“Nước cờ” Canada giúp Trung Quốc bảo toàn sự hoà hoãn với Mỹ?

Thứ Bảy, 15/12/2018, 08:29
Bộ Ngoại giao Canada mới đây xác nhận, Trung Quốc đã bắt giữ công dân Canada thứ hai với cáo buộc gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia của nước này. Giới chuyên gia nhận định, bước đi trên của Bắc Kinh không đơn thuần là nhằm đáp trả việc Ottawa bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, mà việc này được cho là sẽ góp phần giúp Bắc Kinh bảo toàn “sự hoà hoãn” với Washington.


Đòn phản công của Trung Quốc

Global Times ngày 13-12 dẫn lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Cơ quan An ninh thành phố Bắc Kinh và Cơ quan An ninh thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh ngày 10-12 đã lần lượt thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig.

Theo ông Lục Khảng, hai người này bị bắt giữ với cáo buộc gây nguy hiểm tới an ninh quốc gia Trung Quốc nhưng không cho biết thông tin cụ thể. Vụ việc trên xảy ra sau hơn một tuần kể từ ngày Canada bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Bộ tư Pháp Mỹ hôm 1-12.

Đáng chú ý, việc bắt giữ ông Michael Kovrig diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tòa án tỉnh British Columbia, Canada mở lại phiên tranh luận về việc có cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại hay không.

Dù Bắc Kinh tuyên bố những vụ việc này không liên quan tới nhau nhưng giới chuyên gia, các phương tiện truyền thông quốc tế cũng như dư luận Trung Quốc đều xem các vụ bắt giữ là “đòn đáp trả” của Bắc Kinh đối với Ottawa. “Vụ Canada bắt giám đốc Huawei Mạnh Vãn Chu là lý do khiến hai người Canada bị bắt giam ở Trung Quốc”, ông Peter Navarro, Cố vấn Chính sách Thương mại của Nhà Trắng nêu rõ.

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu được cho là sẽ ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hiện tại, bà Mạnh Vãn Chu đã được tại ngoại sau khi Tòa án tỉnh British Columbia ra quyết định hôm 12-12. Đổi lại, bà Mạnh phải nộp khoản tiền bão lãnh 10 triệu CAD (~ 7,5 triệu USD). Trong số các điều kiện tại ngoại, giám đốc tài chính của Huawei sẽ bị gắn thiết bị theo dõi an ninh, và bị quản thúc tại gia từ 23h đến 6h hôm sau.

Đồng thời, năm người bạn của bà còn phải thế chấp nhà cửa, và tài sản để bảo đảm với tòa rằng bà Mạnh sẽ không chạy trốn. Tờ CBC của Canada cùng ngày lưu ý rằng, trong các phiên xét xử tiếp theo, nếu một thẩm phán Canada ra phán quyết bà Mạnh có tội, Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ phải quyết định dẫn độ bà sang Mỹ.

Nếu vậy, bà Mạnh sẽ đối mặt với những cáo buộc của Mỹ nói rằng bà đã đánh lừa các ngân hàng đa quốc gia về sự kiểm soát của công ty Huawei đối với một công ty hoạt động tại Iran. Khung hình phạt đối với bà có thể lên tới 30 năm tù giam cho mỗi cáo trạng.

Reuter dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu ngay từ đầu đã là một sai lầm và Bắc Kinh hoan nghênh mọi nỗ lực hướng tới một giải pháp đúng đắn trong vụ này. Ngược lại, nếu Canada dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ, sự đáp trả của Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn nhiều.

Thông điệp “mềm dẻo” gửi tới Mỹ

Giới quan sát chính trị quốc tế đánh giá, tình hình hiện tại giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada đang rất nhạy cảm. Tuy nhiên, Nelson Wiseman, một giáo sư về  chính trị tại Đại học Toronto chỉ ra rằng, Trung Quốc tới nay mới chỉ nhắm mục tiêu trả đũa vào công dân Canada chứ không phải Mỹ, dù Washington là bên đưa ra yêu cầu bắt bà Mạnh.

"Người Trung Quốc có thể dễ dàng bắt các doanh nhân hoặc nhà ngoại giao Mỹ đang ở nước này, họ cũng có thể làm cả hai. Nhưng họ không làm vậy", Wiseman nói. Theo ông, Bắc Kinh có những toan tính chính trị nhất định đằng sau động thái này. Hôm 9-12, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại nước này và trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với vụ án.

Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ rút lệnh bắt đối với giám đốc Huawei, nhưng họ không đe dọa về hậu quả nghiêm trọng như đã làm với Canada. Tờ Posterm dẫn lời ông Guy Saint-Jacques, cựu Đại sứ Canada tại Trung Quốc cho biết, sự khác biệt trong cách cư xử của Trung Quốc với Canada và Mỹ là do thương mại.

“Trung Quốc muốn thể hiện thiện chí với Mỹ và đây là toan tính để Bắc Kinh bảo đảm lệnh đình chiến thương mại với Washington, vốn được kí kết bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Argentina đầu tháng 12 vừa qua, đúng vào ngày bà Mạnh bị bắt”, tờ Posterm nêu rõ.

Chuyên gia của DW nhận định, kim ngạch thương mại Canada đối với Trung Quốc không thể so sánh được với Mỹ vì thế nếu thể hiện quan điểm và có hành động trả đũa gay gắt với Mỹ, lợi ích kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ bị đe dọa. Theo World Integrated Trade Solution, năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu lượng hàng hóa hơn 48 tỷ USD sang Canada và nhập về 15 tỷ USD. 

Trong khi đó, năm 2016, Trung Quốc xuất khẩu hơn 480 tỷ USD sang Mỹ và nhập khẩu 115 tỷ USD. Cùng ngày, tờ China Daily đưa tin, tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra suôn sẻ. Tờ này đồng thời cho hay, nếu Washington nghĩ rằng nước này có thể bắt bà Mạnh làm con tin để đổi lấy sự nhượng bộ trong đàm phán thương mại sắp tới, thì đây hoàn toàn là một bước đi sai lầm.

Linh Đan
.
.
.