Hơn 2.000 ca nhiễm COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản chịu sức ép mới

Thứ Ba, 31/03/2020, 16:29
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt mức 2.000, với việc phát hiện thêm nhiều ổ dịch mới, một số quan chức nước này đã lên tiếng kêu gọi Thủ tướng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước khi quá muộn.

Thủ tướng Nhật Bản đối diện sức ép tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: Getty

"Cá nhân tôi cảm thấy đã đến lúc Nhật Bản cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đề xuất biện pháp dựa trên tuyên bố", ông Satoshi Kamayachi, thành viên ban điều hành Hiệp hội Y khoa Nhật Bản, đồng thời là thành viên nhóm chuyên gia chính phủ về dịch bệnh COVID-19, nhận định.

Theo Japan Times, trong một cuộc họp trực tuyến diễn ra vào tối 30/3, nhiều quan chức và chuyên gia Nhật Bản đã lên tiếng đồng tình với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với COVID-19. Quan điểm này được đưa ra sau khi Thượng viện Nhật Bản chính thức trao quyền ban bố tình trạng khẩn cấp cho Thủ tướng Shinzo Abe.

Điều này cũng khiến chính phủ của ông Abe đứng trước sức ép lớn, khi mà những ngày qua, thủ đô Tokyo đang dần trở thành ổ dịch lớn nhất Nhật Bản, với các cụm dịch mới được phát hiện tại Trung tâm chăm sóc người tàn tật tỉnh Chiba và tại thủ đô Tokyo.

Tình trạng khẩn cấp được công bố sẽ giúp các địa phương tại Nhật Bản có thể áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19 triệt để hơn. Ảnh: The Guardian

Trong ngày 31/3, Nhật Bản đã nâng mức độ cảnh báo đi lại lên cấp độ 3, mức độ cao nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khuyến cáo công dân không đến 73 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách này chiếm gần 1/3 tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng với quan chức Nhật Bản, như vậy là chưa đủ.

"Nếu chúng ta triển khai quá muộn, virus sẽ không thể kiểm soát được", Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura nhận định, sau khi cho biết khu vực này ngày càng ghi nhận nhiều ca nhiễm với triệu chứng không rõ ràng. 

Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành ở Nhật Bản có thể chỉ thị cho người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn, theo Japan Times. 

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura ngày 31/3 cảnh báo việc đóng cửa những thành phố lớn như Tokyo và Osaka sẽ dẫn đến tác động lớn cho nền kinh tế quốc gia. Ông nhận định tình hình Nhật Bản chưa cần tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và nếu cần thì chính phủ phải cân nhắc biện pháp này "một cách toàn diện".

Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga một ngày trước đó cũng phủ nhận thông tin phong tỏa thủ đô Tokyo. “Thông tin chính phủ đang lên kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 1/4 là không đúng”, Chánh Văn phòng Suga nhấn mạnh.

Trong một diễn biến có liên quan, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản ngày 31/3 cho biết Thủ tướng và phó Thủ tướng nước này sẽ tránh tham dự cùng cuộc họp nhằm đề phòng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

An Nhiên
.
.
.