Tân Tổng thống Mỹ kêu gọi đoàn kết đất nước, cải thiện quan hệ với đồng minh

Thứ Tư, 20/01/2021, 20:47
Hôm nay (20/1) Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden nhậm chức. Người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Donald Trump chính thức rời Nhà Trắng, kết thúc nhiệm kỳ.


 Lễ nhậm chức của ông Biden. Video: Sputnik

0h35: Lễ nhậm chức chính thức kết thúc

Lễ nhậm chức của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris vừa kết thúc. 

Sau lễ nhậm chức sẽ có một cuộc diễu hành. Ông Biden và bà Harris sẽ đi cùng một đoàn hộ tống từ Đường 15 đến Nhà Trắng. 

Ông Biden là Phó Tổng thống thứ 15 của Mỹ trở thành tổng thống

Trước đó, 8 phó tổng thống được “thăng chức” vì Tổng thống tại vị qua đời. 6 phó tổng thống được bầu vào chức vụ tổng thống và một phó tổng thống “thăng chức” vì tổng thống tại vị từ chức.

Ông Gerald R. Ford là người duy nhất vừa giữ chức vụ tổng thống vừa là phó tổng thống dù chưa từng được bầu vào một trong hai chức vụ.

0h20: “Cải thiện các liên minh và gắn kết với thế giới một lần nữa”

Tổng thống Joe Biden đã gửi thông điệp tới toàn thế giới về Mỹ.

“Đây là thông điệp của tôi gửi đến những người bên ngoài biên giới Mỹ. Nước Mỹ đã được thử thách và chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn vì điều đó. Chúng tôi sẽ cải thiện các liên minh và gắn kết với thế giới một lần nữa”, ông nói và cam kết sẽ thay đổi các chính sách cô lập của người tiền nhiệm.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đăng tải trên Twitter chúc mừng chính quyền mới và bày tỏ sự lạc quan về mối quan hệ với Mỹ trong tương lai. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden. 

0h15: Cam kết trở thành một Tổng thống “của tất cả người Mỹ”

Ông Joe Biden cam kết trở thành một “Tổng thống của tất cả người Mỹ”, kể cả những người không ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông.

“Tôi sẽ chiến đấu hết mình cho những người ủng hộ và không ủng hộ tôi”, ông Biden nói.

“Đối với tất cả những người đã ủng hộ chiến dịch của chúng tôi, tôi rất cảm kích trước niềm tin mà các bạn đã đặt vào chúng tôi. Đối với tất cả những người không ủng hộ, hãy để tôi nói điều này. Hãy lắng nghe tôi khi chúng ta cùng tiến lên phía trước. Hãy đánh giá tôi và trái tim của tôi. Nếu bạn vẫn không đồng ý, không sao cả. Đó là dân chủ. Đó là nước Mỹ. Quyền bất đồng chính kiến một cách hòa bình trong giới hạn bảo vệ của nền cộng hòa của chúng ta có lẽ là sức mạnh lớn nhất của quốc gia này. Bất đồng không được dẫn đến bất hòa. Và tôi cam kết điều này với các bạn. Tôi sẽ là tổng thống của tất cả người Mỹ. Tất cả người Mỹ. Và tôi hứa với các bạn, tôi sẽ chiến đấu hết mình vì cả những người đã không ủng hộ và ủng hộ tôi”.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden lưu ý rằng nước Mỹ vẫn còn nhiều điều “phải sửa chữa, khôi phục, chữa lành, khôi phục và nhiều thứ phải đạt được”.

Trong bối cảnh số người thiệt mang vì COVID-19 ở Mỹ vượt qua con số 400.000 trong tuần này, ông Biden lưu ý rằng đây là một trong những thời điểm khó khăn và thách thức nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nói cụ thể về đại dịch COVID-19, ông Biden đề cập đến một “loại virus đã từng xảy ra trong thế kỷ, âm thầm rình rập đất nước. Căn bệnh giết chết số người Mỹ tương đương với thời kỳ Thế chiến thứ hai chỉ trong một năm”...

0h10: Tổng thống Biden: Dành toàn bộ tâm trí cho đoàn kết nước Mỹ

Sau khi tuyên thệ, ông Biden nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đoàn kết đất nước, cho biết ông dành “toàn bộ tâm trí cho việc này”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh Getty Images. 

 “Hôm nay, một ngày tháng Giêng, cả tâm trí tôi hướng về điều này: Đoàn kết nước Mỹ, đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc chúng ta”.

Tổng thống Mỹ thứ 46 kêu gọi người dân Mỹ cùng nhau vượt qua những thách thức mà đất nước phải đối mặt - một ý tưởng mà ông thường đề cập trong chiến dịch tranh cử.

“Để vượt qua những thách thức này, để khôi phục tâm hồn và đảm bảo tương lai của nước Mỹ đòi hỏi nhiều hơn lời nói…”, ông Biden nhấn mạnh.

“Đoàn kết để chống lại kẻ thù mà chúng ta phải đối mặt. Tức giận, phẫn uất và hận thù, cực đoan, vô luật pháp, bạo lực, bệnh tật, thất nghiệp và vô vọng. Với sự đoàn kết, chúng ta có thể làm được những điều lớn lao, những điều quan trọng”, ông nói thêm.

0h00 (21/1): Nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh rằng Ngày nhậm chức này chính là dịp “nguyện vọng người dân được lắng nghe”

“Hôm nay, chúng ta ăn mừng chiến thắng, không phải của một ứng cử viên, mà là một quá trình – quá trình của nền dân chủ. Nguyện vọng của người dân đã được lắng nghe và được chú ý. Chúng ta đã học lại một lần nữa rằng nền dân chủ rất quý giá . Nền dân chủ rất mong manh. Và vào giờ này, các bạn của tôi, dân chủ đã thắng thế”, ông Biden nhấn mạnh.

23h50: Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden bắt đầu tuyên thệ

Ông Biden để tay lên cuốn Kinh thánh và tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46. Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts là người chứng kiến. 

Ông Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ảnh Getty Images. 

23h45: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức

Bà Kamala Harris đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ, trở thành vị nữ Phó Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên của "xứ sở cờ hoa".

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: CNN

23h40: Quốc ca Mỹ vang lên trong lễ nhậm chức

Nữ ca sĩ Lady Gaga, người từng dành nhiều giải tưởng uy tín trong đó có cả Grammy và Oscar, là người thể hiện Quốc ca của Mỹ. 

Cô từng trình diễn Quốc ca Mỹ trong chung kết giải bóng NFL Mỹ năm 2016 và nhận được vô vàn lời tán thưởng. Cô được xem là một trong những ngôi sao có quan hệ tốt với ông Biden. 

Lady Gaga biểu diễn trong lễ nhậm chức của ông Biden. 

23h30: Ông Biden và Phó Tổng thống Mỹ sẽ tuyên thệ cùng vật gì?

Theo CNN, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ khi đặt tay lên cuốn Kinh thánh của gia đình ông. Cuốn Kinh thánh dày 13cm, có hình thánh giá Celtic trên bìa và đã  xuất hiện trong gia đình Biden từ năm 1893.

Ông Biden đã sử dụng cuốn Kinh thánh khi ông tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống dưới thời Obama và tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ từ năm 1973. 

Bà Kamala Harris dự kiến ​​sẽ tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ cùng hai cuốn Kinh thánh: một cuốn từng thuộc về người hàng xóm và là bạn gia đình cũ của Harris tên Regina Shelton; cuốn còn lại thuộc về Thurgood Marshall, người Mỹ gốc Phi đầu tiên phục vụ tại Tòa án Tối cao, theo CNN.

Bà Harris trong bộ váy màu xanh bước cùng chồng tới khu vực làm lễ nhậm chức. Ảnh: CNN

Bà Harris đã mô tả Shelton như một người mẹ thứ hai đối với cô. Cô và em gái Maya thường đến thăm nhà Shelton sau giờ học trong khi mẹ của họ, Shyamala Gopalan, nghiên cứu phương pháp điều trị cho những người bị ung thư.

Bà Harris đã sử dụng Kinh thánh của Shelton để tuyên thệ nhậm chức tổng chưởng lý bang California và cả khi bà trở thành Thượng nghị sĩ.

23h20: Ông Biden sắp tuyên thệ nhậm chức

Ông Biden đã tới bục nhậm chức. 

Cùng thời điểm, người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Donald Trump đã hạ cánh ở Florida.

Tại Washington D.C., các nghị sĩ và các khách mời quan trọng đã bắt đầu vào vị trí ghế ngồi tại Điện Capitol để chuẩn bị dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, gồm cả ba vị cựu Tổng thống là các ông Barack Obama, Bill Clinton và George W. Bush cùng các phu nhân. 

Các vị khách có mặt ở Đồi Capitol cùng khẩu trang do ảnh hưởng của COVID-19. Ảnh: CNN

Trong khuôn khổ buổi lễ, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts sẽ chứng nhận màn tuyên thệ của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử cùng phu quân/phu nhân đi vào Điện Capitol. Ảnh Getty Images.

Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ trước sự chứng kiến của Thẩm phán Sonia Sotomayorm.

22h40: Những quan chức đầu tiên có mặt tại khu vực Điện Capitol

Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử cùng phu nhân/phu quân đi vào Điện Capitol. Ảnh Getty Images. 
Phó Tổng thống Mike Pence và phu nhân xuất hiện gần Đồi Capitol. Ảnh: CNN

22h30: Tổng thống đắc cử Joe Biden đến Điện Capitol 

Đoàn xe của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã đến Điện Capitol trước lễ nhậm chức của ông. Các nhà lãnh đạo Quốc hội dự kiến sẽ chào đón ông khi ông vào Điện Capitol.

Ông Biden dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức bên ngoài tòa nhà trong chưa đầy 2 tiếng nữa.

Ông Biden và bà Harris. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ được hộ tống tới lễ nhậm chức bởi Eugene Goodman, cảnh sát khu vực Điện Capitol, người đã trở thành tấm gương trong cuộc đối đầu chống lại những người biểu tình quá khích hôm 6/1.

22h00: Ông Obama chúc mừng ông Biden

"Chúc mừng bạn tôi, Tổng thống Joe Biden! Bây giờ chính là thời khắc của bạn", ông Obama viết trên Twitter kèm ảnh hai người. Ông Biden từng là Phó Tổng thống Mỹ 8 năm dưới thời ông Obama.

Bài đăng trên Twitter của ông Obama. Ảnh chụp màn hình

21h40: Cựu Tổng thống Bush đến Điện Capitol

Guardian cho biết ông George W. Bush và vợ Laura vừa đến Điện Capitol để chuẩn bị dự lễ tuyên thệ của ông Biden. Hai ông bà đeo khẩu trang, vẫy tay chào phóng viên trước khi bước vào.

Ba vị Tổng thống dự kiến có mặt tại lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: ITN

Hai vị Tổng thống khác thông báo tham dự buổi lễ là ông Bill Clinton và ông Barack Obama. Do Tổng thống Trump đã rời Washington D.C., ông Bush trở thành Tổng thống đảng Cộng hòa duy nhất hiện diện ở lễ nhậm chức.

21h25: Ông Biden: Đây là một ngày mới của nước Mỹ!

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã vừa gửi dòng tweet đầu tiên trên trang Twitter cá nhân về ngày nhậm chức, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng. "Đây là một ngày mới của nước Mỹ", ông Biden viết. 

Dòng tweet của ông Biden được hàng trăm ngàn lượt yêu thích sau vài phút. Ảnh chụp màn hình

21h20: Bà Melania Trump để lại lời chào mừng cho Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden

Theo CNN, bà Melania Trump đã để lại "lời chào mừng ngắn gọn" cho bà Jill Biden. Không rõ nó được để lại ở vị trí nào và nội dung của nó. CNN trước đó cho hay Tổng thống Trump cũng để lại lời nhắn cho người kế nhiệm Joe Biden.

21h10:Tổng thống đắc cử Joe Biden đến nhà thờ

Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden và Đệ nhất phu nhân tương lai Jill Biden đã tới Nhà thờ Thánh Matthew ở Washington D.C. trước khi nhậm chức. Cùng đi với họ là Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris và chồng của bà, ông Douglas Emhoff.

Ông Biden và bà Jill tại nhà thờ. Ảnh: CNN

Theo lời mời của ông Biden, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe Dân chủ Chuck Schumer; cùng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy đã đi cùng tới nhà thờ.

21h00: Ông Trump để lại lời nhắn cho ông Biden

Theo CNN, ông Trump đã để lại lời nhắn cho người kế nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng, song nội dung lời nhắn chưa được công bố.

CNN cho biết, các vị Tổng thống Mỹ trước khi rời nhiệm sở thường để lại cho người kế nhiệm một lá thư gửi lời chúc và lời khuyên tốt nhất. Lá thư thường được để trên Bàn Kiên quyết để vị Tổng thống mới đọc trong lần đầu tiên bước vào Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng.

20h50: Ông Trump và gia đình lên chuyên cơ về Florida

Sau bài phát biểu ngắn gọn trước đám đông ủng hộ ở căn cứ Andrews, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania bước lên chuyên cơ Air Force One để trở về Florida. "Chúc các bạn có một cuộc sống tốt đẹp, chúng tôi sẽ sớm gặp lại các bạn", ông nói.

Các con và cháu của ông Trump xuất hiện ở căn cứ Andrews. Ảnh: Reuters

Theo CNN, Air Force One dự kiến hạ cánh ở Florida trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức. Ông Trump trước đó thông báo sẽ không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

Ông Trump và bà Melania vẫy tay chào trước khi bước vào chuyên cơ. Ảnh: CNN

20h40: Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng, chấm dứt nhiệm kỳ

Khoảng 8h sáng (20h, giờ Hà Nội), ông Trump và gia đình bắt đầu rời Nhà Trắng trên trực thăng Marine One.

Ngay khi bay lên không trung, trực thăng đã đưa vợ chồng ông Trump và một số quan chức đi một vòng quanh Nhà Trắng, qua Đồi Capitol và tượng đài Washington. Khi trực thăng tới căn cứ Andrews, ông Trump được chào đón nồng hậu bởi đám đông ủng hộ, cùng loạt 21 phát đại bác của quân đội.

Tổng thống Trump phát biểu cạnh đệ nhất phu nhân Melania ở căn cứ Andrews. Ảnh: ITN

Trong bài phát biểu kết thúc nhiệm kỳ, ông dành lời cám ơn những người ủng hộ và gia đình. Ông nhấn mạnh việc được phụng sự đất nước với vai trò Tổng thống là một đặc ân. 

Ông cũng dành thời gian nhắc lại những thành tựu trong 4 năm làm chủ nhân Nhà Trắng như phục hồi quân đội, giảm thuế, phát triển vaccine COVID-19 trong thời gian ngắn.

Về người kế nhiệm, ông Trump chúc chính quyền mới "may mắn", nhưng không nhắc đến tên ông Biden. 


Ông Trump phát biểu từ căn cứ Andrew. Video: Nhà Trắng/Youtube

Thông điệp của ông Trump được cho là có nhiều điểm tương động với bài phát biểu được Nhà Trắng phát đi hôm 19/1, trong đó ông cũng dành lời chúc cho chính quyền kế nhiệm và cũng không nhắc đến tên vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Bà Melania rạng rỡ khi phát biểu từ căn cứ Andrews. Ảnh: CNN

Trước đó, theo CNN, ông Trump trước đó đã dành đêm 19/1 làm việc tới khuya. Con gái Ivanka đã ở bên ông cho đến 22h và rời đi để gọi điện thoại cho một số người được ân xá cho đến 2h sáng.

Người ủng hộ ông Trump ở căn cứ Andrews. Ảnh: ITN
Trực thăng Marine One đậu ở bãi cỏ gần Nhà Trắng trước khi đưa gia đình ông Trump rời đi. Ảnh: Guardian
Nhân viên Nhà Trắng sắp đồ giúp gia đình ông Trump trước khi rời đi. Ảnh: ITN

20h30: Thủ đô nước Mỹ vắng lặng trước lễ nhậm chức của ông Biden

Nhiều tuyến đường ở Washington D.C. bị phong tỏa trước lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Getty Images

Theo ghi nhận của truyền thông Mỹ, thủ đô Washington D.C. của nước Mỹ khá vắng vẻ, trong khi an ninh được siết chặt, binh sĩ cùng súng ống tuần tra khắp các ngõ ngách để đảm bảo an toàn cho buổi lễ nhậm chức sắp diễn ra của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Xem chi tiết tại đây

20h00: Công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức đã hoàn tất

Hiện, mọi công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Biden đã hoàn tất. Hôm 19/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cùng lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã tới tận nơi để kiểm tra công tác chuẩn bị vào ngày cuối cùng trước lễ nhậm chức của Biden.

Rừng cờ và hoa được cắm dọc Công viên Quốc gia National Mall phía trước Đồi Capitol. Ảnh: CNN

Theo USAToday, các nghi thức lễ nhậm chức của ông Biden sẽ bắt đầu từ khoảng 11h30 sáng (23h30 giờ Hà Nội. Để người dân có thể theo dõi khoảnh khắc trọng đại, lễ nhậm chức sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh lớn và mạng xã hội.

Thay cho những đám đông náo nhiệt, một rừng cờ Mỹ cũng như cờ các tiểu bang, cờ các nước, được cắm dọc Công viên Quốc gia National Mall phía trước Đồi Capitol, tượng trưng cho những người không thể có mặt tham dự buổi lễ.

Xem chi tiết tại đây

Ông Biden sẽ làm gì sau khi nhậm chức?

AFP trước giờ ông Biden nhậm chức dẫn lời các phụ tá của ông cho hay nhà lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ lập tức ký 17 sắc lệnh hành pháp nhằm đảo ngược các quyết sách của người tiền nhiệm, khởi đầu bằng việc tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Cặp đôi Biden-Harris sẽ có nhiều bước đi đảo ngược quyết sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Ảnh: ITN

Ông cũng sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại với một số quốc gia đạo Hồi mà ông Trump ban hành năm 2017. Bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico mà ông Trump khởi xướng nhằm ngăn dòng người di cư bất hợp pháp, sẽ bị ngừng xây dựng.

Nhiều động thái sẽ đưa Mỹ trở lại thời điểm 19/1/2017, ngày cuối nhiệm kỳ chính quyền Barack Obama - Joe Biden, trước khi ông Trump tới tiếp quản Nhà Trắng và xóa bỏ nhiều chính sách được chính sách mà hai ông Obama-Biden xây dựng.

Trong những ngày tiếp theo của nhiệm kỳ, ông Biden được cho là sẽ có thêm nhiều động tác mới nhằm theo đuổi con đường lãnh đạo nước Mỹ của riêng mình. Khi tranh cử, ông Biden không ít lần có phát ngôn trái ngược hoàn toàn người tiền nhiệm Donald Trump trong công tác đối ngoại, khiến một số người cho rằng chiến lược ngoại giao của Mỹ có thể biến động đáng kể.

Dẫu vậy, một số nhà quan sát vẫn cho rằng các bước đi của ông Biden không phải đảo ngược hoàn toàn chính sách ngoại giao của ông Trump. Những thay đổi trong chính sách ngoại giao sẽ chủ yếu nằm ở tầng chiến thuật thay vì chiến lược, bởi các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ về cơ bản là bất biến: Dù ai nắm quyền thì Mỹ vẫn theo đuổi con đường bảo vệ vị thế siêu cường trước Nga và Trung Quốc; muốn ngăn Iran và CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân; và muốn có vai trò chủ yếu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Lễ nhậm chức của ông Biden sẽ là "độc nhất vô nhị"

Theo thông báo của giới chức Mỹ, ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 (giờ Bờ Đông của Mỹ) trong một buổi lễ theo đúng nghi thức truyền thống nhưng không giống bất kỳ lễ nhậm chức nào khác trong lịch sử Mỹ về cả bối cảnh, công tác an ninh và khách mời.

Giống như hầu hết các lần nhậm chức trước, hầu hết các quan chức trong Quốc hội và Tòa án Tối cao Mỹ cũng như một số cựu tổng thống dự kiến ​​sẽ tham dự sự kiện. Các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton đều chuẩn bị góp mặt, cũng như các cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Laura Bush và Hillary Clinton. 
Khu vực diễn ra lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Getty Images

Ông Jimmy Carter, cựu Tổng thống cao tuổi nhất vẫn còn sống của Mỹ, năm nay bước sang tuổi 96, và cựu đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter sẽ không tham dự nhưng cũng đã gửi “những lời chúc tốt đẹp nhất”. Đây là lễ nhậm chức đầu tiên mà ông Carter bỏ lỡ kể từ khi ông tuyên thệ nhậm chức vào năm 1977.

Đương kim Tổng thống Donald Trump thông báo ông không dự buổi lễ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ có mặt khi ông Biden nhậm chức.

Xem chi tiết tại đây

Ông Trump gửi thông điệp tạm biệt từ Nhà Trắng

 Ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, sáng 20/1 (giờ Hà Nội) đã phát thông điệp chia tay từ Nhà Trắng, trong đó gửi những lời chúc tốt đẹp đến người kế nhiệm dù không trực tiếp nhắc đến tên ông Joe Biden.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images

“Tuần này, chính quyền mới sẽ nhậm chức. Chúng tôi cầu mong họ sẽ thành công trong việc giữ nước Mỹ an toàn và thịnh vượng. Chúng tôi gửi đến họ lời chúc tốt đẹp nhất. Và chúng tôi cũng mong họ gặp may mắn”, ông Trump phát biểu, theo Reuters.

Trong đoạn video do truyền thông Mỹ đăng tải, ông Trump khẳng định việc ông được phụng sự nước Mỹ với tư cách Tổng thống là một vinh dự lớn lao. “Cảm ơn các bạn vì đặc ân to lớn này”, ông Trump xúc động nói.

Ông Trump dành phần nhiều thời gian bài phát biểu để nhắc lại một số thành tựu xuyên suốt nhiệm kỳ, trong đó ca ngợi nỗ lực của mình và các quan chức trong cắt giảm thuế, tìm kiếm những thỏa thuận thương mại mới. Ông đồng thời đề cao chính sách đối ngoại, tình hình kinh tế trong nước và việc vaccine COVID-19 được phát triển thần tốc chưa từng có.

Nhà Trắng sáng đèn đêm trước ngày ông Biden nhậm chức. Ảnh: Getty Images

“Tôi đặc biệt tự hào vì là Tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không khơi mào cuộc chiến mới nào. Trên tất cả, chúng tôi đã tái khẳng định rằng, ở nước Mỹ, chính phủ đáp lại nguyện vọng của người dân. Tôi không tìm kiếm con đường dễ dàng nhất, và cho đến nay nó thực sự là hành trình khó khăn nhất”, ông Trump nêu rõ.

Theo truyền thông Mỹ, ông Trump sẽ tới Florida để nghỉ ngơi sau khi rời Nhà Trắng và không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Ông chưa chính thức thông báo mình sẽ làm gì sau khi mãn nhiệm.

Tới đây, ông cũng sẽ đối mặt với một phiên luận tội lần thứ hai tại Thượng viện Mỹ, sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua quyết định luận tội ông cách đây vài ngày. Nếu bị Thượng viện Mỹ kết tội, ông Trump có thể sẽ không còn được quyền ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa vào năm 2024.

Thiện Minh- Duy Tiến
.
.
.