Nơm nớp nỗi lo khủng bố trong mùa Giáng sinh

Thứ Năm, 22/12/2016, 08:31
Nỗi lo về khủng bố lại một lần nữa bao trùm lên toàn châu Âu khi ngay trước thềm Lễ Giáng sinh đã liên tiếp xảy ra hai vụ tấn công khủng bố làm rúng động cả châu lục này: Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị ám sát và vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào một khu chợ Giáng sinh ở Berlin (Đức) đêm 19-12 làm ít nhất 12 người thiệt mạng.

Trước đó, Chính phủ Pháp, Mỹ và nhiều nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vào dịp Giáng sinh, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người như chợ Giáng sinh, các trung tâm vui chơi, mua sắm, các nhà ga, bến tàu...

Nếu như vụ Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ “được thực hiện rất chuyên nghiệp” và “không phải là công việc của một người”, thì vụ “xe điên” tại chợ Giáng sinh ở Berlin lại là sự tái hiện kỳ lạ kịch bản tại đại lộ Promenade des Anglais, thành phố Nice (Pháp) đêm 14-7 khiến 86 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.

Một cách thức tấn công khủng bố mới đang được áp dụng, bổ sung thêm vào tập hợp rất đa dạng các cách thức khủng bố từ trước tới nay. Chỉ cần một phần tử Hồi giáo có tư tưởng cực đoan, manh động, một “con sói” đơn độc và một chiếc xe cướp được là có thể tạo nên một thảm họa. Những phần tử khủng bố dạng này xâm nhập vào châu Âu bằng con đường “hợp pháp” (kênh tị nạn) và thường hành động một mình. 

Cùng với đó, hình thức và cách thức tiến hành khủng bố hiện không chỉ theo cách cổ điển lâu nay nữa. Sự cộng hưởng của các yếu tố này khiến các lực lượng an ninh khó ngăn ngừa và kiểm soát.

Hiện trường vụ “xe điên” tại Đức. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình đó, các nước châu Âu đã gia tăng đáng kể sự quan tâm tới phòng ngừa và đối phó khủng bố: đồng loạt siết chặt luật lệ về an ninh, tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh, đẩy mạnh hợp tác về tình báo, quân sự và an ninh để cùng nhau đối phó khủng bố nhưng vẫn chưa loại trừ được hoàn toàn nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Như thường lệ, sau mỗi lần xảy một cuộc tấn công khủng bố, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra. Đối với vụ “xe điên”, việc cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận mình là tác giả đã đặt ra nhiều câu hỏi hiện đang được dư luận quan tâm sâu sắc: Phải chăng IS đã đạt được những điều mà chúng tìm kiếm? Hiểm họa từ tổ chức khủng bố này đối với an ninh khu vực và thế giới ra sao? Làm thế nào để có thể chiến đấu chống lại chúng?

Tờ Le Figaro của Pháp cho rằng, IS là “một loại kẻ thù mới, một nửa hoạt động theo kiểu nhà nước, một nửa hoạt động ngầm, có khả năng biến hóa khôn lường khiến việc đối phó với nhóm khủng bố này gặp nhiều khó khăn”.

Còn việc Đại sứ Karlov bị ám sát cũng không khỏi khiến dư luận nghi ngờ đặt câu hỏi dường như đây là âm mưu của những thế lực không muốn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau cũng như không muốn hai nước phối hợp trong các vấn đề khu vực. Hay nói cách khác, thủ phạm của vụ việc đang muốn quan hệ hai nước nổi sóng trở lại. Tuy nhiên, câu hỏi chung sau cùng vẫn là: Làm thế nào để đối mặt với những kẻ khủng bố?

Theo tờ Le Monde của Pháp, đó là một thử thách lớn của cả châu Âu khi cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra ngay trên lãnh thổ của mình. Nỗi lo sợ về khả năng xảy ra các vụ tấn công khủng bố mới ở châu Âu đã tăng từ mức 7% lên 64%. Người dân châu Âu rất muốn chính quyền có lập trường cứng rắn hơn trong việc đảm bảo an ninh và cần có hành động khẩn cấp nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố.

Đề cập tới những biện pháp khẩn cấp nhằm cải thiện an ninh, khoảng 40% người châu Âu đã nêu ra 3 biện pháp, gồm: ngăn chặn nguồn quỹ của các nhóm khủng bố, tăng cường nghiên cứu nhằm loại bỏ tận gốc những nguyên nhân dẫn tới chủ nghĩa khủng bố, và tăng cường kiểm soát biên giới ở Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu (EP) đã bác bỏ các sáng kiến đề xuất, cho rằng luật pháp hiện hành đủ hiệu quả để đối phó khủng bố. Sự hợp tác tốt nhất giữa các quốc gia thành viên sẽ giúp cải thiện an ninh, bao gồm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo cả khối, thực hiện trong bộ khung Hệ thống thông tin Schengen và Hệ thống thông tin Europol.

Nhưng, các lực lượng Hồi giáo cực đoan vẫn dễ dàng tiến hành các hành động tấn công khủng bố trong lòng châu Âu. Điều này chỉ ra sự thất bại ngay trên “sân nhà” của EU và các nước thành viên trong cuộc chiến chống khủng bố. Cụ thể hơn, đây là sự thất bại của chính sách nhập cư và tái hội nhập người nhập cư vào xã hội châu Âu.

Thực tế cũng cho thấy, các vụ khủng bố diễn ra ngày một thường xuyên hơn nhưng các chính trị gia châu Âu vẫn phản ứng theo một luận điệu quen thuộc - hành động được cho là chống lại các giá trị tự do dân chủ. Vì vậy, châu Âu cần phải điều chỉnh chính sách chống khủng bố. 

Họ không có cơ hội nào khác ngoài việc chuẩn bị các biện pháp mới để đối phó với các nguy cơ khủng bố một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc chống khủng bố là chưa đủ, mà châu Âu cần phải tấn công vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hệ tư tưởng đang kích động các vụ tấn công khủng bố.

Châu Âu cần buộc tất cả những người nhập cư Hồi giáo tái hội nhập vào xã hội một cách vô điều kiện như việc chấp nhận các quy định luật pháp, tự do dân chủ và các giá trị khác được xã hội châu Âu tôn trọng. Bên cạnh đó, châu Âu cần kịp thời hơn trong việc đánh giá những thay đổi “môi trường” các khu vực bên ngoài EU.

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.
.