Nhiều nước hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục đàm phán

Chủ Nhật, 17/03/2019, 10:02
Ngày 15-3 (giờ địa phương), phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington hy vọng rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục. Ngoài Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục đối thoại.


Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định rằng, nước Mỹ hy vọng Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ giữ lời hứa với Tổng thống Donald Trump, được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 2 tại Việt Nam, rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục kiềm chế các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Cùng ngày, Nga cũng bày tỏ mong muốn Mỹ và CHDCND Triều Tiên tiếp tục đối thoại. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Nga tuân thủ giải pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Moskva ủng hộ việc tiếp tục đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington, vốn sẽ đạt tiến triển dần dần mà không kỳ vọng quá cao”. 

Có cùng quan điểm này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục đối thoại để giải quyết vấn đề hiện nay. Thủ tướng Trung Quốc nêu rõ Bắc Kinh cam kết về một Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa và rằng việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên không thể đạt được tức thì. 

Những phát biểu trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố họ có thể sẽ rời khỏi bàn đàm phán. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nhấn mạnh, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ sớm có tuyên bố chính thức về những hành động tiếp theo của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. (Ảnh: bloomberg)

Trước đó 1 ngày, Uriminzokkiri, một trang web tuyên truyền của CHDCND Triều Tiên đã kêu gọi Mỹ chấp nhận đề nghị của Bình Nhưỡng phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon của nước này đổi lấy việc dỡ bỏ một phần trừng phạt, đồng thời khẳng định đây là đề xuất tốt nhất vào thời điểm hiện tại. 

Uriminzokkiri khẳng định: “Các bước đi phi hạt nhân hóa của chúng tôi cũng như đề nghị dỡ bỏ trừng phạt tương xứng phản ánh đầy đủ lập trường và yêu cầu của phía Chính phủ Mỹ. Không thể có cách thức nào tốt hơn thế nữa”. 

Theo Uriminzokkiri, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Thủ đô Hà Nội là cơ hội đối với Bình Nhưỡng để thể hiện quyết tâm đáp ứng yêu cầu của quốc tế nhằm chấm dứt đối đầu, từ đó mở ra thời kỳ hòa bình và ổn định. Uriminzokkiri nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi trong việc tiến tới mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện luôn kiên định. Như các bạn chứng kiến sự cải thiện nhanh chóng mối quan hệ liên Triều trong năm ngoái, một khi chúng tôi quyết định hành động, sẽ không có gì chúng tôi không thể làm và chúng tôi sẽ quyết tâm đạt tới vạch đích có lợi cho đôi bên”. 

Truyền thông CHDCND Triều Tiên gần như hàng ngày đưa ra đề nghị nhằm thuyết phục Washington chấp nhận các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, trong khi thể hiện ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Giới phân tích coi đây là dấu hiệu cho thấy thiện chí của Triều Tiên trong việc tiếp tục tiến trình đàm phán với Mỹ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã kết thúc ở Hà Nội mà không có tuyên bố chung. Mặc dù vậy, tại cuộc gặp, Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra đề xuất về việc dừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Donald Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của hội nghị. Sau Hội nghị, Mỹ và Triều Tiên đã bày tỏ hy vọng có nhiều cuộc đàm phán nữa, song sự không chắc chắn đã gia tăng khi có những nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. 

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gần như ngày nào cũng yêu cầu CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn kèm theo lời cảnh báo sẽ có thêm lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng không thực hiện. Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng ông hy vọng sẽ cử một nhóm chuyên viên đến Bình Nhưỡng trong những tuần tiếp theo. Trong khi đó, sau sự kiện tại Hà Nội, Triều Tiên dường như đang đi hai “nước cờ”: Một mặt, các phương tiện truyền thông nhà nước mô tả Hội nghị Thượng đỉnh tuần trước là thành công. Mặt khác lại cho thấy các dấu hiệu đáng lo ngại, như gia tăng các hoạt động tại các cơ sở thử vũ khí quan trọng, như bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri. Một ngày sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã đồng ý tiếp tục “đối thoại hữu ích”, đồng thời tuyên bố thêm rằng đối thoại là cơ hội quan trọng để tăng cường sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo. 

Ngày 7-3, Đài Truyền hình Nhà nước Triều Tiên cũng phát sóng một bộ phim tài liệu về Hội nghị thượng đỉnh này, tái khẳng định sự sẵn sàng tiếp tục đàm phán.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đã và đang đóng vai trò “trung gian” để giữ cho các cuộc đàm phán hạt nhân khỏi “trật bánh”, tuyên bố sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ và tăng cường hợp tác liên Triều với niềm tin rằng mối quan hệ tốt hơn với CHDCND Triều Tiên có thể giúp ngăn chặn sự đình trệ trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.