Nhật Bản yêu cầu nhường giường bệnh cho các ca nhiễm COVID-19 nặng
- Nhật Bản thừa nhận đang trên bờ vực tình trạng khẩn cấp
- Hơn 2.000 ca nhiễm COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản chịu sức ép mới
- Nguy cơ phong tỏa thủ đô Nhật Bản, người dân vội vã dự trữ đồ ăn
Xe cấp cứu đưa người nhiễm COVID-19 đến bệnh viện tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Động thái này của chính phủ Nhật Bản dấy lên lo ngại về khả năng chịu áp lực của hệ thống y tế Nhật Bản trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 tại quốc gia này đang ngày một tăng lên. Cho đến nay, Nhật Bản đã tránh được tình huống bùng nổ đáng ngại như ở châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc. Hiện, nước này ghi nhận gần 2.800 ca nhiễm với 63 trường hợp tử vong.
Theo Reuters, tất cả các bệnh nhân nhiễm bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra tại Nhật Bản đều đang được điều trị tại bệnh viện, bất luận là có triệu chứng nhẹ hay bệnh đã trở nặng. Tuy nhiên, các giường bệnh đã bắt đầu đầy ắp bệnh nhân tại thủ đô Tokyo, và đang trên đà xảy ra với các khu vực khác, theo các chuyên gia.
Kyodo cho biết hôm 3/4 rằng nhiều người tham gia một sự kiện âm nhạc tại quận Shibuya trung tâm Tokyo hôm 20/3, bao gồm cả nghệ sĩ biểu diễn, đã bị nhiễm COVID-19. Thủ đô của Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, với 684 ca. Trong khi đó, trên cả nước đã có 26 cụm dịch tính đến cuối tháng 3, theo Bộ Y tế Nhật Bản.
Điều này đã khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứng chịu sự chỉ trích và sức ép lớn từ quan chức cũng như người dân về việc chưa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Việc tuyên bố sẽ cho phép các địa phương được áp dụng sự quản lý chặt chẽ hơn với người dân.
Trong khi đó, Thống đốc Tokyo Yurriko Koike cho biết hôm 2/4 rằng, thành phố này sẽ ưu tiên điều trị những người đang ở tình trạng nguy kịch, đồng thời yêu cầu người bệnh ở thể nhẹ điều trị tại nhà, bảo đảm chỗ ở cho những người bị lây nhiễm thể nhẹ.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang hứng chịu chỉ trích khi tuyên bố khoảng 100 triệu khẩu trang vải sẽ được gửi đến hơn 50 triệu hộ gia đình trên khắp Nhật Bản, giúp hỗ trợ tình trạng thiếu thốn khẩu trang trên cả nước. Theo CNN, nhiều người dân cho rằng việc phân phối khẩu trang sẽ không đủ nhanh để kịp kiềm chế sự lây lan của virus, đồng thời nhận định đây là một chính sách lãng phí.