Ngoại trưởng Mỹ tới Geneva thảo luận khẩn cấp về tình hình Syria
- Ngoại trưởng Mỹ bị “mắng” trong chuyến thăm Italy
- Ngoại trưởng John Kerry thăm châu Á
- Tổng thống Obama đề cử Thượng nghị sĩ John Kerry làm Ngoại trưởng
Việc ông Kerry có mặt tại cuộc họp khẩn, diễn ra một tuần trước khi Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức vòng đàm phán hòa bình mới về Syria tại Geneva, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình Syria hiện nay.
Phát biểu tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Jordan, ông Nasser Judeh, Ngoại trưởng Kerry cho biết: “Chúng tôi đang nói chuyện trực tiếp với người Nga. Hy vọng là chúng tôi có thể đạt được một số tiến bộ. Nghị quyết Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ kêu gọi một đất nước đầy đủ, toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt chiến tranh và toàn bộ quốc gia có thể tiếp cận được với viện trợ nhân đạo tại Syria nhưng rõ ràng điều đó đã và đang không xảy ra”.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, “đây là những giờ phút quan trọng”, đồng thời bày tỏ mong muốn “chính quyền (Syria) sẽ lắng nghe Nga và đáp ứng với tuyên bố mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế” đối với HĐBA LHQ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Jordan Nasser Judeh tại buổi hội đàm hôm 2-5 ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Reuters. |
Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ cũng tái khẳng định lệnh ngừng bắn là vô cùng cần thiết tại Syria và hy vọng có thể tái thiết lập hiệp định đình chiến sau các cuộc hội đàm ở Geneva. Trong khi đó, Ngoại trưởng Judeh mô tả tình hình tại thành phố Aleppo đang ở mức “đáng báo động” và việc chấm dứt chiến sự là rất cần thiết cho các cuộc hòa đàm Syria và để hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiếp tục.
Ông Judeh cho rằng: “Chúng ta phải giải quyết tình hình để chấm dứt hoàn toàn chiến sự trên khắp Syria, tạo môi trường thuận lợi hơn để ổn định chính trị. Việc chấm dứt chiến sự, tiến hành đàm phán và cứu trợ đều là thách thức và chúng ta phải giải quyết ngay trong ngày hôm nay”.
Trước đó, trong các cuộc điện đàm với Đặc phái viên LHQ về Syria, ông Staffan de Mistura và điều phối viên phe đối lập Syria, Riad Hijab, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, một trong những ưu tiên hàng đầu vào lúc này là tái thiết lập thỏa thuận ngừng bắn với việc chấm dứt bạo lực tại thành phố Aleppo, phía Bắc Syria, vốn đang bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ Syria với lực lượng đối lập trong tuần qua. Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Nga thực hiện các biện pháp nhằm giúp chấm dứt giao tranh tại Aleppo.
Đáp lại lời kêu gọi của Washington, phát biểu từ căn cứ không quân Hmeimim của Nga tại Syria, người đứng đầu Trung tâm điều phối của Nga tại Syria, Trung tướng Sergei Kuralenko nêu rõ, “các cuộc đàm phán tích cực” được tiến hành để thiết lập một “cơ chế yên tĩnh” tại tỉnh Aleppo.
Ông Kuralenko không đưa ra thêm chi tiết gì nhưng cho biết thêm rằng, lệnh ngừng bắn tại khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô Damascus đã được kéo dài thêm 24 giờ đến hết ngày 1-5, ngoài ra một lệnh ngừng bắn khác cũng được duy trì ở tỉnh miền Bắc Latakia.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga hôm 30-4 khẳng định Moskva sẽ không đề nghị chính quyền Syria dừng các cuộc không kích tại thành phố Aleppo. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nhấn mạnh: “Không, chúng tôi sẽ không gây sức ép lên Damascus bởi cần phải hiểu rằng những gì xảy ra ở Aleppo là một phần trong cuộc chiến chống lại khủng bố”.
Các cuộc giao tranh tại Aleppo, thành phố được coi là trung tâm kinh tế ở miền Bắc Syria đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới trong những ngày qua. Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại đây kể từ ngày 22-4 vừa qua, đe dọa phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực.
Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, chỉ trong 10 ngày qua, khoảng hơn 250 người, trong đó có cả trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích, nã pháo và bắn tên lửa của cả quân đội Chính phủ Syria và lực lượng đối lập. Nhiều khu vực rộng lớn của thành phố đã bị phá hủy, gây ra tình trạng mất điện, nước trong nhiều tháng.
Trước mức độ nghiêm trọng nói trên, ngày 1-5, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các bên liên quan tại Syria tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn vốn có hiệu lực từ ngày 27-2 vừa qua.
Bên cạnh đó, LHQ cũng kêu gọi Nga và Mỹ giúp khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria, ngăn chặn nguy cơ đàm phán hòa bình bị sụp đổ, đồng thời bảo đảm một cuộc điều tra đáng tin cậy về các cuộc không kích trúng vào bệnh viện Al-Quds được Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) hỗ trợ tại Aleppo, khiến ít nhất 27 người, trong đó có 14 bệnh nhân, 1 bác sỹ và 3 trẻ em thiệt mạng.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lên án mạnh mẽ vụ không kích trên, nhấn mạnh tấn công nhằm vào dân thường là hành vi vi phạm luật nhân đạo “không thể bào chữa được”.
Theo kế hoạch, một vòng đàm phán hòa bình mới về Syria dưới sự bảo trợ của LHQ sẽ khởi động vào ngày 10-5 tới cũng tại Geneva. Tuy nhiên, hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria dường như vẫn mong manh khi các bên tham gia đàm phán còn mâu thuẫn gay gắt về vai trò chính trị của Tổng thống Bashar al- Assad cũng như thành phần của chính phủ chuyển tiếp.