Nữ Thủ tướng Anh đối diện sức ép từ chức chưa từng có
- Thủ tướng Anh "tiếc nuối" khi thỏa thuận Brexit lại thất bại
- Brexit càng gỡ càng rối!
- 1 triệu người biểu tình đòi trưng cầu dân ý lại về Brexit
- Gần 4 triệu Anh người kí tên đòi huỷ Brexit
Sau 3 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit), khi thời điểm nút thắt quan trọng nhất đối với nước Anh tưởng như đang đến rất gần, thì đảo quốc sương mù vẫn đang loay hoay trong mớ bòng bong rằng Brexit sẽ diễn ra khi nào và như thế nào.
Đặt trong bối cảnh mà Reuters nhận định là vị thế của Thủ tướng May đang "suy yếu dần", nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Anh đang bắt đầu đổ lỗi cho chính nhà lãnh đạo nước này trong việc tiến trình Brexit không thành công.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters |
Mặc dù các bộ trưởng trong nội các của bà May khẳng định bà vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng và chèo lái con thuyền Brexit, nhưng trước sự thật rằng thỏa thuận mà nội các của Thủ tướng May đưa ra đã bị Quốc hội từ chối đến 2 lần và có nguy cơ bị từ chối một lần nữa, niềm tin vào một tiến trình Brexit trọn vẹn đang trở nên mong manh hơn, như chính chiếc ghế Thủ tướng của bà May.
Thời báo Rupert Murdoch đã đặt tiêu đề trang nhất ngày 25-3 của mình là "Thời gian đã hết, thưa bà Theresa", như một cách ám chỉ cơ hội cuối cùng của bà để có được sự phê chuẩn của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit, hoặc bà sẽ phải ra đi.
"Tôi hy vọng nội các sẽ nói với Thủ tướng rằng trò chơi đã kết thúc", ông Andrew Bridgen, một nghị sĩ Đảng bảo thủ ủng hộ Brexit nói với Sky News. "Thủ tướng không nhận được sự tin tưởng từ Quốc hội. Cô ấy rõ ràng không có được sự tin tưởng kể cả từ nội các và cô ấy chắc chắn không có được sự tin tưởng của các nghị sĩ khác trên cả nước", ông nhấn mạnh.
Cuối tuần qua, đã có hơn 1 triệu người xuống đường trên toàn nước Anh để yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Cùng lúc, một bản yêu sách trên mạng đề nghị Hạ viện Anh từ bỏ Brexit cũng đã thu thập được hơn 5 triệu chữ ký chỉ sau vài ngày khởi động.
Chỉ 24 giờ sau khi hàng trăm nghìn người dân đã tuần hành qua London để yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý khác, Thủ tướng May đã kêu gọi các gương mặt chủ chốt trong đảng Bảo thủ có mặt tại Checkers hôm 24-3, tham dự một cuộc họp khẩn cấp trong nỗ lực tìm cách phá vỡ bế tắc. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc sau 3 tiếng căng thẳng mà không có được tiếng nói chung nào.
The Guardian dẫn một nguồn tin riêng cho biết những người tham gia cuộc họp đưa ra "yêu sách" rằng nếu muốn thỏa thuận Brexit được thông qua, Thủ tướng May cần phải vạch rõ kế hoạch từ nhiệm để người khác dẫn dắt nước Anh bước vào giai đoạn sắp tới của tiến trình đàm phán hiệp định thương mại với EU. Tuy nhiên, Thủ tướng May đã không đưa ra câu trả lời cho đề xuất này.
Trong ngày 25-3, các bộ trưởng trong nội các của bà May sẽ tiến hành thảo luận về cách thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, trước khi đưa ra bỏ phiếu lần thứ 3 tại Hạ viện Anh. Tối cùng ngày, Hạ viện Anh cũng sẽ bỏ phiếu để quyết định liệu có nắm quyền điều hành Brexit thay cho chính phủ Anh hay không. Sau đó, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu quyết định có ủng hộ Brexit hay không.
Những rối ren trong chính trường nước Anh diễn ra vào thời điểm phía EU đã đưa ra 2 cái kết cho Anh Quốc liên quan tới Brexit, một là chấp thuận thoả thuận Brexit và sẽ tạm thời lùi thời điểm thực thi Brexit đến ngày 22-5 thay vì ngày 29-3 như dự kiến, hai là bác bỏ thoả thuận Brexit và sẽ chỉ được tạm hoãn đến ngày 12-4.