Ông Trump nói "hớ", Phó Chủ tịch Huawei thoát dẫn độ
- Giám đốc tài chính Huawei lần đầu lên tiếng sau khi được tại ngoại
- Hệ lụy từ vụ bắt Giám đốc tài chính Huawei
- Tổng thống Mỹ sẽ can thiệp vào vụ Huawei nếu cần thiết
Toà án Canada ngày 11-12 chấp thuận cho bà Mạnh Vãn Chu tại ngoại sau khi nộp đủ 7.5 triệu USD. Phán quyết đưa ra trong bối cảnh bà Mạnh đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ và chịu án tù 30 năm ở Mỹ vì bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington, theo Reuters.
Nữ Phó Chủ tịch Huawei bị Canada bắt theo lệnh Mỹ. Ảnh: Reuters |
Ngay sau phán quyết từ Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông có thể can thiệp vào vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào bà Mạnh nếu cảm thấy điều đó giúp thúc đẩy thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố đòi can thiệp của ông Trump có thể trở thành điểm yếu, biến việc Canada bắt giữ bà Mạnh có màu chính trị, khiến các thẩm phán Canada khó hơn trong việc chấp thuận dẫn độ bà này sang Mỹ.
“Ông ấy (Tổng thống Trump) đã tạo cho các luật sư của bà Mạnh Vãn Chu cơ hội để lập luận rằng vụ khởi tố nhằm vào bà ấy đã bị chính trị hóa và quy trình dẫn độ sẽ bị chấm dứt”, Robert Currie, một giáo sư về luật quốc tế tại Đại học Dalhousie nhận định.
Canada ngày 6-12 xác nhận Giám đốc tài chính, Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã bị bắt theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran.
Các công tố viên Mỹ cáo buộc bà Mạnh lừa đảo nhiều ngân hàng đa quốc gia về các giao dịch liên quan đến Iran, khiến các ngân hàng đó có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà Mạnh đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc.
Bà này bị bắt tại thành phố Vancouver khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina, dấy lên lo ngại vụ bắt giữ nữ doanh nhân này có thể phá hỏng cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Canada nhiều lần khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp.