Nga, Mỹ thu hẹp các bất đồng về Syria

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:25
Ngày 15-12 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thủ đô Moskva (Nga) và đã có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin cùng người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Phát biểu trước báo giới sau đó, Ngoại trưởng Kerry phát đi thông điệp “Mỹ không theo đuổi chính sách cô lập Nga” đồng thời nhấn mạnh “Washington sẵn sàng hợp tác với Moskva”. Theo ông, thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi Mỹ và Nga xích lại gần nhau và cùng nhìn về một phía. Cũng theo cách này, hai bên có thể đạt được những bước tiến quan trọng.

Liên quan tới vấn đề Syria, tại phiên thảo luận kéo dài hơn 3 giờ với người đồng cấp Lavrov, hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới một loạt vấn đề, trong đó nổi bật là về tình hình Syria. Nhà lãnh đạo Ngoại giao Nga khẳng định, Washington và Moskva đều đã cam kết hợp tác chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và đã nhất trí tiến hành “một số bước đi cụ thể” để hiện thực hóa nỗ lực này. 

Ngoại trưởng Nga cho biết: “Chúng tôi xác nhận quân đội Nga và Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận với những điều khoản rõ ràng nhằm giúp tăng cường sự điều phối và hiệu quả của các chiến dịch quân sự mà hai bên đang tiến hành tại Syria”. 

Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Kerry nêu rõ: “Về cơ bản, chúng tôi nhìn nhận vấn đề Syria rất giống nhau, chúng tôi đều nhìn ra được các mối nguy hiểm, các thách thức và mong muốn đạt được một kết quả chung”.

Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Kerry tại cuộc gặp ngày 15-12.Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, hai bên đã “thẳng thắn nhìn vào những khác biệt còn tồn tại” và tiến trình hòa bình ở Trung Đông cần một lộ trình chính trị cụ thể. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ nói: “Nga và Mỹ nhất trí rằng, các nước không thể đánh bại IS nếu không tìm cách hạ nhiệt cuộc chiến tại Syria” đồng thời nhấn mạnh cả Nga và Mỹ đều đang tập trung “vào một tiến trình chính trị cụ thể” trong đó “người dân Syria sẽ được quyết định tương lai của Syria”. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Moskva và Washington chia sẻ “tiếng nói chung” về việc phe đối lập nào có thể tham dự các cuộc đàm phán liên quan đến hòa bình tại Syria. 

Trong khi đó, tại buổi hội kiến với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Putin nói với nhà ngoại giao Mỹ rằng: “Chúng ta sẽ cùng nhau tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng cấp nghiêm trọng nhất này”, đồng thời bày tỏ vui mừng về cơ hội gặp gỡ và đàm phán với Ngoại trưởng Mỹ. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Kerry cảm ơn Tổng thống Putin vì đã cho phép người đồng cấp Nga Lavrov hợp tác với ông nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền của Tổng thống Assad và lực lượng vũ trang đối lập Syria.

Diễn biến được xem là tích cực trong việc thu hẹp các bất đồng giữa Nga và Mỹ nhằm tìm ra cách thức chấm dứt cuộc xung đột tại Syria chính là việc ông Kerry chấp thuận quan điểm xuyên suốt bấy lâu nay của Nga về vấn đề gai góc nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria: Tương lai của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad. 

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ bày tỏ: “Mỹ và các đối tác không hướng đến cái gọi là thay đổi thể chế (tại Syria)… Vấn đề chính hiện nay không phải là khác biệt Nga - Mỹ về việc phải làm và không được làm những gì có liên quan đến ông Assad. Quan trọng hơn, đó là việc thúc đẩy một tiến trình hòa bình mà ở đó người Syria sẽ quyết định tương lai của đất nước”. 

Tuyên bố này cho thấy chính sách của Mỹ đối với Tổng thống Assad trong vài tháng trở lại đây đã có chút thay đổi, trong bối cảnh ảnh hưởng tiêu cực ngày một lớn của IS gia tăng và trở thành mối ưu tiên, bận tâm của các bên liên quan. Hai nước Nga, Mỹ cũng đã nhất trí vòng đàm phán quốc tế mới về cuộc khủng hoảng Syria sẽ diễn ra tại New York (Mỹ) vào ngày 18-12.

Liên quan tới vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Lavrov đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk. Ngoại trưởng Nga khẳng định hai bên đã đưa ra những ý tưởng cụ thể về việc làm thế nào để thực hiện hiệu quả nhất thỏa thuận này, đồng thời bày tỏ hy vọng Moskva và Washington sẽ duy trì được liên hệ chặt chẽ về vấn đề này. 

Trong khi đó, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định, nếu mọi điều khoản trong thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ, “Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ rút mọi lệnh trừng phạt nhằm vào Nga”. Ông Kerry bày tỏ: “Việc cả hai bên cùng ngồi lại với nhau và dành phần lớn thời gian để trao đổi với nhau như ngày hôm nay nhằm vạch ra những chi tiết để giải quyết vấn đề luôn luôn là điều tốt”.

Ngày 16-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Ukraine tiếp tục thể hiện quan điểm không mang tính xây dựng trong vấn đề Donbass. Theo bà Zakharova, mâu thuẫn nghiêm trọng đã xuất hiện chỉ một ngày sau khi Nhóm Tiếp xúc về Ukraine vừa nhóm họp tại thủ đô Minsk (Belarus). Phía Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi người đứng đầu Cơ quan Biên phòng Ukraine Viktor Nazarenko cho biết Kiev có kế hoạch tái lập quyền kiểm soát khu vực biên giới dài 409,4km ở miền Đông Nam Ukraine.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 15-12, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cho biết các lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên sẽ thảo luận về kế hoạch gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng sau khi các lệnh trừng phạt này hết hạn vào tháng 1-2016 tới. Trong thư mời tham dự hội nghị EU sắp diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12 tại Brussels (Bỉ), ông Tusk cho biết ông đã yêu cầu các cơ quan phụ trách công tác chuẩn bị cho hội nghị bổ sung kế hoạch trên vào chương trình nghị sự. 

(Kim Linh)

Khổng Hà (theo RT, AP)
.
.
.