Nước Mỹ trước tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia
- Tổng thống Trump chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
- Ông Trump phát biểu trên truyền hình, không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
- Tổng thống Mỹ mời lãnh đạo Quốc hội họp nhanh về an ninh biên giới
Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump cho biết, sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, một động thái nhằm giúp bức tường biên giới của ông được cấp tiền mà không cần sự đồng ý của Quốc hội nhưng lại có thể khiến ông rơi vào cuộc chiến pháp lý với cơ quan lập pháp này.
Không thành công trong việc yêu cầu Quốc hội đồng ý chi 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới, ông Trump đã ký một dự luật ngân sách chính phủ, được thông qua với số phiếu đồng tình áp đảo ở cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ, bao gồm các khoản ngân sách dành cho các hình thức bảo vệ an ninh biên giới, giúp Chính phủ Mỹ tránh được một cuộc đóng cửa dài hơi và phiền toái.
Tuy vậy, dự luật này lại tiếp tục “làm ngơ” với bức tường biên giới Mỹ - Mexico, một dự án đầy tham vọng của ông Trump kể từ cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016.
Ngay sau đó, chính quyền Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đưa ra nhiều hành động mang tính hành pháp khác, như tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hay một khoản ngân sách khổng lồ trị giá khoảng 8 tỷ USD để tái phân bổ cho bức tường biên giới.
“Tổng thống Trump sẽ ký dự luật ngân sách chính phủ và như từng tuyên bố trước đó, ông cũng sẽ có nhiều hành động hành pháp khác, bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, để đảm bảo chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo ở khu vực biên giới”, thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết.
Đáng chú ý, khoản tiền nói trên có thể được trích từ nhiều nguồn quỹ và chương trình của nhiều bộ phận của chính phủ liên bang Mỹ, trong đó có 600 triệu USD từ quỹ tịch thu tài sản liên quan đến ma túy của Bộ Tài chính, hơn 1,3 tỷ USD từ khoản ngân sách dành cho xây hàng rào biên giới ở Texas, 2,5 tỷ USD từ quỹ phòng chống ma túy của Bộ Quốc phòng và 3,5 tỷ USD từ ngân sách phát triển quốc phòng, theo NBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi vận động tại El Paso, Texas, với khẩu hiệu “Hoàn thành bức tường” nổi bật đằng sau. Ảnh Reuters. |
Cũng như một số dự luật khác từng được ông Trump công bố, động thái này đã nhận được những phản ứng trái chiều. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, trong trường hợp Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đảng Dân chủ có thể xem xét đưa ra một phản ứng về pháp lý nhằm ngăn chặn ông.
Phe Dân chủ tại Hạ viện trước đó đã phản đối việc cấp tiền xây bức tường biên giới và nói rằng đó là điều lãng phí và không cần thiết.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins cho biết: “Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì mục đích này sẽ là một sai lầm của Tổng thống”, trong khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer tố cáo ông Trump “lạm dụng quyền Tổng thống”, theo Reuters.
Trong khi đó, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cho biết ông sẽ ủng hộ Tổng thống Trump trong vấn đề này dù trước đó chính ông này đã cảnh báo ông Trump rằng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể sẽ chia rẽ đảng Cộng hòa tại Thượng viện, theo Washington Post.
Chủ tịch phe Cộng hòa cánh hữu tại Hạ viện Mark Meadows cho biết ủng hộ hành động của Tổng thống nhằm “bảo vệ biên giới có chủ quyền” của Mỹ.
Theo nhiều chuyên gia, nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể sẽ rơi vào cuộc chiến pháp lý dai dẳng bên cạnh những tranh cãi về quyền của Tổng thống trong vấn đề này. Hiến pháp của Mỹ có quy định, các quyết định về việc sử dụng nguồn ngân sách từ đóng thuế và hoạch định chính sách phải do Quốc hội đưa ra.
Tuy vậy, một bộ luật năm 1976 lại cho phép Tổng thống quyết định sử dụng nguồn quỹ trong trường hợp có tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đạo luật khẩn cấp quốc gia không định nghĩa cụ thể thế nào là “tình trạng khẩn cấp”, vì vậy, theo các chuyên gia pháp lý, Tổng thống có thể đưa ra quyết định này.
Đạo luật cũng trao quyền cho Quốc hội kiểm định lại việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng đòi hỏi phải có sự đồng thuận của lưỡng viện, một điều khó đạt được trong bối cảnh hiện nay khi mỗi viện Quốc hội Mỹ lại do mỗi đảng nắm quyền kiểm soát.
Trong quá khứ từng có 30 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực tại Mỹ. Trong khi đó, một bộ luật cho phép Tổng thống có thể sử dụng ngân sách phát triển của Bộ Quốc phòng nếu số tiền này vẫn chưa được phân bổ cho dự án nào.
Đồng thời, một bộ luật khác cho phép Quân đội Mỹ đình chỉ các dự án dân sự và sử dụng các nguồn quỹ hay điều động nhân sự cho các dự án “thiết yếu đối với việc bảo vệ quốc gia”.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng tranh luận về việc ông Trump có thể bị kiện ra tòa vì ban bố sắc lệnh khẩn cấp quốc gia. Luật sư Elizabeth Goitein của Trung tâm Brennan về Tư pháp cho biết, có căn cứ để kết luận việc xây tường biên giới là bị cấm theo nhiều đạo luật, trong khi Tòa án tối cao Mỹ lại cho rằng, cá nhân các nghị sỹ Hạ viện không thể khởi kiện ra tòa về sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống, nhưng Hạ viện với tư cách là một cơ quan thì có cơ sở pháp lý để khởi kiện.
Năm 2015 từng có một tòa án thượng thẩm ở Washington cho biết, Hạ viện với tư cách là một cơ quan có thể khởi kiện đối với cách thức chính quyền Tổng thống Obama đã chọn để chi tiền cho một phần Chương trình Obamacare, mà quốc hội Mỹ đã không đồng ý cấp ngân sách.
Theo giáo sư về Luật An ninh quốc gia tại Đại học Texas, Robert Chesney, cá nhân hay doanh nghiệp bị hủy hợp đồng vì việc chuyển đổi ngân sách quân đội cũng có thể khởi kiện ông Trump ra tòa.
Ông Trump sẽ có bài phát biểu và công bố chiến lược An ninh quốc gia trong ngày 15-2 (giờ Washington) và nước Mỹ đang nín thở trước một tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể được công bố.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, dù có ban bố thành công, thì ông Trump cũng sẽ phải tìm cách để phân bổ được ngân sách cho bức tường biên giới từ số khoản còn lại trong khoảng 10,4 tỷ USD cho các dự án phát triển quốc phòng trong năm tài khóa hiện tại, kết thúc vào ngày 30-9 năm nay.