Nga – Mỹ đối đầu căng thẳng vì vũ khí hóa học ở Syria

Thứ Năm, 16/11/2017, 13:56
Nga và Mỹ một lần nữa đối đầu tại Liên Hợp Quốc khi cả hai bên đều đưa ra dự thảo riêng về cơ chế điều tra nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, đồng thời kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ nghị quyết của mình.

Reuters ngày 16-11 cho hay, Nga đã công bố một dự thảo nghị quyết trái ngược với văn bản của Mỹ về việc kéo dài Cơ chế Điều tra Chung (JIM), vốn nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad với cáo buộc dùng vũ khí hóa học, thêm một năm.

Hai bên đều kêu gọi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ dự thảo của mình.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.

Chưa rõ Mỹ sẽ đối xử với nghị quyết của Nga thế nào. Song, Nga từng nhiều lần phủ quyết dự thảo của Washington, nhằm ngăn một cuộc điều tra mà Moscow cho rằng thiếu khách quan về Chính phủ Syria.

Năm 2015, LHQ và Tổ chức cấm vũ khí hóa học quốc tế đã thiết lập một cơ chế điều tra chung về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Sứ mệnh này vừa hết hiệu lực trong tháng 11 này.

Vào ngày 26-10, cơ chế điều tra chung đã công bố kết luận và đổ lỗi cho chính quyền của ông Assad  về vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 4-4 tại khu vực Khan Sheikhoun của Syria khiến hơn 100 thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. 

Tuy nhiên, trước khi kết quả điều tra được công bố, vào ngày 7-4, Mỹ đã đổ lỗi cho chính quyền Assad và không kích san phẳng một sân bay của Syria.

Theo đại diện Nga tại LHQ Vassily Nebenzia, các nước cần thảo luận về các bản báo cáo liên quan đến vụ tấn công hôm 4-4 tại Khan Sheikhoun trước khi đưa ra quyết định về việc có gia hạn sứ mệnh này hay không. Moscow từng nhiều lần lo ngại kết quả của cuộc điều tra có thể bị thao túng.

“Đừng cố tạo ấn tượng rằng Nga muốn bãi bỏ việc điều tra. Chúng tôi sẵn sàng trở lại câu hỏi về việc gia hạn sứ mệnh của cơ chế điều tra chung sau khi báo cáo được công bố và sau khi chúng tôi thảo luận về bản báo cáo này”, ông Nebenzia tuyên bố.

Ngoài Nga và Bolivia phủ quyết, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng về quyết định kéo dài sứ mệnh điều tra.

Thiện Nhân
.
.
.