(NÓNG TRONG TUẦN) Bão lửa "nuốt chửng" California, Tổng thống Putin có động tác lạ với ông Trump
- 25 người thiệt mạng, California lao đao vì cháy rừng lan rộng
- "Bão lửa" thiêu rụi nhà cửa tại California, ít nhất 9 người thiệt mạng
- Bị ngăn cản, Tổng thống Putin vẫn đối thoại "tốt" với ông Trump
Cháy rừng kinh hoàng ở California
Bang California của Mỹ vừa có một tuần tang thương khi vụ xả súng xảy ra hôm 7-11 khiến 12 người chết, còn loạt vụ cháy rừng những ngày qua hiện đã trở thành vụ hỏa hoạn có mức độ tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử bang khi có tới 25 người đã thiệt mạng, nhiều người khác mất tích và khoảng 250.000 buộc phải rời bỏ nhà cửa, Reuters đưa tin.
Ngọn lửa bao trùm một phần rộng lớn bang California. Ảnh: Reuters |
Theo các quan chức địa phương, ngọn lửa đã bùng phát lần lượt ở một loạt khu rừng ở cả miền Bắc và miền Nam bang này. Gió lớn, độ ẩm thấp và những cánh rừng khô hạn những tháng qua khiến cháy rừng lan rộng nhanh chóng. Các nhân viên cứu hoả dường như bất lực chứng kiến ngọn lửa "nuốt chửng" mọi thứ trên đường đi của nó.
Nhiều lính cứu hoả nói rằng đợt cháy rừng năm nay là trải nghiệm khủng khiếp nhất họ từng có trong hàng chục năm làm việc. Jack Paccini, một chỉ huy lực lượng cứu hỏa địa phương, cảnh báo nhiều thành viên lực lượng cẩn thận tránh rơi vào tình cảnh "kiệt sức về tinh thần".
Tính đến tối 10-11, ngọn lửa đã đã phá huỷ 6.453 ngôi nhà, 260 công trình thương mại ở hạt Butte, phía Bắc Sacramento. Trong khi đó, khoảng 40.000 ha rừng cũng bị thiêu rụi hoàn toàn. Vụ việc đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận. Ông chỉ trích công tác quản lý rừng yếu kém là nguyên nhân khiến vụ cháy rừng vượt quá tầm kiểm soát.
Động tác "lạ" của Tổng thống Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cử chỉ "lạ" với người đồng cấp Mỹ Donald Trump khi hai ông có cuộc gặp mặt trực tiếp tại Paris, Pháp, nhân dịp dự buổi lễ tưởng niệm 100 năm ký kết hiệp ước kết thúc Chiến tranh thế giới I cùng hàng chục nhà lãnh đạo thế giới khác.
Tổng thống Putin giơ ngón cái tán đồng với ông Trump. Ảnh: Reuters |
Theo RT, Tổng thống Putin là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng có mặt tại lễ kỷ niệm hôm 11-11 ở Paris. Sau khi chào Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Putin bắt tay người đồng cấp Trump, kèm thêm cử chỉ giơ ngón tay cái thể hiện sự tán đồng trước khi chuyển sang chào Đệ nhất phu nhân Melania.
Cử chỉ của ông Putin lập tức nhận được nhiều đồ đoán từ giới truyền thông. Nhiều người cho rằng đây là động tác nồng ấm lạ thường, trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ mới đây liên tiếp xấu đi liên quan đến các lệnh trừng phạt và việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sắp rút Washington khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Cùng ngày, Tổng thống Nga Mỹ đã trao đổi ngắn trong bữa trưa sau lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến I tại Pháp dù cuộc đối thoại này bị nước chủ nhà phản đối. Ông Putin sau đó nói với giới truyền thông rằng cuộc gặp đã diễn ra "rất tốt".
Phát hiện mộ tập thể kinh hoàng ở Iraq
Liên Hợp Quốc ngày 7-11 công bố một báo cáo cho biết tổ chức này đã phát hiện hơn 200 ngôi mộ tập thể tại các tỉnh miền Bắc và miền Tây Iraq, các khu vực trước đây vốn được kiểm soát bởi các tay súng khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một ngôi mộ tập thể được tìm thấy ở Mosul. Ảnh: ITN |
Báo cáo nhận định rất khó để thống kê chính xác số lượng người chết trong những ngôi mộ này. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia, đây có thể là nơi chôn cất của khoảng 6.000 đến 12.000 nạn nhân, phần lớn bị sát hại bởi các phiến quân, trong đó bao gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già. Chính quyền Iraq cũng đã khai quật 28 ngôi mộ và tìm thấy hài cốt của gần 1.300 nạn nhân.
Năm 2014, IS kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Iraq, bao gồm cả thành phố lớn thứ hai nước này là Mosul, trước khi bị đánh bại cuối năm 2017. Trong hơn 3 năm kiểm soát, các tay súng IS đã sát hại hàng chục ngàn người, biến Mosul thành khu vực bị phá huỷ nghiêm trọng.
Chiến hạm chủ lực Na Uy chìm xuống biển vì va chạm với tàu chở dầu
Hải quân Na Uy cho biết tàu hộ vệ tên lửa HNoMS Helge Ingstad của nước này đã bị tàu chở dầu Sola TS mang quốc tịch Malta đâm trúng lúc 4h sáng ngày 8-11 khi đang neo đậu ở cảng Sture, phía Tây nước này. Chiến hạm Na Uy bị rách một vết lớn trên thân và đang đối mặt nguy cơ chìm hoàn toàn, theo New York Times.
Tàu Helge Ingstad chìm dần xuống biển trong sự bất lực của giới chức Na Uy. Ảnh: Sputnik |
Eirik Walle, quan chức Trung tâm Điều phối Cứu hộ hỗn hợp Na Uy, cho biết thủy thủ đoàn trên tàu không thể kiểm soát được vết rách, lượng nước tràn vào nhiều hơn lượng nước được bơm ra, khiến thuyền trưởng phải lệnh cho tàu đâm vào bãi cạn để tránh nguy cơ chìm hẳn xuống biển.
Tàu hộ vệ Helge Ingstad mới trở về cảng sau khi tham gia cuộc tập trận Trident Juncture 2018 của NATO ngoài khơi Na Uy. Đây là tàu chiến chủ lực và cũng là tàu đắt nhất trong biên chế hải quân Na Uy. Hiện thủy thủ đoàn 127 người đã được sơ tán, trong đó 7 người bị thương nhẹ.
Theo một số nguồn tin, tàu Helge Ingstad dường như đã tắt các thiết bị cảnh báo và radar tránh vi phạm khi di chuyển trong cảng, khiến nó hoàn toàn bị động và bị hư hại nặng nề trong vụ va chạm.
Quyền lực của Tổng thống Trump bị "sứt mẻ" sau bầu cử?
Sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua không ngoài cuộc bầu cử giữa kỳ cam go ở Mỹ, với kết quả không ngoài dự đoán của giới phân tích là chiến thắng ở Hạ viện cho đảng Dân chủ, trong khi đó đảng Cộng hòa tiếp tục là phe đa số ở Thượng viện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Với kết quả này, quyền lực của Tổng thống Trump được cho là sẽ bị thách thức không ít trong thời gian tới ở Hạ viện khi mà đảng Dân chủ sẽ có thẩm quyền điều tra ông Donald Trump và các trợ lý của ông. Đây được xem là nguy cơ mà không một Tổng thống Mỹ nào mong muốn, nhất là ông Trump, khi ông đang vướng loạt lùm xùm liên quan đến vấn đề thuế cá nhân hay cáo buộc về cái gọi là "Nga can thiệp bầu cử".
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử giữa kỳ cũng vẫn được xem là một thắng lợi với ông Trump khi đảng của ông giữ nguyên quyền kiểm soát Thượng viện. Đảng Cộng hoà và ông Trump thậm chí có thể bắt đầu nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Rõ ràng, kỳ bầu cử này đã hứa hẹn mang lại cơ hội cho Đảng Dân chủ vẽ ra bức chân dung tiêu cực về Tổng thống Trump nhưng họ không mấy thành công. Rất nhiều người dân Mỹ vẫn thể hiện sự ủng hộ với sự lãnh đạo của ông Trump và đây là tiền đề quan trọng để ông tiếp tục điều hành nước Mỹ theo đúng cách mà ông đang làm.