng “người kế nhiệm ngai vàng” của Saudi Arabia có thể là người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạt động dẫn đến cái chết của Khashoggi.
“Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới rằng hai chính phủ (Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ) đang cộng tác để trừng trị bất kỳ tên tội phạm và thủ phạm nào của vụ việc và cuối cùng thì công lý sẽ thắng,” Thái tử Mohammed tuyên bố trong tràng pháo tay tại hội nghị.
Thái tử Mohammed cho biết Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác để “đạt được kết quả” trong cuộc điều tra chung này và miêu tả sự hợp tác giữa hai nước là “đặc biệt”, bất chấp những lời chỉ trích từ Ankara.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc nói chuyện với Thái tử Mohammed vào ngày 24-10 để thảo luận về các nước cần thiết để đưa ra ánh sáng tất cả các khía cạnh của vụ Khashoggi.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã chịu không ít áp lực sau cái chết của nhà báo Khashoggi. Sự việc này đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ của Riyadh với phương Tây và dẫn đến việc hàng chục chính trị gia phương Tây, lãnh đạo các ngân hàng và nhiều tập đoàn quốc tế tẩy chay hội nghị khai mạc ở Riyadh hôm 23-10.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Vua Salman của Saudi hôm 24-10, và cho biết Paris có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với những người có trách nhiệm trong vụ việc này, điện Elysee echo biết.
Tuy vậy, Pháp trước giờ vẫn khá kín tiếng, bởi dường như Paris đang cố gắng giữ lại ảnh hưởng của nó đối với Riyadh, bảo vệ quan hệ thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và cả mua bán vũ khí. Từ năm 2008 đến 2017, Saudi Arabia là bạn hàng lớn thứ hai của mặt hàng vũ khí của Pháp, với giá trị các hợp đồng lên đến 12,7 tỷ USD và 1,7 tỷ USD chỉ tính riêng năm ngoái.
Ban đầu Saudi Arabia phủ nhận tất cả các cáo buộc có liên quan đến sự biến mất của Khashoggi. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bác bỏ tất cả các nỗ lực của Saudi trong việc chối bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho các “hành động ngoài mong muốn” và kêu gọi vương quốc này tìm ra tất cả những người phải chịu trách nhiệm.