(NÓNG TRONG TUẦN) Máy bay Indonesia rơi, Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

Thứ Hai, 05/11/2018, 09:12
Máy bay Boeing 737 đời mới nhất rơi ở Indonesia, nước Mỹ sôi sục trước bầu cử giữa kỳ với các cuộc tranh luận không điểm dừng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ, cùng việc Washington tái áp đặt trừng phạt Iran.. là những thông tin đáng chú ý nhất tuần qua.


Máy bay Boeing 737 đời mới nhất rơi ở Indonesia

Máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air, mang số hiệu chuyến bay JT610, chở 189 người đã rơi xuống vùng biển Java 13 phút sau khi cất cánh từ sân bay ở Jakarta sáng 29-10, khiến toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Các mảnh vỡ máy bay và đồ dùng nạn nhân trên chiếc Boeing được tìm thấy dưới biển. Ảnh: Reuters

Vụ tai nạn là thảm kịch tiếp theo ở quốc gia Đông Nam Á này, sau khi thiên tai trong tháng 10 đã làm chết hơn 2.000 người, làm bị thương hàng ngàn người khác.

Theo RT, chiếc Boeing 737 MAX bị rơi là một máy bay đời mới. Nó mới được sản xuất năm ngoái và bắt đầu khai thác thương mại từ tháng 8. Chiếc máy bay được cho là đã gặp phải một loạt lỗi kĩ thuật trước chuyến bay định mệnh, bao gồm các lỗi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc điều khiển của phi công.

Các nhà điều tra đang cố gắng xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Một trong hai hộp đen chứa dữ liệu về chiếc máy bay đã được tìm thấy và trích xuất, song chiếc còn lại, chuyên dùng để ghi âm buồng lái, đã hoàn toàn mất dấu vết.

Vụ tai nạn đã dấy lên một làn sóng giận giữ nhằm vào hãng hàng không Lion Air. Nhiều người nói rằng áp lực bay quá lớn đã khiến các công tác đảm bảo an toàn của hãng này không được đảm bảo.

Nước Mỹ sôi sục trước bầu cử giữa kỳ

Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này của Mỹ diễn ra sôi động hơn hẳn những lần trước đó, bởi ngoài 435 ghế trong Hạ viện Mỹ được bầu mới, theo đúng quy định về nhiệm kỳ 2 năm. Thì còn 35 ghế trong Thượng viện 100 thành viên (các thành viên sẽ hoạt động trong nhiệm kỳ 6 năm) và thống đốc 36 bang nước Mỹ cũng sẽ được người dân Mỹ lựa chọn vào ngày mai (6-11).

Tổng thống Trump trong vòng vây của người ủng hộ. Ảnh: Reuters

Tuần qua, Tổng thống Trump đã tiến hành cuộc vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa tại 11 điểm trên khắp nước Mỹ. Trước cử tri Mỹ, ông Trump đã tận dụng tối đa các ưu thế của mình như nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc, tỉ lệ thất nghiệp giảm và đặc biệt là vấn đề di cư được kiềm chế.

Hôm 29-10, ông Trump thậm chí đã điều động 5200 binh sĩ Mỹ đến biên giới Tây Nam để thể hiện quyết tâm ngăn đoàn người di cư đến từ Trung, Nam Mỹ nhập cảnh trái phép, trong một động thái có thể khiến những người ủng hộ ngày càng tin tưởng vào các lời hứa của ông.

Về phía đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Obama và cựu Phó Tổng thống Biden đã trở thành tâm điểm chú ý vì các tuyên bố chống lại đương kim Tổng thống Trump.

Theo Reuters, chi phí cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 sẽ lần đầu tiên vượt mốc 5,2 tỷ USD, tức là lớn nhất từ trước đến nay. Phần lớn số tiền này được đảng Dân chủ sử dụng. Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố lần lượt tại các bang nước Mỹ trong ngày 6-11.

Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran

Hôm 30-10, chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố chính thức nối lại các lệnh trừng phạt với Iran đã từng được dỡ bỏ vào năm 2015 theo thỏa thuận hạt nhân với nước này. Các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 5-11, được áp đặt lên lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng.

Đây là gói thứ 2 trong số các biện pháp trừng phạt được áp dụng kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5. Theo Reuters, các quốc gia có nhập khẩu dầu từ Iran, làm việc với doanh nghiệp Iran sẽ “lãnh đủ” từ Mỹ.

Nhiều người lo ngại giá dầu sẽ tăng cao vì các đòn trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Có 8 quốc gia được miễn trừ và những nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran một cách tạm thời, trong đó có những đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Các chuyên gia lo ngại việc áp đặt lệnh cấm vận của Mỹ có thể gây ra cú sốc lớn cho thị trường dầu mỏ quốc tế, theo đó đẩy giá dầu lên cao bất thường. Iran từng có thời điểm sản xuất 2,5 triệu thùng mỗi ngày. Con số này đã giảm còn 1 triệu thùng sau khi ông Trump nhậm chức và nó có thể phải tiếp tục giảm mạnh thời gian tới.

Hiện chưa rõ liệu cộng đồng quốc tế có chấp thuận làm theo theo yêu cầu của Mỹ hay không. Trước đó, Trung Quốc và Ấn Độ tuyên bố tiếp tục mua dầu từ Iran trong khi Anh, Pháp và Đức đã hứa sẽ tiếp tục các hoạt động kinh doanh với Tehran.

“Chảo lửa” Idlib rực cháy trở lại

Gần 2 tháng lặng im tiếng súng, “chảo lửa” Idlib có dấu hiệu cháy trở lại với việc quân đôi Syria từ ngày 30-10 pháo kích nhiều vị trí và các đường giao thông hào của nhóm khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham và Jaysh Al-Izza gần thị trấn Atshan, Al-Lataminah, Morek, Al-Taman’ah, Sukeek, và Lahaya.

Hồi tháng 9, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận lập một vùng phi quân sự có bán kính 20km dọc theo đường ranh giới giữa khu vực do các tay súng phiến quân thân Thổ chiếm giữ và khu vực do quân đội Syria kiểm soát.

Binh sĩ Syria khai hỏa một hệ thống pháo. Ảnh: ITN

Các nhóm cực đoan, bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, al-Nusra và các tổ chức khủng bố có trong danh sách của Liên Hợp Quốc phải rút hết khỏi khu vực trước ngày 15-10. Tuy nhiên, tính đến nay, nhiều nhóm nổi dậy và phiến quân Hồi giáo, trong đó có nhóm Hay'at Tahrir Al-Sham xuất thân từ al-Qaeda, vẫn hiện diện tại khu phi quân sự.

Theo Al MasdarNews, các nhà quan sát địa phương xác nhận các tay súng cực đoan thậm chí vẫn đang xây dựng cơ sở cũng như điều thêm vũ khí tới khu phi quân sự để tấn công nhằm vào binh sĩ chính phủ, trong một hành động có thể kéo theo sự đáp trả mạnh mẽ của Damascus.

Tại hội nghị thượng đỉnh bốn bên về Syria diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27-10, Tổng thống Nga Putin khẳng định quân đội Syria có quyền tấn công các nhóm cực đoan ở Idlib nếu chúng có hành vi khiêu khích.

Thủ tướng Merkel tuyên bố sắp từ chức

Trong một tuyên bố bất ngờ, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 29-10 cho biết bà sẽ không ra tranh cử chức Chủ tịch đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại đại hội thường niên của đảng này dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12 tới, đồng thời sẽ từ chức Thủ tướng Đức khi nhiệm kì hiện tại chấm dứt.

Kỷ nguyên Merkel có thể sắp kết thúc. Ảnh: ITN

 Bà Merkel giữ chức Chủ tịch CDU kể từ năm 2000. Quyết định bất ngờ được đưa ra trong bối cảnh đảng CDU của bà gặp nhiều thất bại trong các cuộc bầu cử ở địa phương, gồm khu vực Hessen và Hamburg.

Bà Merkel sinh năm 1954 tại Hamburg, thành phố cảng miền Bắc nước Đức. Bà bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 1989 và liên tiếp có những bước tiến lớn. Năm 1994, bà Merkel được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Môi trường và An toàn Lò Phản ứng Hạt nhân.

Tháng 4-2000, sau bê bối tài chính bên liên quan đến nhiều nhân vật lãnh đạo đảng CDU, bà được lựa chọn để thay thế chủ tịch đảng Wolfgang Schauble, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí này. Tháng 5-2005, bà Merkel được bầu làm Thủ tướng và giữ chức này đến nay.

Một cuộc tranh luận đã nổi lên trong lòng nước Đức về việc liệu ai đủ sức dẫn dắt “đầu tàu” châu Âu sau sự ra đi của nữ tướng Merkel.

Hy Lạp đòi Đức 288 tỷ USD

Hy Lạp ngày 29-10 tiếp tục yêu cầu Đức đền bù thiệt hại trong Thế chiến thứ hai, vào khoảng 280 tỷ Euro. Hy Lạp cũng cáo buộc Đức còn nợ 11 tỷ Euro khác khi quân đội Đức buộc ngân hàng trung ương Hy Lạp cho Hitler vay 476 triệu đồng mác vào năm 1943.

Hy Lạp muốn Đức bồi thường gần 300 tỷ Euro.

Theo giới sử học, khoản cho vay lãi suất 0% khi đó đã đóng vai trò chính gây đói nghèo diện rộng ở Hy Lạp chỉ sau một đêm khi nó khiến cả nền kinh tế lẫn đồng tiền sụp đổ.

Mặc dù vậy, cũng như những lần trước đó, phía Đức công khai bác bỏ yêu cầu này.


Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.