Nguy cơ phong tỏa thủ đô Nhật Bản, người dân vội vã dự trữ đồ ăn

Thứ Sáu, 27/03/2020, 15:46
Dòng người xếp hàng chờ thanh toán tại các siêu thị ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày một đông thêm. Họ kiên nhẫn chờ đợi để mua đồ dự trữ, chuẩn bị cho một cuối tuần có lẽ sẽ "bế quan tỏa cảng", theo Reuters.

Các quầy đồ ăn tại cửa hàng tiện lợi ở Tokyo bắt đầu trở nên trống dần. Ảnh: Reuters

Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike hôm 25/3 đã lên tiếng kêu gọi người dân hãy ở nhà, kiềm chế việc di chuyển không cần thiết và hạn chế tụ tập đông người cho đến hết ngày 12/4 và đặc biệt là trong cuối tuần này. 

Bà Koike có lý do để làm việc đó. Trong những ngày qua, thủ đô của Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm COVID-19 mới, biến đây trở thành tâm điểm bệnh dịch của nước này. Tính đến hết ngày 26/3, riêng Tokyo ghi nhận thêm 47 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại thủ đô Nhật Bản lên 259 ca. 

Ngay sau khi lời kêu gọi của bà Koike được đưa ra, các siêu thị trong thành phố bắt đầu chứng kiến sức mua tăng nhanh. Theo Reuters, người dân bắt đầu tích trữ mọi thứ trong ngày 27/3 để chuẩn bị cho cuối tuần, gồm mì ăn liền, gạo, sản phẩm tươi sống, cho đến đồ vệ sinh.

Yuri Inoue, một nhà thiết kế đồ họa 31 tuổi ở Tokyo, cho biết cô là một trong số những người mua sắm hoảng loạn, nỗ lực tích trữ thức ăn trong hai tuần tới để giải tỏa lo lắng không chỉ cho cô, mà còn cho bố mẹ, vốn không sống ở Tokyo cùng con gái.

"Nếu như các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn mở cửa, mọi người nên bình tĩnh. Tôi nghĩ chính phủ nên nhấn mạnh điểm này một cách rõ ràng hơn", cô Yuri chia sẻ.

Người dân Nhật Bản đi mua sắm để chuẩn bị cho một cuối tuần ở trong nhà, hạn chế đi lại. Ảnh: Reuters

Tại một khu dân cư tại Tokyo hôm 27/3, hơn chục người kiễn nhẫn xếp hàng bên ngoài một cửa hàng tiện lợi để mua giấy vệ sinh, trong số đó có cả những người già, Reuters mô tả. Một người lái xe tải giao giấy vệ sinh cũng chia sẻ, anh đã làm việc tới 13 tiếng mỗi ngày trong vòng một tháng qua, để phục vụ nhu cầu dự trữ của người dân.

Cho đến nay, thành phố Tokyo vẫn chưa đưa ra lệnh phong tỏa hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuần trước, người dân vẫn đến tham dự các lễ hội hoa anh đào tổ chức tại thủ đô. Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ một làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra tại Tokyo tới mức "bùng nổ", theo Reuters, khi mà một nửa số ca nhiễm mới chưa thể theo dõi tận gốc. 

Thị trưởng Tokyo Koike cũng cho rằng, khi tình hình trở nên xấu đi, những biện pháp được áp dụng tại các thành phố khác trên thế giới như phong tỏa cũng có thể là một mô hình mà Tokyo có thể áp dụng. "Tokyo chưa từng trải qua tình huống nào tương tự như vậy", bà nói.

Trong cuộc họp sáng 27/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng việc phong tỏa và đóng cửa Tokyo có thể ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của nước này, NHK đưa tin. Ông cam kết, chính phủ sẽ phối hợp với các địa phương nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế, triệt để phòng chống dịch bệnh.

"Nhiều khả năng Thủ tướng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước", ông Koji Wada, giáo sư thuộc Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế Nhật Bản nhận định. "Nếu như vậy, chính quyền thành phố sẽ có thẩm quyền lớn hơn trong việc yêu cầu người dân ở nhà", ông đánh giá.

An Nhiên
.
.
.