Phóng viên quốc tế tác nghiệp tại Việt Nam: Câu chuyện sau những dòng tin

Thứ Ba, 26/02/2019, 06:38

Thủ đô Hà Nội đang bước vào những ngày náo nhiệt một cách đặc biệt, khi chỉ còn chưa đầy 48 tiếng đồng hồ nữa, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ chính thức bắt đầu. Tại một số khách sạn lớn và khu vực ngoại giao, hàng chục máy ảnh, chân máy quay luôn được dựng sẵn. Những người đứng sau ống kính ấy, họ là ai?

Các phóng viên tác nghiệp không rời vị trí dù nửa phút.

Giống như chúng tôi, họ là những phóng viên nhiệt huyết từ khắp mọi nơi trên thế giới đổ về thủ đô Hà Nội để đưa tin về cuộc gặp quan trọng này. Phía sau mỗi dòng tin, mỗi khung hình lên sóng là những câu chuyện khác nhau về chính những phóng viên đang ngày đêm tác nghiệp để có được những tin tức nóng hổi nhất đưa đến độc giả toàn cầu.

Không rời nửa phút

Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao, gần 3.000 phóng viên nước ngoài và 550 phóng viên Việt Nam đã đăng ký tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội. Số lượng phóng viên tới Hà Nội lần này còn đông hơn cả số phóng viên tham gia đưa tin Tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017. Quả thực, trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi số lượng phóng viên hùng hậu đến từ các hãng thông tấn, truyền thông nổi tiếng như Yonhap, AP, NHK, SBS, DPA... luôn sẵn sàng túc trực ở các địa điểm quan trọng. Tại khách sạn Melia, một trong những địa điểm được đồn đoán là nơi nghỉ ngơi của phái đoàn CHDCND Triều Tiên, một loạt máy quay từ các hãng thông tấn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản luôn được dựng sẵn bất kể ngày đêm. Câu nói được nghe thấy nhiều nhất tại khu vực phóng viên tác nghiệp không phải là "phái đoàn", "Tổng thống" hay "Chủ tịch", mà là "đổi lịch trình" (schedule change). 

Trao đổi với phóng viên báo CAND, anh Kim Tae Hwan, thành viên đoàn tác nghiệp của đài MBC, Hàn Quốc tiết lộ, mặc dù đã có một kế hoạch làm việc tổng thể được lên từ trước, nhưng lịch trình tác nghiệp của phóng viên MBC "luôn luôn bị xáo trộn". "Nếu phái đoàn Triều Tiên di chuyển đến đâu, chúng tôi sẽ phải ngay lập tức rời đi theo họ và chờ đợi ở đó", anh Hwan nói. 

Còn đối với Yonhap News TV, những quay phim thuộc đội ngũ đưa tin xác định luôn trong tình trạng "dốc tận lực" (all-in), sẵn sàng cắm chốt tại mọi địa điểm. Theo anh Eun Sung Lee, quay phim của Yonhap, đội ngũ phóng viên tác nghiệp của hãng được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu phụ trách đưa tin chuẩn bị cho hội nghị đã đến Hà Nội từ ngày 16-2. Nhóm thứ 2 có mặt tại thủ đô từ 24-2 sau khi nhóm 1 rời đi và sẽ tác nghiệp tại đây cho đến khi hội nghị kết thúc.

Cập nhật mọi thông tin

Vừa hạ cánh tại sân bay Nội Bài đêm 24-2, Steffen Schwarzkopf, phóng viên của kênh truyền hình Welt Channel, Đức cùng ekip đã vội vã di chuyển đến khách sạn Melia để kịp thời tham gia "cuộc chạy đua" tin tức. Giữa hàng trăm phóng viên Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, sự xuất hiện của Steffen không khỏi khiến tôi tò mò về lý do vì sao một hãng truyền hình Đức lại đặc biệt quan tâm tới sự kiện này. 

"Lý do chúng tôi đến đây không chỉ là để theo sát tiến trình của thượng đỉnh, mà quan trọng hơn, chúng tôi muốn ghi lại những gì đang diễn ra xung quanh hội nghị này, từ công tác đảm bảo an ninh, đến cảm nhận của người dân bản địa và sự chuẩn bị của chính thành phố này. Và tất nhiên, trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh thực sự diễn ra, chúng tôi sẽ theo dõi thật kỹ từng động thái của 2 nhà lãnh đạo", anh Schwarzkopf nói.

Rời Melia, chúng tôi đến khách sạn JW Marriott để tác nghiệp, mặc dù đang là giữa trưa nhưng đối diện cổng chính của khách sạn, một nhóm phóng viên đài SBS vẫn đang cầm chắc tay máy để chờ đợi đoàn xe tùy tùng của phái đoàn Mỹ chở trang thiết bị đi qua. Một phóng viên thuộc đài SBS chia sẻ chân tình khi đang ăn vội một ổ bánh mì rằng: "Ai cũng muốn chụp lại những khoảnh khắc quan trọng trước hội nghị. Dù đó là hành động gì chăng nữa, chúng tôi không thể bỏ qua". 

Còn với đài MBC, để đảm bảo không bỏ lọt bất cứ tin tức quan trọng nào, anh Tae Hwan cho biết, MBC đã cử trên 50 nhân viên sang Việt Nam, chia làm nhiều nhóm nhỏ phụ trách các mảng tin khác nhau. Nhóm anh chịu trách nhiệm liên tục cập nhật việc di chuyển và sự xuất hiện của các thành viên trong phái đoàn Mỹ và Triều Tiên, nhất là phái đoàn Triều Tiên, bởi đây là vấn đề mà người dân Hàn Quốc rất quan tâm.

Ghi lại mọi hình ảnh dù chỉ là chi tiết nhỏ hay khoảnh khắc. 

Nước chủ nhà là "bạn đồng hành"

Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi, Steffen kể cho tôi nghe cảm nhận của anh về thành phố vì hòa bình. Steffen từng đến Hà Nội cách đây 15 năm với tư cách một khách du lịch, và giờ anh trở lại với tư cách một phóng viên. Dù hóm hỉnh đùa với tôi rằng "Hồ Gươm thì vẫn đẹp như xưa", nhưng điều khiến Steffen ấn tượng nhất chính là khâu tiếp đón nồng hậu của nước chủ nhà. Anh tiết lộ, trước đây, việc tác nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối khó khăn đối với phóng viên nước ngoài, nhất là khi mang theo nhiều thiết bị máy quay, ghi âm, do các yêu cầu kiểm tra và đăng ký nghiêm ngặt. 

Tuy nhiên, đối với thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, anh và đồng sự không gặp bất cứ trở ngại nào trong khâu đăng ký, nhập cảnh và tác nghiệp tại trung tâm báo chí quốc tế. "Mặc dù tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị và mới hạ cánh vào tối qua, nhưng tôi nhận thấy Việt Nam, cụ thể là Hà Nội, đã chuẩn bị rất tốt cho sự kiện này, từ truyền thông, đăng ký tác nghiệp, đưa tin trong thành phố... đến hỗ trợ phóng viên", anh chia sẻ.

Trước khi tạm biệt nhóm phóng viên tại Melia, chúng tôi đã hỏi họ rằng: "Các anh phải đứng hàng tiếng đồng hồ, rồi lại di chuyển, rồi lại đứng. Các anh có mệt không?". "Mệt!", Tae-Hwan, người luôn nhiệt tình nói chuyện với chúng tôi lên tiếng. "Nhưng đó là công việc mà, chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát sự kiện", anh nói. 

Khi được chúng tôi bật mí rằng sẽ có xe buýt 2 tầng miễn phí phục vụ các phóng viên, Tae Hwan không khỏi bất ngờ và ngại ngùng nói do quá tập trung vào việc đưa tin nên anh chưa rõ hết tới những hỗ trợ thiết thực này. Tạm biệt những người bạn mới quen, chúng tôi gửi lại họ lời nhắn mà Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nói tại cuộc họp báo quốc tế diễn ra sáng 25-2: "Trong những ngày các bạn đến Việt Nam tác nghiệp dịp này, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ là người nhà của các bạn". Trong tiết trời se se của ngày đầu xuân, giữa tiếng xe cộ ồn ào, đâu đó trong nhóm phóng viên bên ngoài khách sạn Melia vang lên tiếng cười và câu nói "Thank you" đầy chân thành.

An Nhiên - Duy Tiến
.
.
.